Tuần qua, cộng đồng mạng được dịp xôn xao với chủ đề tưởng cũ mà mới: “Mối quan hệ gia đình”. Khởi xướng bằng chia sẻ của tác giả “Thất tình không sao” xung quanh tâm sự của một phụ huynh về sự vô tâm của bạn trẻ xa nhà.
Vì thương và nhớ con nên cha mẹ lúc nào cũng tìm cách liên lạc với con nhưng đáp lại là sự thờ ơ, lạnh nhạt và nếu có gọi về thì cũng chỉ xung quanh mục đích xin tiền cha mẹ.
Nội dung lá thư:
“Con đừng gọi điện cho mẹ nữa, được không…
Làm cha làm mẹ, tự hào nhất là khi thấy con mình học hành nên người, nhưng đến lúc nó cầm tờ giấy trúng tuyển đại học trên tay, tự dưng mừng ít lo nhiều.
Từ ngày xa nó, nhớ thì chỉ biết gọi điện hỏi thăm, nghe tiếng để coi mày mạnh khỏe ra sao, học hành tới đâu nhưng đáp lại chỉ toàn là: “Con đang bận, con học nhiều không có thời gian, con lớn rồi, con tự lo được...”. Bộ cha mẹ gọi điện là làm phiền mày lắm hả con?
Cũng may, một thời gian sau, nó chủ động gọi cho mẹ, nhưng là chuyện cần tiền để học thêm học bớt gì đó. Lần tới gọi, cũng nhiêu đó nội dung, mà thương con nên dù nhà không khá giả gì nhưng mình cũng ráng đi làm thêm việc này việc kia để có thêm tiền gởi cho nó.
Lần này nó gọi về, ba nghe máy, chỉ vỏn vẹn một câu: “Con đừng gọi về cho mẹ nữa, được không…”. Mẹ vì muốn kiếm thêm tiền gởi lên cho con, nên lén ba đi phụ người ta làm thêm bên ngoài, đến nỗi giờ lao lực ngất xỉu, đang trong bệnh viện… nên nếu con còn thương mẹ, đừng gọi cho mẹ nữa được không. Rồi ba nó cúp máy.
Chiều đó, nó về, chả ai nói với ai câu nào, được hồi nó bật khóc tu tu như bảy tám tuổi làm sai bị ăn đòn. Mà giờ cha mẹ già rồi, không đánh con nổi, để đời đánh mày chắc sẽ đau hơn”.
Nguyễn Ngọc Thạch. |
Đồng cảm với người mẹ trên, Nguyễn Ngọc Thạch cũng kể về trường hợp tương tự mà anh tận mắt chứng kiến từ của chính người bạn đại học. Nhà văn tỏ ra khá bất bình với cách ứng xử của bạn mình và nhân vật con trong lá thư. Anh đanh đá chửi thẳng: “Ba má không ở đó chờ mày báo hiếu. Mất rồi không tìm lại được đâu”.
Dòng status đầy phẫn nộ này nhận được sự đồng tình của đông đảo cộng đồng mạng, trong đó có MC Phan Anh.
FB có nick là Tuyền Nguyễn bày tỏ: “Ngày đó ở nhà lúc nào cũng muốn đi. Rảnh là xách xe đi, có bị chửi cũng phải đi tí rồi mới về. Nhiều lần ba la, còn lưu hẳn danh bạ điện thoại là 'Tuyền Lưu Linh'. Càng lớn, bước chân càng xa nhà hơn. Giờ thèm được ở nhà mãi cũng chẳng đc. Có những điều mà chỉ có trưởng thành, chỉ có va chạm với đời mới dạy ta khôn được. Một trong những điều đó là trân trọng gia đình hơn”.
Tuy nhiên, cũng có những góc nhìn rất khác như bình luận của FB Phạm Thị Hoa Duyên: “Mình thực sự hiếm lắm mới gọi điện thoại về xin tiền. Chỉ toàn điện thoại về hỏi thăm suốt thôi. Thế mà bố cứ tưởng xin tiền, nhiều khi cũng ngại luôn”.
Hay dòng tâm sự đầy nghẹn ngào của bạn Tam Đầu Gỗ: “3 năm đi học, bố mẹ cho bao nhiêu cầm từng ấy. Bao giờ hết sạch tiền mới xin, còn tiền là thôi không xin nữa, mà vẫn bị nói thà nuôi con chó còn bán được vài đồng. Lặng im.
Khi dư luận vẫn còn đang “sốt” với câu chuyện của Thạch, trang Awkward or Cute lại chia sẻ câu chuyện hoàn toàn khác. Confession đầy xúc động của một bạn nữ sinh viên xa nhà, lần đầu gọi điện tâm sự chuyện tình cảm với với bố mẹ và nhận được sự quan tâm đầy ấm áp khiến bạn chỉ muốn xách va li về để làm đứa con bé nhỏ của bố mẹ.
"Mình là dân tỉnh lẻ lên thành phố học đại học, đến nay cũng là năm thứ 3 rồi. Mấy lần gọi về cho gia đình nhưng cũng chỉ là hỏi thăm sức khỏe, báo cáo tình trạng học tập với ngửa tay xin tiền, chưa bao giờ mình thực sự tâm sự chuyện đời tư với bố mẹ cả.
Đó là lần đầu tiên lúc bị thất tình, mình đau khổ khóc lóc mấy ngày liền, bạn bè rủ nhau đi du lịch xa, mình chẳng có ai ở bên để an ủi cả. Cũng là lần đầu tiên mình gọi cho mẹ bảo con muốn video call với cả nhà. Mẹ loay hoay một hồi cũng bật được video cam, đằng sau mẹ còn có ba và em gái mình.
Trong khi mình cố trưng ra khuôn mặt tươi tỉnh nhất để chào mẹ thì phía kia màn hình là khuôn mặt mẹ vừa thấy mình đã lo lắng hỏi: "Sao con ốm thế? Buồn chuyện gì nên bỏ ăn hả con?".
Nghe đến đấy thì bao nhiêu tủi thân uất ức của mình không kiềm được mà tuôn ra hết. Mình kể cho mẹ nghe việc thích người kia đến thế nào, họ từ chối ra sao, vì mình không đẹp hay không đủ tốt, rồi mình còn khóc như đứa con nít nữa.
Mẹ cũng buồn cho mình lắm, nhưng đã động viên bằng một câu: "Con gái mẹ đẹp nhất rồi, đừng có vội, không tìm được ai yêu thương con thì về có ba mẹ nuôi".
Tự nhiên mình cảm thấy vừa nghẹn ngào vừa ấm áp. Đúng như mẹ nói, những người khác có thể đến, yêu mình rồi rời bỏ mình, nhưng gia đình thì chỉ có một và vẫn mãi yêu thương mình vô điều kiện.
Đã bao lâu rồi mình chưa nhìn mặt mẹ mà nói chuyện tâm sự nhỉ, lúc ấy chỉ ước có thể xách vali lên và chạy về thật nhanh với mẹ, làm đứa con gái yếu đuối bé bỏng của mẹ thôi".
Phía dưới những dòng thổ lộ của bạn trẻ, Awkward or Cute đã minh họa bằng truyện tranh hết sức đáng yêu. Khi con gái thất tình, phản ứng của mẹ là an ủi thì ông bố lại tỏ ra rất "gấu”: "Nó ở đâu để bố xử lý".
Hai câu chuyện, 2 hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cho thấy tình yêu thương và sự quan tâm vô bờ của bố mẹ với con cái. Cho dù bạn có lớn, có tài giỏi, có “hoành tráng” đến đâu thì đừng quên rằng bố mẹ lúc nào cũng ngóng đợi mình. Hãy hỏi thăm và liên hệ với bố mẹ thường xuyên nhất có thể.