Rủ nhau đi hát karaoke sau khi ăn nhậu là thói quen của nhiều người, tuy nhiên theo thạc sĩ Lưu Liên Hương, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ít người biết rằng điều này gây nhiều tác hại về sức khỏe.
Sau khi ăn no, thể tích dạ dày tăng, thành dạ dày mỏng đi, lưu lượng máu tăng lên. Lúc này, hành động hát karaoke sẽ càng khiến áp lực dạ dày tăng, dẫn đến tiêu hóa không tốt, nặng hơn là mắc các chứng về đường ruột, dạ dày.
Hơn nữa, nhiều người thích gào thét kịch liệt khi hát, nếu trước đó, đã uống rượu bia, cổ họng đang bị kích thích, việc khoe giọng sẽ khiến máu dồn về thanh quản và cổ họng, gây xung huyết hoặc viêm họng mạn tính.
Cũng theo thạc sĩ Lưu Liên Hương, micro được xem là một thiết bị không thể thiếu trong phòng karaoke nhưng lại thường bị nhân viên phục vụ bỏ quên khi làm vệ sinh.
Trên thị trường hiện không có loại micro có màng khử khuẩn. Còn các micro loại cầm tay có phần thu âm được che chắn bên ngoài bằng lưới kim loại hoặc nhựa tổng hợp. Lưới này có những lỗ nhỏ sắp xếp cách đều nhau để cho âm thanh truyền qua.
Rủ nhau đi hát karaoke sau khi ăn nhậu là thói quen của tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: |
Ngoài ra, micro còn có các lớp mút mỏng bao bọc giúp cho sóng âm tác động đồng đều vào bao vỏ và làm giảm nhiễu hơi gió. Với cấu tạo như vậy, khi người sử dụng micro phát âm thanh, nước bọt bắn ra sẽ bám vào lưới và lớp mút. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, vô tình lớp mút và lưới kim loại kia trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh.
“Trước đây, viện Pasteur TP.HCM đã phân tích 3 mẫu micro từ 2 cơ sở dịch vụ giải trí karaoke gia đình cho kết quả: một mẫu micro nhiễm nấm men lên tới 41.000 con, hai mẫu còn lại có sự hiện diện của khuẩn Staphylococcus aureus - dòng khuẩn độc tính. Trong đó, khuẩn staphylococcus aureus là vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội lây bệnh nguy hiểm, dễ lây lan khi sức đề kháng cơ thể yếu. Khi gặp da bị xước khuẩn này làm mủ gây nhiễm trùng trên da, qua đường miệng gây viêm loét miệng, loét họng”, thạc sĩ Lưu Liên Hương cho biết.
Ngoài ra, cấu trúc phòng dịch vụ karaoke như hiện nay khiến lượng vi khuẩn nấm mốc hiện diện trong không khí rất nhiều. Vì thế, khả năng gây bệnh đường hô hấp là không thể tránh khỏi đối với những người có sức đề kháng yếu.
Để việc đi hát karaoke không tiềm ẩn những nguy cơ bệnh tật, thạc sĩ Lưu Liên Hương khuyến cáo, không sử dụng rượu bia, chất kích thích đi hát karaoke, lựa chọn các cơ sở karaoke uy tín, được trang bị đầy đủ máy móc, đặc biệt là các thiết bị chống cháy nổ, tốt nhất là trong phòng thoáng khí, thông gió, có lối thoát hiểm, vệ sinh sạch sẽ.
Theo chuyên gia này, hát karaoke là hoạt động gây ra tiếng ồn. Các cuộc nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng, bạn có nguy cơ bị suy giảm thính giác do tiếng ồn trong phòng kín karaoke gây ra. Lý do được đưa ra là việc hát qua micro sẽ được khuếch đại lên trên nền nhạc, tạo ra mức độ tiếng ồn lên tới 95dB. Khi bạn trải qua 2 tiếng trong phòng karaoke thì thính giác sẽ giảm tới 8dB, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe sau này.
Ngoài ra, khi tiến hành xét nghiệm trong các phòng karaoke, các chuyên gia nhận thấy trong không khí có rất nhiều vi khuẩn hiếu khí và nấm mốc như Bacillus, Coccus, Sprillum… Các loại vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như uốn ván, sốt thương hàn, nhiễm khuẩn huyết, dị ứng và viêm nhiễm đường hô hấp.
Thực tế, các loại hoa quả được sử dụng trong phòng karaoke thường dễ bị hỏng và quá hạn. Ngoài ra, các nhà hàng thường tiết kiệm thời gian bằng việc gọt, bổ sẵn và để trong thời gian dài. Điều này khiến chúng bị nhiễm khuẩn từ không khí bên ngoài. Khi nạp vào cơ thể các loại quả này, chúng ta thường phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc, viêm đường ruột… hay những sự cố ngoài mong muốn khác.
Khi bạn hát karaoke, ngoài việc dùng âm lượng của mình để thể hiện các bài hát thì bạn còn phải nói chuyện, cổ vũ người khác với âm lượng khá to. Việc không kiểm soát được âm lượng sẽ khiến cho cổ họng có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng. Hậu quả của nó có thể dẫn tới rách dây thanh quản, ho, thậm chí là mất giọng.