Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối nguy chực chờ phía sau bức ảnh con nhỏ chơi đùa với chó cưng

Khi gượng ép thú cưng tương tác với con nhỏ để có một bức ảnh đăng lên mạng xã hội, bạn có thể đang đẩy trẻ vào tình huống nguy hiểm.

Mỗi khi lướt mạng xã hội, Holly Blakney, người huấn luyện chó ở Florida (Mỹ), đều nhìn thấy tương tác đáng lo ngại giữa trẻ nhỏ và những chú chó. "Tôi xem bức ảnh và chỉ biết lắc đầu ngao ngán: 'một tai nạn đang chực chờ phía sau'", cô nói với Slate.

Những bức ảnh phổ biến cho thấy trẻ em ngồi, ôm, nằm hoặc thậm chí là nhảy lên lưng chó. Trẻ làm phiền thú cưng khi chúng đang nghỉ ngơi, ngủ, ăn - những thời điểm rất nhạy cảm.

Trong khi phần lớn người dùng mạng xã hội khen ngợi sự tương tác dễ thương, Blakney và các chuyên gia về hành vi của chó khác đưa ra cảnh báo trên trang cá nhân với hy vọng ngăn chặn mối nguy tiềm tàng.

"Tôi chưa bao giờ thấy một con chó nào thích bị giẫm đạp, bị cưỡi lên hay bị đối xử như một con ngựa", Blakney nói.

Dấu hiệu cảnh báo

Những người huấn luyện có cơ sở để lo ngại, vì ngay cả những chú chó thân thiện và hiền lành nhất cũng có thể cắn, đặc biệt là khi chúng sợ hãi hoặc căng thẳng.

Blakney cho biết trẻ em bị chó cắn nhiều hơn mọi người nghĩ. Ở Mỹ, hơn 4,5 triệu người bị chó cắn mỗi năm. Theo số liệu của bệnh viện, hầu hết trường hợp bị cắn đều liên quan đến chó trong nhà và trẻ em có nhiều khả năng cần được chăm sóc y tế hơn người lớn.

Trẻ em dưới 5 tuổi, có lẽ vì còn nhỏ và có xu hướng bò, chơi trên sàn, thường bị cắn vào đầu và cổ hơn các lứa tuổi khác. Những vết thương này rất nguy hiểm.

tre va thu cung anh 1

Nếu bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo của chó cưng, trẻ em có thể gặp nguy hiểm khi cố gắng tương tác.

Mặc dù các bậc cha mẹ không cố ý khiến con mình gặp nguy hiểm, các chuyên gia về hành vi nói rằng mọi người thường không nhận thức được biểu hiện nguy hiểm ở thú cưng. Namita DigheShetty, người huấn luyện chó và cố vấn hành vi ở Vancouver (Canada), cho biết không phải tự nhiên mà chó cắn người.

"Điều quan trọng nhất cần hiểu là loài chó có vô số phương thức giao tiếp phi ngôn ngữ, cực kỳ nhanh và lặng lẽ. Trước khi chuyển sang nhe răng, gầm gừ hoặc thậm chí sủa ai đó, chúng đã truyền đạt bằng nhiều cách để thể hiện rằng mình không thích những gì đang xảy ra", cô nói.

DigheShetty cho biết cô thường xuyên xem clip quay cảnh trẻ em chơi cùng chó cưng, trong đó loài động vật này đang âm thầm ra hiệu rằng nó muốn có không gian riêng. Thông thường, những chú chó rất im lặng, điều này cho thấy chúng đang chờ đợi sự trêu đùa kết thúc.

Blakney cho biết các dấu hiệu khó chịu khác ở chó bao gồm lè lưỡi, quay đầu và tránh giao tiếp bằng mắt.

Hình phạt tệ hại

DigheShetty nói thêm rằng một số hành vi cũng bị hiểu sai, chẳng hạn như liếm và vẫy đuôi. Chó liếm đứa trẻ thường là một cách lịch sự để nói rằng nó muốn người này đi chỗ khác, điều mà một số chuyên gia về hành vi gọi là "kiss to dismiss" (hôn để đuổi khéo).

Vẫy đuôi không phải lúc nào cũng là biểu hiện của sự vui vẻ, chào đón.

Nếu những cảnh báo nhỏ bị bỏ qua, chó sẽ thể hiện sự căng thẳng ở một mức độ cao hơn. Một số chuyển sang gầm gừ như một cách nói: "Hãy để tôi yên!". Tuy nhiên, chó thường bị chủ phạt vì tội gầm gừ.

"Chó gầm gừ không phải là điều xấu, đó là một lời cảnh báo. Khi thú cưng bị khiển trách vì gầm gừ, nó có thể ngừng kêu, nhưng hình phạt không làm thay đổi cảm giác của nó về tình huống đó", Blakney nói.

tre va thu cung anh 2

Đôi lúc hành động vẫy đuôi, liếm láp không phải là biểu hiện vui vẻ của chó.

Ngược lại, nếu cấm chó gầm gừ, bạn đang dạy chúng hành động mà không cần báo trước. Dần dần, chú chó sẽ cắn người một cách rất bất ngờ.

DigheShetty lưu ý rằng chó và trẻ nhỏ trong các hộ gia đình nên có khu vực riêng biệt, được ngăn cách bằng rào chắn. Điều này giúp người lớn chủ động đánh giá ngôn ngữ cơ thể của thú cưng trước khi để trẻ tiếp cận chúng.

Việc ép buộc chú chó tương tác với trẻ nhằm có một bức ảnh là không đáng. Các huấn luyện viên hiểu rằng mục tiêu của phụ huynh có thể là tạo ra môi trường thân thiện, gần gũi cho trẻ và thú cưng, nhưng vẫn còn nhiều cách tương tác khác an toàn và thú vị hơn.

DigheShetty lấy ví dụ về các cách huấn luyện chó mà không cần tiếp xúc cơ thể chẳng hạn như quay vòng tròn, cúi chào hoặc vẫy chân. Các gia đình có thể áp dụng những cách này để không chỉ gây ấn tượng với bạn bè trên mạng, mà còn giúp chú chó hình thành mối liên hệ tích cực với đứa trẻ.

Đằng sau những đứa trẻ 'viral'

Khi clip bỗng nhiên viral, con cái vô tình trở thành ngôi sao mạng xã hội, một vài ông bố bà mẹ bắt đầu ý thức về quyền riêng tư của trẻ cũng như nhận ra mặt tối của việc chia sẻ.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.

Lê Vy

Ảnh: Stocksy

Bạn có thể quan tâm