Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối nguy ít ngờ trong những ngày nắng nóng

Từ yếu tố nhiệt độ cao, cơ thể trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt còn dễ phát sinh những vấn đề nguy hiểm ít nghĩ tới.

Khi con người vận động trong thời tiết nắng gắt, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như nhiệt độ cao gây mất nước, điện giải, tia UV làm cháy nắng, ung thư da...

Mặt khác, cơ thể còn chịu những tác động gián tiếp từ kiểu hình thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc như hiện nay. Dù nghiêm trọng không kém vấn đề kể trên, chúng lại ít được chú ý tới.

Bỏ bữa, mất ngủ

Trao đổi với Zing, bác sĩ Đỗ Mai Huyền, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết thời gian qua, cơ sở tế này phải tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám do bỏ bữa, mất ngủ cùng tình trạng mệt mỏi kéo dài.

“Nguyên nhân của những biểu hiện này là thời tiết nóng bức. Về lý thuyết, 70% cơ thể là nước. Nắng nóng lại khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, gây mất nước do nhịp thở nhanh hơn, ra mồ hôi nhiều. Ngược lại, các bệnh nhân lại không có ý thức bổ sung đủ nước để bù lại”, vị chuyên gia giải thích.

moi nguy it ngo trong mua he anh 1

Nhiều người gặp phải tình trạng chán ăn trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh minh họa: aedrian.

Lúc này, nhịp tim của chúng ta sẽ tăng lên, dẫn đến huyết áp cũng tăng, gây thiếu oxy. Bệnh nhân sẽ có cảm giác ngột ngạt, khó thở. Chính tác nhân này tạo cảm giác mệt mỏi, không muốn ăn, mất ngủ và từ đó giảm cân nhanh.

Do đó, bác sĩ Huyền khuyến cáo mọi người nên chú ý bổ sung nước đầy đủ nhưng hạn chế sử dụng nước đá quá lạnh.

“Chúng ta nên uống nước mát, nước hoa quả, đồng thời hạn chế bia, rượu, nước ngọt có ga vì sẽ làm cơ thể kích thích, bài tiết nước tiểu nhiều và tiếp tục gây mất nước”, vị chuyên gia giải thích.

Ngoài ra, mọi người nên ưu tiên mặc quần áo mỏng, mát, rộng và thấm hút mồ hôi.

Song song với đó, trong mùa hè, chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống, ưu tiên các đồ lỏng, nhiều nước giúp dễ tiêu hóa. Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, chia thành nhiều bữa nhỏ. Điều này còn được nhấn mạnh hơn với người cao tuổi.

Một lưu ý khác là trong thời tiết nắng nóng, các món ăn, thực phẩm rất dễ ôi thiu, lên men, gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, chúng ta nên cố gắng ăn chín uống sôi, rau quả sạch, tránh để lưu lại thức ăn, dùng hết trong bữa.

Đột quỵ ở người trẻ

Bác sĩ Đỗ Mai Huyền cho biết trên thực tế, thời gian qua, tình trạng đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Điều này thậm chí có thể tăng lên trong mùa hè, thời tiết nắng nóng.

Mới đây, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân mới 14 tuổi nhưng đã nặng 74 kg. Trường hợp này phải nhập viện do đột quỵ, nhồi máu diện rộng.

“Một bán cầu não của bệnh nhân này không được máu bơm vào, dẫn đến tê liệt các bộ phận trên cơ thể”, bác sĩ Huyền thông tin.

moi nguy it ngo trong mua he anh 2

Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ có thể dễ được quan sát tại tay, chân, mặt. Điều này đặc biệt nguy hiểm và phổ biến hơn trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: mufid_majnun.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ ở người trẻ là mạch máu não bị xơ hóa nhanh do chế độ ăn quá nhiều chất béo xấu, đường bột.

Ở nhóm này, các biểu hiện sớm nhất của đột quỵ thường dễ quan sát ở tay, chân và mặt. Cụ thể, bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện tình trạng cơ miệng bị méo một bên, giọng nói méo tiếng, tay chân không nhấc lên được, không thể cầm nắm, chân đi khụy ngã, lết...

Bà nói: “Trước tình trạng này, chúng ta sẽ phải có phương pháp dự phòng, giáo dục tuyên truyền sớm về chế độ dinh dưỡng có kiểm soát, hạn chế chất béo, đường bột trong bữa ăn. Đồng thời, các bạn trẻ cần nỗ lực hơn trong việc tăng vận động”.

Bác sĩ Huyền cho rằng chính việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo xấu, chiên rán, uống nước ngọt song song lười vận động khiến tỷ lệ đột quỵ gia tăng cao ở người trẻ.

Về việc tập luyện, trong điều kiện nắng nóng, mọi người ở các lứa tuổi đều được khuyến cáo nên vận động vào buổi sáng, khi thời tiết còn khá mát. Buổi chiều muộn, dù không khí đã hạ nhiệt, cảm giác nóng vẫn rất khó chịu do nhiệt từ mặt đường bốc lên.

“Việc tập luyện dưới thời tiết quá nắng, nóng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn như mất nước, thiếu điện giải, khó thở, nhịp tim nhanh...”, bác sĩ Huyền nói.

Người dân cũng nên hạn chế ra ngoài trong kiểu hình thời tiết này. Trong trường hợp bắt buộc, chúng ta có thể lựa chọn taxi có điều hòa, mặc quần áo mỏng, mát, rộng, đeo kính râm, áo chống nắng, khẩu trang, mũ rộng vành...

Nắng nóng, trẻ nhập viện vì viêm phổi tăng

Gần đây, trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tai giữa gia tăng đột biến khi thời tiết nắng nóng.

Cần làm gì khi suy giãn tĩnh mạch chân trở nặng vào mùa nắng nóng

Khi trời oi bức, chân tôi nổi gân, đau và tê nhiều, cảm giác nóng hơn và thường xuyên bị chuột rút về đêm. Xin nhờ các bác sĩ tư vấn giúp tôi về tình trạng của mình.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm