"Rắc rắc" là âm thanh quen thuộc ở các clip bẻ khớp trên TikTok. Chúng được coi như phương pháp thư giãn, điều trị đau, nhức mỏi cơ thể mới của người trẻ hiện nay.
Thích thú khi nghe tiếng bẻ khớp
Khi đến gặp những "chuyên gia" này, bạn sẽ được nắn chỉnh xương khớp để hết nhức mỏi ngay lập tức. Những clip thu hút được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng thường xuất hiện bệnh nhân là các cô gái có ngoại hình ưa nhìn, trang phục gợi cảm đến thư giãn, chữa gù lưng, chỉnh hàm cổ... Chúng có lượt xem khủng lên tới vài triệu view.
Tiếng kêu rắc rắc khi các chuyên gia này bẻ khớp trở thành niềm thích thú của nhiều người xem. Không ít bình luận xin địa chỉ của các cơ sở này để đến trải nghiệm. Một số khác lại thấy sợ vì có cảm giác như sắp gãy xương.
Không chỉ hưởng ứng, nhiều bạn trẻ xem đó như trào lưu và tự thực hiện các thử thách bẻ khớp tại nhà.
Những clip về bẻ khớp tràn lan trên Tiktok. |
"Tôi làm công việc văn phòng, phải ngồi nhiều nên cũng hay mỏi cổ vai gáy và vùng lưng. Xem các clip bẻ khớp trên mạng tôi thấy vừa sợ vừa thích. Tôi cũng tìm địa chỉ phòng khám đang hot trên TikTok để tới trải nghiệm thử nhưng khá xa nơi ở nên chưa sắp xếp được thời gian", Thùy Linh (25 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Còn Hồng Quân (19 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) lại nghịch ngợm hơn khi thực hiện động tác bẻ khớp cho bạn cùng phòng theo hướng dẫn trên Tiktok. Tuy nhiên, Quân cho biết anh không làm được tiếng kêu rắc rắc lớn như trong các clip.
"Bạn tôi sau khi được bẻ khớp không thấy dễ chịu hơn, thậm chí hai bên cánh tay thấy đau hơn. Điều này có thể do tôi thao tác chưa đúng cách", nam thanh niên nói.
Vì sao bẻ khớp có tiếng rắc rắc?
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh Cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, TP.HCM, cho biết bẻ khớp là phương pháp chữa trị dùng trong vật lý trị liệu. Nó còn được gọi là Chiropractic, kỹ thuật điều trị này khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp này đã bị đẩy lên ở mức thái quá.
Ông lý giải tiếng kêu rắc rắc nhiều người nghe được trên các clip là do có lực tác động đột ngột vào khớp, các khớp sẽ trượt lên nhau, những bọt khí trong dịch khớp bị vỡ ra. Chúng cộng hưởng lại sẽ có tiếng rắc rắc.
Một kênh Tiktok chọn người mẫu nữ ăn mặc gợi cảm, thực hiện bẻ khớp với các tư thế nhạy cảm để thu hút sự chú ý. |
"Suy nghĩ tiếng kêu càng to chứng tỏ điều trị càng hiệu quả là hoàn toàn sai lầm. Nhiều người có tâm lý chưa nghe tiếng rắc thì chưa thấy dễ chịu. Tuy nhiên, hơn 1/2 số bệnh nhân nắn khớp sẽ không kêu và hay nhận phản ứng thái quá của bệnh nhân như các clip trên mạng xã hội Tiktok", bác sĩ Calvin Q Trịnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, những người trước đó có sử dụng liệu pháp khác như massage hay giãn cơ sẽ không có nhiều tiếng kêu này. Một số cơ sở đánh trúng tâm lý của khách hàng, người ta thường thực hiện nắn chỉnh ở những vị trí dễ phát ra tiếng để biểu diễn, thay vì chú trọng đến cách điều trị sao cho hiệu quả.
Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, dịch vụ nắn chỉnh khớp có mục đích chính thư giãn và điều trị trong một số trường hợp biên độ vận động của khớp giảm hay viêm dính cột sống giai đoạn đầu.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định việc nắn chỉnh khớp để chữa gù lưng, cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm hay mặt lệch không hề có tác dụng. Đây là những bệnh lý do mất cân bằng cơ, cơ căng kéo sẽ gây lệch vẹo các khớp.
Gãy xương, liệt vì bẻ khớp
Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho hay ông mới điều trị cho một người phụ nữ là nạn nhân của trào lưu bẻ khớp. Sau khi bấm huyệt và bẻ cột sống, chị A. thấy đau nhói ở vùng thắt lưng phải, "thầy" bẻ khớp nói không sao và hẹn ngày hôm sau tiếp tục điều trị. Sau một ngày, người phụ nữ này vẫn tiếp tục đến và được hiện các thao tác bẻ khớp bất kể vẫn đang đau.
Sau buổi trị liệu thứ 2, bệnh nhân rất đau, không vận động hay đi lại được, khó thở, nằm mệt, được giới thiệu đến khám tại Trung tâm Hiệu chỉnh Cơ xương khớp, Bệnh viện 1A. Kết quả phim cho thấy bệnh nhân bị gãy xương sườn 12 phạm khớp sườn cột sống…
"Trường hợp như bệnh nhân trên không hiếm gặp. Thậm chí, các bác sĩ cũng từng ghi nhận bệnh nhân bị liệt sau khi nắn chỉnh khớp tại các phòng khám không uy tín, thầy lang", ông nói.
Kỹ thuật viên tại Trung tâm Hiệu chỉnh Cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, nắn chỉnh khớp cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Theo vị chuyên gia này, trước khi bẻ khớp, người bệnh cần khám sức khỏe cột sống, đặc biệt khi có các chấn thương như nứt, xẹp đốt sống. Nếu không kiểm tra, bẻ khớp vô tình làm tổn thương tủy sống, gây liệt ngay sau khi thực hiện. Đặc biệt với phần cổ, bẻ không đúng có thể gây tử vong ngay tại chỗ.
Trong tất cả khớp, khớp cột sống là quan trọng nhất do có nhiều dây thần kinh. Đặc biệt, với cột sống cổ, bẻ khớp sai cách có thể gây liệt tứ chi, liệt toàn thân và tử vong.
Khi cơ thể có cảm giác nhức mỏi, người dân có thể thực hiện các biện pháp thư giãn như massage, bấm huyệt, nắn chỉnh khớp. Tuy nhiên, bạn phải tìm đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín để điều trị, tránh tiền mất tật mang.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.