Chẩn đoán sức khỏe tâm thần thông qua video TikTok có thể gây ra nhiều nguy hại. |
Khoảng một năm sau đại dịch, Kianna, một học sinh trung học phổ thông tại Baltimore, ngày càng cảm thấy bị cô lập. Cô kể rằng khi ngồi một mình trong phòng, có quá nhiều thời gian để suy nghĩ, vì thế cô cố gắng cô lập bản thân hoặc bắt đầu tự phê bình ngoại hình của mình.
"Tôi nhớ mình đã dành hàng tiếng đồng hồ lướt TikTok mỗi ngày. Đó là lúc lòng tự trọng của tôi dần bị bào mòn", cô gái 17 tuổi nói với The New York Times.
Thời điểm đầu năm 2021, các lớp học của Kianna đều là trực tuyến, cô nhắn tin với bạn bè thay vì nói chuyện trực tiếp với họ. Nỗi bồn chồn lo lắng khiến cô đau đầu, mất ngủ và vô số cảm giác kỳ lạ.
Kianna bắt đầu xem các video trên TikTok về chứng rối loạn nhân cách, một tình trạng phân ly có thể khiến người bệnh cảm thấy mất kết nối, như cơ thể họ tách rời tâm trí, gần như đang trong một cơn mơ.
"Mình cũng có triệu chứng đó", Kianna nhớ lại suy nghĩ của mình vào lúc ấy. Nhưng bệnh tâm thần không phải vấn đề cô thường thảo luận với bạn bè hoặc gia đình.
Cô không nói với ai về những điều mình nhận ra khi đó. "Tôi đã nghĩ đến việc có gì đó không ổn với mình".
Bác sĩ phải cạnh tranh với TikToker
Trong những năm gần đây, các vấn đề về sức khỏe tâm thần được bàn luận sôi nổi hơn trên nhiều nền tảng mạng xã hội, đặc biệt ở TikTok. Không khó để bắt gặp các định nghĩa ngắn hay câu hỏi để người xem tự đánh giá tâm lý trực tuyến.
Sự phổ biến của chủ đề này có thể góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với bệnh tâm lý, song nó cũng tồn tại nhiều mặt trái.
Một số đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho biết họ ghi nhận ngày càng nhiều người trẻ đang tự chẩn đoán mình mắc bệnh tâm thần - bao gồm các rối loạn hiếm gặp - sau khi xem các thông tin trực tuyến.
Ngày càng nhiều trẻ em, thanh thiếu niên tự chẩn đoán mình mắc bệnh tâm lý dựa vào thông tin trên TikTok. Ảnh: AdobeStock. |
Trong một số trường hợp, những thông tin đó có thể giúp họ nhận được sự trợ giúp cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến họ "dán nhãn" sai tình trạng, thiếu đánh giá chuyên môn và áp dụng phương pháp điều trị không hiệu quả.
Annie Barsch, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép ở Elburn, Ill., ngoại ô Chicago, đã nhận được nhiều câu hỏi từ thanh thiếu niên. Những người trẻ này thường tin rằng nếu mình có biểu hiện nghĩa là mắc bệnh, tuy nhiên Barsch nhận định đó là suy nghĩ sai.
Barsch nói thêm rằng một số thanh niên tin tưởng thông tin trên TikTok thay vì một chuyên gia trị liệu.
"Tôi, với tư cách một chuyên gia - với bằng thạc sĩ, giấy phép lâm sàng và nhiều năm kinh nghiệm - đang phải cạnh tranh với các TikTokers", bà nói.
TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất với thanh thiếu niên hiện nay, và các thuật toán của nó rất giỏi trong việc hiển thị các nội dung họ đã xem trước đó.
Tuy nhiên, với định dạng video ngắn lặp lại dưới 1 phút, rất khó để có thông tin đầy đủ. Người xem clip liên quan đến sức khỏe tâm thần có thể chỉ tìm thấy một phần của các triệu chứng.
Một lý do khiến các chẩn đoán trở nên phức tạp là cùng một chứng rối loạn có thể biểu hiện ở trẻ em, thiếu niên và người trưởng thành rất khác nhau. Nói cách khác, danh sách triệu chứng tâm lý giống nhau không thể áp dụng cho mọi lứa tuổi.
Mitch Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, cho biết: "Rất dễ chẩn đoán sai. Một người có thể có các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người lớn, nhưng với lứa tuổi thiếu niên chúng lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác".
Ông Prinstein nói một người khó có thể tự nhận thức được một số triệu chứng, và các biểu hiện cần được quan sát kỹ càng bởi một bên khách quan.
Coi bệnh tâm lý là cá tính
Sara Anne Hawkins, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép ở Minneapolis, nói rằng có 3 khách hàng trẻ tuổi của cô gần đây đã nói rằng họ bị chứng "sợ hãi âm thanh" (Misophonia) - một tình trạng khiến người bệnh cảm thấy tức giận khi nghe âm thanh của người khác, chẳng hạn như tiếng nhai hoặc thở.
"Nhưng họ đang tự huyễn hoặc mình, theo kiểu 'Cháu thấy cái này trên TikTok, cháu đã bị mắc chứng đó rồi, phải không?'".
Cuối cùng, Hawkins phát hiện chỉ có một trong 3 người thực sự mắc chứng rối loạn.
Cần có kiến thức chuyên môn để đánh giá một người có thực sự mắc chứng bệnh tâm thần hay không. Ảnh: Cottonbro/Pexels. |
Con trai bà Hawkins, Ronan Cosgrove (16 tuổi) đã tham gia TikTok khoảng 4 năm. Cậu nói rằng với một số bạn bè đồng trang lứa, việc xác định mình mắc chứng rối loạn tâm lý là một thứ "hợp thời".
"Với họ, hội chứng tâm lý được coi là đặc điểm tính cách hơn là thứ cần được chữa trị", cậu nói thêm.
Theo tiến sĩ Prinstein, nhiều người trẻ đang tìm kiếm một cộng đồng, đôi khi mang những triệu chứng rối loạn như một biểu tượng của niềm tự hào hoặc cách để giới thiệu bản thân với người khác.
Một số thanh niên tìm kiếm thông tin về sức khỏe tâm thần trên mạng xã hội vì những người lớn xung quanh các em không cởi mở nói về nó.
Corey H. Basch, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học William Paterson của New Jersey, cho biết điều đáng lưu tâm là nhiều người trẻ có thể tự chẩn đoán sai và lập kế hoạch điều trị dù thiếu kiến thức chuyên môn.
Thanh thiếu niên cũng có thể bắt gặp thông tin không chính xác, hoặc các nội dung khuyến khích hành vi có hại, như kích động hoặc tấn công người khác.
Theo các chuyên gia, khi một thiếu niên gặp bố mẹ để trao đổi về điều gì đó họ nhìn thấy trên TikTok hoặc các nền tảng mạng xã hội khác, tốt nhất phụ huynh nên giữ thái độ cởi mở và tò mò.
"Hãy coi đó như một cơ hội để gắn kết và tìm hiểu thêm về con cái của mình, cũng như biết được thách thức và khó khăn mà con của bạn đang đối mặt", Anish Dube, Chủ tịch Hội đồng về Trẻ em, Thanh thiếu niên và Gia đình tại American Psychiatric, nói.
Thông tin được trình bày trên phương tiện truyền thông xã hội có thể không chính xác hoặc quá đơn giản, vì vậy tiến sĩ Dube khuyến nghị hướng trẻ em đến các nguồn đáng tin cậy.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.