Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mới nhập học đã đòi bỏ hết về quê là 'yếu đuối', 'hèn nhát'?

18 năm đầu đời sống trong vòng tay cha mẹ, nhiều tân sinh viên rời quê lên thành phố học tập không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, nhớ nhà.

Mới trải qua cảm giác làm tân sinh viên một vài ngày, Lan (quê Cà Mau) liên tục khóc đến mức phát sốt. Năn nỉ cha mẹ cho về Cần Thơ học để được gần nhà, cô gái 18 tuổi một mực nói không thể sống một mình ở Sài Gòn.

Hết cha mẹ động viên đến thầy cô ở trường tư vấn, Lan vẫn không lựa chọn ở lại. Cha chiều lòng con gái, rút hồ sơ chuyển về quê.

"Con bé chưa khi nào xa nhà, ở với bố mẹ chỉ đi học chứ chưa phải làm cái gì. Lúc đầu rất thích lên Sài Gòn nhưng giờ thì thấy bơ vơ và nhớ nhà quá", người cha tâm sự.

Câu chuyện trên được chia sẻ trên VietNamNet và lan truyền ở một số diễn đàn mạng trong những ngày qua. 

Tương tự Lan, nhiều nỗi niềm "tân sinh viên nhớ nhà" giống như thế cũng được kể lại. 

cuoc song tan sinh vien anh 1
Tân sinh viên đi học xa gặp không ít khó khăn khi bắt đầu cuộc sống tự lập ở thành phố. Ảnh: Liêu Lãm.

"Nhiều khi cô độc và lạc lõng kinh khủng"

Ngô Hà Phương (sinh năm 2001, quê Yên Bái, tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung của ĐH Phương Đông) vẫn chưa thể "yêu" Hà Nội sau hơn một tuần đặt chân đến nơi này.

"Sống trên mình đang quen, về đây cuộc sống vội vã quá", Phương nói.

"Trước ở nhà suốt ngày bị mắng, giờ đi học em nhớ mẹ lắm. Ngày nào hai mẹ con cũng video call", cô kể.

Ngoài thời gian đi học, về phòng trọ rồi gọi điện cho gia đình, 10X nói cô không biết đi đâu, làm gì khác. Bởi thành phố lớn nhưng không có mấy bạn bè, phố xá đi lại cũng chưa kịp quen, hơn nữa cô từng đọc trên mạng đủ "giai thoại" như đi xe buýt bị móc túi, ra đường gặp "tăm tặc", bị lừa đi bán hàng đa cấp...

cuoc song tan sinh vien anh 2
Đang sống cùng gia đình, việc bắt đầu cuộc sống mới tại thành phố xa lạ không phải là điều dễ dàng. Ảnh: Việt Hùng.

Nói về trường hợp "tân sinh viên vì không chịu nổi áp lực xa bố mẹ nên xin rút hồ sơ về quê", Phương cũng biết một người quen từng bỏ học sau một tuần vì quá nhớ nhà.

Dù không đồng tình với lựa chọn của họ vì “mình tuổi trẻ mà, cần trải nghiệm” và "nhớ bố mẹ thì ai đi học cũng phải trải qua, nhưng vì thế mà bỏ đi cơ hội của mình thì không được", nữ sinh vẫn thừa nhận việc ở một mình rất cô đơn.

Đang sống cùng gia đình, được ba mẹ cưng chiều, việc bắt đầu cuộc sống mới tại thành phố xa lạ không phải là điều dễ dàng. 

"Ngày mới lên Hà Nội, thuê trọ xa trường, đạp xe đạp 6 km đi học sợ đến phát khóc. Được một thời gian, chuyển sang xe buýt, lên xe là say, rồi bị móc túi, ăn trộm. Đi học thì bạn bè thân ai người nấy lo. Họ hàng ở thành phố cũng 'sương sương' thôi, không thân quen nên chẳng mấy khi dám mở miệng nhờ vả. Thấy cô độc và lạc lõng kinh khủng", Nguyễn Mai Chi - sinh viên năm 4 Đại học Bách khoa, quê Cẩm Giàng (Hải Dương) - nhớ lại.

Kể về thời điểm chỉ muốn bỏ hết trở về quê, Chi biết đó là yếu đuối, thậm chí hơi... hèn nhát.

"Nhưng bạn mong chờ gì vào một con nhỏ chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện nhà, từ bé tới lớn chỉ có mỗi nhiệm vụ là ăn và học. Áp lực duy nhất là điểm số. Việc tự lập 'hoành tráng' nhất là nấu được nồi cơm. Thử thách 'kinh khủng' nhất là ở nhà một mình vào cuối tuần. Chuyến đi xa nhất cũng là lên thành phố thi đại học, mà vẫn có bố đi kèm", nữ sinh giải thích.

Dành cả tháng đầu chỉ để khóc

Từ bé đến lớn chưa từng sống xa nhà nên khi vào đại học, Nguyễn Hằng (sinh năm 1992, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội) được bố đưa lên Hà Nội.

Bố ở lại một tuần để xem con gái có quen được cuộc sống mới không, đi học có bị bạn bè bắt nạt không. Dù vậy, Hằng vẫn rất nhớ nhà.

Cứ nghĩ đến ngày bố về, phải ở lại một mình là 9X chực khóc.

Buổi đi học đầu tiên, Hằng ngồi nhầm chỗ. Làm quen với bạn ngồi bên cạnh, hai người chỉ kịp hỏi nhau quê ở đâu rồi cùng gục xuống bàn khóc.

Tuần học đầu tiên, buổi tan học nào cũng có bố đứng ở cổng trường chờ đón nên Hằng đỡ tủi thân. Sau khi bố về, ngày nào cô cũng chỉ mong được về quê, làm gì cũng nhớ nhà và khóc.

cuoc song tan sinh vien anh 3
"Sinh viên đi học xa ai chẳng có lúc muốn bỏ hết để về quê với bố mẹ, điều quan trọng là có thể động viên mình vượt qua tất cả hay không". Ảnh: Quỳnh Trang.

"Mình dành cả tháng đầu xa nhà để khóc vì phải ở phòng ký túc xá quá bé, phải tự lo chuyện ăn uống, đi xe buýt tủi thân cũng khóc", Hằng nói.

Khi còn ở nhà, Hằng được bố mẹ lo từ việc ăn gì, ăn được bao nhiêu, mặc gì, có đủ ấm không, đi học mấy giờ, bao giờ về, làm hết bài tập không, có đánh bạn hay bị bạn đánh không, rồi tắm lâu cũng bị nhắc, thức khuya cũng nhắc...

"Ra ngoài này, ăn cơm ở canteen ký túc xá không hợp cũng nghĩ nếu mà ở nhà thì đã không phải ăn thế này, tắm nước lạnh cũng nghĩ nếu ở nhà thì mẹ không bao giờ cho vì sợ ốm, rồi thức khuya cũng nghĩ ở nhà giờ này chưa ngủ thể nào cũng bị nhắc", Hằng kể.

Cũng như Nguyễn Mai Chi, Nguyễn Hằng nói như vậy là yếu đuối. Tuy nhiên, 9X cho rằng "sinh viên đi học xa ai chẳng có lúc muốn bỏ hết để về quê với bố mẹ", điều quan trọng là có thể động viên mình vượt qua tất cả hay không.

Chân ướt chân ráo nhập học, sinh viên Bách khoa, Kinh tế cần chú ý gì? Nên ở ký túc xá cho tiết kiệm, tham gia câu lạc bộ trong trường và không "bùng" học là những lời khuyên sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội dành cho "đàn em" mới nhập học.

'Đăng ký tín chỉ ở Ngoại thương như cuộc chiến sinh tồn của sinh viên'

Thức trắng đêm đăng ký tín chỉ, xoay xở vài bài thuyết trình một tuần, nơm nớp lo sợ trượt Thể dục hơn các môn còn lại là những cảm xúc ai cũng từng trải qua vào thời đại học.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm