TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội), cảnh báo khả năng gây ung thư không chỉ với thuốc lá, mà thuốc lào cũng tương tự.
Thống kê từ Bệnh viện K Trung ương từng chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%.
Đặc biệt, nước ta có 15 triệu người người hút thuốc thực sự trong khi có đến 40 triệu người phải chịu tác động từ khói thuốc. Ngoài ra, tại nơi làm việc, khoảng 5 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc khói thuốc lá thụ động. 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà.
Thói quen hút thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh ung thư phổi. |
Người hút thuốc phải đối mặt nguy cơ mắc các căn bệnh như ung thư phổi, bệnh về hô hấp, tim mạch… Những người sống gần họ cũng có nguy cơ mắc một loạt căn bệnh như ung thư nói chung, trong đó có ung thư phổi, các bệnh về hô hấp, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí ảnh hưởng hệ sinh sản và tử vong do suy giảm hệ miễn dịch.
“Ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10-15 năm trong cơ thể. Đó là do hắc ín không thể loại ra khỏi cơ thể", TS Chân khuyến cáo.
Nói về việc tại sao bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn nặng song vẫn không có dấu hiệu nhận biết, thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết các dấu hiệu của ung thư phổi khá mơ hồ, thậm chí bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện sau khi vô tình đi khám.
“Khá nhiều bệnh nhân khi phát hiện bệnh thường ho ra máu, đau tức ngực… Ho ra máu là biểu hiện của ung thư phổi đã xâm lấn vào các phế quản. Đau tức ngực do chèn phổi rất nặng nề. Một số u chèn vào mạch máu gây phù, tê chân, tê tay… Tất cả đều là triệu chứng muộn, khi đi khám, bệnh nhân thường phải nhập viện để điều trị ngay”, bác sĩ Thịnh cho hay.
Theo các chuyên gia, dấu hiệu lâm sàng của ung thư phổi thường nghèo nàn và không đặc trưng, nên đa số bệnh nhân được phát hiện tình cờ. Do đó, người dân cần đi khám sàng lọc định kỳ 2 lần/năm, những người trẻ có thể duy trì một lần/năm.
Theo TS Đinh Văn Lượng, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, người dân nên làm các biện pháp khám sàng lọc ung thư, đặc biệt là chụp phổi định kỳ một năm hoặc 6 tháng/lần. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới chuyên ngành hô hấp khám kỹ và đưa ra biện pháp điều trị.
Những người cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi bao gồm:
- Nam giới ngoài 50 tuổi.
- Người có tiền sử nghiện thuốc lá, tiếp xúc nhiều khói thuốc.
- Người nghiện rượu, bia.
- Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Người sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm.
Thạc sĩ Thịnh cũng cho biết khoảng 1-2 năm nay, người dân khá quan tâm tới việc khám bệnh định kỳ nên đã phát hiện bệnh sớm. Những trường hợp đó được điều trị với tiên lượng rất tốt.
“Ung thư giai đoạn cuối không hẳn là án tử cận kề. Tùy từng thể bệnh và cá thể với mức độ đáp ứng thuốc điều trị khác nhau sẽ cho tiên lượng khác nhau. Nhiều bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe mạnh lên tới trên 10 năm. Do đó, người bệnh không nên quá bi quan vào căn bệnh”, bác sĩ Thịnh lưu ý.