Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối nguy từ clip TikTok 15 giây 'xúi' nhuộm da không cần nắng

Nhiều người trẻ trên thế giới tìm kiếm làn da nâu bằng cách sử dụng giường tắm nắng trong nhà, nhưng phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Làn da rắm nắng được nhiều người trẻ ưa chuộng, tìm mọi cách để có được. Ảnh: Getty.

Một cô gái khoảng 20 tuổi chọn quần áo rộng rãi vì sắp đi làm đẹp, tóc buộc gọn gàng và không trang điểm. Mọi thứ trông khá bình thường cho đến khi cô xịt một loại thuốc "tăng tốc độ rám nắng" vào mũi và bước vào giường tắm nắng dưới ánh sáng xanh UV.

Đây là thế giới của “Tanning TikTok”, nơi Gen Z chia sẻ xu hướng tắm nắng nhân tạo. Hàng loạt video xuất hiện với nội dung như “Đi tắm nắng với tôi”, cung cấp mẹo để có làn da nâu đẹp hơn.

Điều đáng lo là thói quen nguy hiểm này lại được đóng gói dưới vỏ bọc “chăm sóc bản thân”, theo Independent.

Tăng nguy cơ ung thư da

Thống kê cho thấy chỉ một lần tắm nắng nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ ung thư da lên đến 67%. Tuy nhiên, giường tắm nắng vẫn rất phổ biến.

Một báo cáo gần đây cho thấy chuỗi thẩm mỹ viện lớn nhất ở Anh đã mở thêm 40% cơ sở kể từ năm 2018. Sau đại dịch, nhiều chuỗi khác cũng mở rộng và đạt lợi nhuận kỷ lục.

Với giới trẻ, giường tắm nắng có sức hút đặc biệt. Một khảo sát cho thấy 43% người 18-25 tuổi ở Anh từng sử dụng. Trong một nghiên cứu khác, 60% người trẻ thừa nhận đã thử ít nhất một lần và 25% sử dụng thường xuyên.

Jessica (28 tuổi) bắt đầu đi tắm nắng trong nhà từ khi chuyển đến London làm việc. “Trước đây, tôi có thể ngồi ngoài vườn để tắm nắng, nhưng khi đi làm, tôi không còn thời gian nữa”, cô chia sẻ.

Vào mùa đông, Jessica dùng kem nhuộm da. Nhưng vào mùa hè, cô chọn giường tắm nắng để tiết kiệm thời gian.

tam nang nhan tao anh 1

Giường tắm nắng nhân tạo phát ra tia UVA và UVB, gây tổn hại đến da. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, theo bác sĩ da liễu Catherine Borysiewicz, giường tắm nắng phát ra tia UVA và UVB ở mức độ tương đương với ánh nắng mặt trời giữa trưa. Khi da tiếp xúc với tia UV, tế bào melanocytes sẽ sản sinh melanin - sắc tố giúp da sạm màu để tự bảo vệ.

Bất kỳ làn da rám nắng nào cũng là dấu hiệu của tổn thương. Tia UV có thể phá hủy DNA của tế bào da, gây lão hóa sớm, nếp nhăn, đốm nâu và thậm chí là ung thư da.

Nhiều bác sĩ đã thấy hậu quả rõ rệt. Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ cho biết họ ngày càng gặp nhiều bệnh nhân trẻ bị tổn thương da ngay cả trong mùa lạnh. Và nguyên nhân chính được cho là giường tắm nắng.

Trên TikTok, ai cũng là "chuyên gia"

Từ cuối những năm 2000, giường tắm nắng đã bị cảnh báo nguy hiểm. Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp giường tắm nắng vào nhóm gây ung thư cho con người. Cùng năm, Brazil trở thành quốc gia đầu tiên cấm hoàn toàn việc sử dụng giường tắm nắng vì mục đích làm đẹp.

Đến năm 2011, Anh và xứ Wales cũng ban hành luật cấm người dưới 18 tuổi sử dụng dịch vụ này.

Trong suốt thập kỷ 2010, các sản phẩm nhuộm da giả ngày càng phổ biến và dễ sử dụng hơn. Khi có thể sở hữu làn da rám nắng từ một chai xịt mà không cần phơi nắng, giường tắm nắng trở thành thứ lỗi thời. Nhiều người nổi tiếng cũng khuyên dùng kem chống nắng mỗi ngày, khiến việc tiếp xúc với tia UV trở nên “kém sang”.

Tuy nhiên, giường tắm nắng đang được ưa chuộng trở lại. Trên mạng xã hội, ai cũng có thể tự nhận là chuyên gia.

tam nang nhan tao anh 2

Nhiều người trẻ lầm tưởng giường tắm nắng là an toàn. Ảnh: Care in the Sun.

Các bác sĩ lo ngại khi thấy quá nhiều thông tin sai lệch lan truyền, từ việc quảng bá phương pháp “tắm nắng an toàn” đến các sản phẩm xịt kích thích melanin trái phép. Những sản phẩm này không chỉ chưa được kiểm chứng mà còn có nguy cơ gây ung thư.

Một điều đáng báo động khác là giường tắm nắng đang được quảng bá như một liệu pháp thư giãn, thậm chí còn được gọi là “liệu pháp vitamin D”.

Nhưng theo bác sĩ Mo Akhavani, hầu hết con người đã có đủ vitamin D từ ánh nắng tự nhiên và thực phẩm, nên không cần đến tia UV nhân tạo. Cách truyền thông này khiến nhiều người trẻ lầm tưởng giường tắm nắng là an toàn.

Nhiều thẩm mỹ viện hiện mở rộng sang các dịch vụ khác như liệu pháp ánh sáng đỏ - một phương pháp an toàn hơn. Nhưng theo bác sĩ Akhavani, điều này có thể khiến khách hàng nhầm lẫn rằng giường tắm nắng cũng là một liệu pháp chăm sóc da.

Bác sĩ Clare Kiely khẳng định đây chỉ là “chiêu trò tiếp thị, không phải khoa học”. Bà nhấn mạnh: “Tắm nắng không phải là chăm sóc sức khỏe, mà đang gây tổn thương da”.

6 hormone hạnh phúc

Dopamine tạo ra động lực và cảm giác hài lòng, Endorphin mang đến cảm giác thăng hoa, trong khi Cortisol lại "sản sinh" cảm giác căng thẳng, giúp bạn có tâm trạng phấn khích để phiêu lưu ra khỏi vùng an toàn… Nếu hiểu được cơ chế hoạt động của những hormone then chốt này, bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, như tác giả David JP Phillips bật mí trong cuốn sách Cho đời nhẹ lên cao.

Xu hướng làm đẹp tự nhiên có tốt như lời đồn?

"Botox từ thiên nhiên" được sử dụng để chỉ phương pháp làm đẹp từ các thực phẩm tự nhiên giúp làm căng sáng da nhưng hiệu quả chỉ phù hợp ở một số người.

Minh Vũ

Bạn có thể quan tâm