Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhóm chuyên gia tại Đại học Emory nhận thấy sự gia tăng đáng kể virus Heartland tại các tiểu bang. Công trình mới bổ sung thêm bằng chứng về virus này trên bọ ve, cảnh báo có thể lây lan theo địa lý và từ sinh vật này sang sinh vật khác.
Bệnh truyền nhiễm mới nổi
Theo Eurek Alert, các tác giả công bố phân tích di truyền của các mẫu virus, được phân lập từ bọ ve ở trung tâm bang Georgia. Theo PGS Gonzalo Vazquez-Prokopec, Đại học Emory, Heartland là bệnh truyền nhiễm mới nổi và chưa được hiểu rõ. Các tác giả đang tích cực tìm hiểu về loại virus này trước khi nó trở thành vấn đề lớn hơn.
Nghiên cứu phát hiện Heartland trong 3 mẫu bệnh phẩm khác nhau của bọ ve Lone Star Tick. Chúng được thu thập ở những khu vực địa lý, thời điểm khác nhau, gồm cả giai đoạn nhộng và trưởng thành của bọ ve.
Kết quả phân tích gene ba mẫu virus cho thấy trình tự của chúng hoàn toàn trùng khớp. Song, bộ gene của những mẫu này khác so với trình tự được tìm thấy bên ngoài nước Mỹ. Theo GS Vazquez-Prokopec, điều này chứng tỏ Heartland có thể phát triển rất nhanh ở các vị trí địa lý khác nhau. Giả thuyết thứ hai là chúng sẽ khu biệt đặc biệt theo từng nơi cư trú.
Số lượng người nhiễm virus Heartland trên bọ ve tại Mỹ tăng lên trong vài năm trở lại đây. Ảnh: CNBC. |
Những dữ liệu trong nghiên cứu mới khiến họ lo ngại sẽ có thêm vật trung gian truyền bệnh của virus này, ngoài bọ ve Lone Star Tick.
Heartland lần đầu được phát hiện ở Missouri vào năm 2019 sau khi hai người đàn ông địa phương nhập viện vì sốt cao, tiêu chảy, đau cơ, hạ tiểu cầu, bạch cầu. Ngoài ra, họ gặp các triệu chứng khác tương tự bệnh lây truyền qua bọ ve.
Các nhà nghiên cứu nhanh chóng phát hiện hai bệnh nhân này nhiễm loại virus mới và rất bí ẩn. Họ đặt tên cho nó là Heartland, sau đó, tìm ra dấu vết của nó trên bọ ve Lone Star Tick. Những nghiên cứu sâu hơn tìm thấy kháng thể chống virus trong mẫu máu của hươu và một số động vật hoang dã có vú khác.
Kể từ lần đầu được phát hiện, đến nay, toàn nước Mỹ có hơn 50 ca nhiễm virus này. Các bệnh nhân xuất hiện ở 11 bang từ Trung Tây đến Đông Nam, đặc biệt tập trung ở các tiểu bang như Missouri, Alabama, Illinois, Kansas và New York.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện ghi nhận 18 trường hợp nhiễm virus này từ năm 2017 đến nay. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhiễm virus trong thời gian gần đây.
Một trong những bệnh do bọ ve gây ra được biết đến nhiều nhất là Lyme. Căn bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian là ve hươu. Ổ chứa vi khuẩn chủ yếu là chuột chân trắng. Ấu trùng bọ ve có thể bị lây nhiễm khi chúng ăn máu của chuột và những động vật có vú khác. Sau khi nhiễm bệnh, ấu trùng sẽ phát triển thành nhộng và bọ ve trưởng thành, sau đó nhảy sang các vật chủ khác, bao gồm cả hươu và người.
Dựa trên chu trình lây truyền phức tạp của bệnh Lyme, các nhà khoa học đặt ra nhiều câu hỏi về cách Heartland “nhảy” giữa các loài, vật chủ khác nhau.
Nhóm tác giả cũng phát hiện bộ gene của Heartland khá tương đồng với virus gây hội chứng giảm tiểu cầu (SFTSV) do Dabie bandavirus. Các trường hợp mắc hội chứng này đã xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2011 và nhiều khu vực châu Á khác.
Người nhiễm Heartland bị sốt cao, tiêu chảy, đau cơ/khớp, hạ tiểu cầu, bạch cầu cấp và có thể đe dọa tính mạng. Ảnh: Unplash. |
“Kẻ thù vô hình”
Theo CDC, các bệnh nhân nhiễm Heartland thường bị sốt, mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ hoặc khớp. Tình trạng hạ tiểu cầu, bạch cầu cấp cũng khá đặc trưng. Nhiều trường hợp nghiêm trọng đến mức phải nhập viện và một số đã tử vong. Đa số hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số người lớn tuổi đã qua đời. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật thực tế do virus này gây ra vẫn chưa thể xác định chính xác.
Điều đáng lo là chúng ta không có xét nghiệm phát hiện người nhiễm virus này, trừ khi người bệnh nhập viện và được làm giải trình tự gene tìm kiếm nguyên nhân. Bệnh cũng không có vaccine phòng ngừa hay cách điều trị. Chúng ta như đang lần theo dấu vết của “kẻ thù vô hình”. Điều duy nhất các bác sĩ có thể làm là dùng thuốc điều trị triệu chứng ở người bệnh, tương tự cách chúng ta chữa Covid-19.
Trong khi đó, công trình khác phát hiện một người dân ở hạt Baldwin, Georgia, Mỹ, qua đời vào năm 2005 vì căn bệnh không xác định. Nó khiến các nhà khoa học thu thập các mẫu huyết thanh trong những năm qua ở hươu đuôi trắng tại bang này. Kết quả cho thấy hươu ở trung tâm bang Georgia tiếp xúc virus Heartland ít nhất là từ năm 2001.
Bọ ve Lone Star Tick còn có tên khoa học là Amblyomma americanum. Chúng được đặc trưng bởi đốm trắng trên lưng, xuất hiện nhiều nhất tại bang Georgia và các khu vực nhiều cây cối khắp Đông Nam, Đông, Trung Tây nước Mỹ. Chúng có kích thước rất nhỏ. Ở giai đoạn nhộng, bọ ve này chỉ bằng hạt vừng, đường kính chưa tới 6,35 cm khi trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Emory đang mở rộng phạm vi nghiên cứu. Họ sẽ thu thập bọ ve trên khắp Georgia để kiểm tra và phân tích không gian nhằm tìm hiểu các yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm virus Heartland.
Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy mùa đông ấm hơn và ngắn hơn, tăng cơ hội cho một số loài bọ ve sinh sản thường xuyên hơn và mở rộng phạm vi của chúng. Đây cũng là điều mà các chuyên gia lo ngại nếu lơ là, virus này sẽ bùng lên và tạo thành đợt dịch nguy hiểm.
“Bọ ve rất đáng sợ. Chúng ta không có cách nào kiểm soát và nó luôn là vật trung gian truyền nhiễm bệnh nguy hiểm. Sự gia tăng của các ca nhiễm bọ ve Lone Star Tick trong thời gian gần đây cho thấy mối đe dọa lớn với sức khỏe mà nhiều người không hề nhận ra”, GS Steph Bellman, đồng tác giả, nhấn mạnh.