Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Mồi quỷ dữ' nửa vời

Tác phẩm điện ảnh mới của Daniel Stamm khai thác chủ đề trừ tà kinh điển của thể loại kinh dị. Tuy nhiên, chuyện phim không quá mới lạ, yếu tố giải trí cũng tỏ ra kém hiệu quả.

Moi quy du anh 1

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một số chi tiết nội dung phim

Thể loại: Kinh dị, giật gân
Đạo diễn: Daniel Stamm
Diễn viên: Jacqueline Byers, Colin Salmon, Christian Navarro, Lisa Palfrey, Nicholas Ralph, Ben Cross, Virginia Madsen
Đánh giá: 5/10

Lấy cảm hứng từ những vụ án trừ tà có thật trong lịch sử, đạo diễn người Đức Daniel Stamm quyết định thực hiện dự án điện ảnh mới sau một khoảng thời gian dài chuyển hướng qua mảng truyền hình. Trước đó, tên tuổi của ông đến gần với khán giả qua bộ phim The Last Exorcism (2010).

Mặc dù là một tác phẩm đầu tay, phim đã nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình. Trên mặt trận thương mại, The Last Exorcism cũng thành công rực rỡ tại phòng vé, thu về hơn 67 triệu USD so với kinh phí sản xuất chỉ 1,8 triệu USD. Nhờ thắng lợi này, Stamm vinh dự nhận về đề cử Spirit Awards cho hạng mục Phim đầu tay hay nhất.

Trở lại với miền đất kinh dị, ông được mong chờ sẽ có màn trình diễn bùng nổ với nhiều kinh nghiệm tích lũy được qua những dự án cá nhân.

Món ăn kinh dị mùa Halloween

Prey for the Devil (tạm dịch: Mồi quỷ dữ) lấy bối cảnh tại ngôi trường Công giáo St. Michael the Archangel. Đây là nơi những nạn nhân bị quỷ ám nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt. Xơ Ann (Jacqueline Byers thủ vai) trở thành nữ sinh đầu tiên trong lớp học về thuật trừ tà vốn chỉ dành riêng cho các cha xứ.

Với năng lực kỳ lạ của mình, cô có thể kết nối được với Natalie, một trong những nạn nhân bị quỷ ám. Cùng với cha Dante (Christian Navarro), Ann phải đối mặt với thực thể đáng sợ đang chiếm lấy linh hồn cô bé. Tuy nhiên, càng khám phá sâu về nó, cô càng nhận ra nhiều mối nguy hiểm đang chực chờ mình. Cơn ác mộng mà Ann phải đương đầu thời thơ ấu cuối cùng đã trở về, khao khát chiếm đoạt và giày vò thể xác, linh hồn của cô.

Lựa chọn chủ đề “quỷ ám” kinh điển của dòng phim kinh dị giật gân, Daniel Stamm đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này khi Halloween đang đến rất gần. Trước đó, tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm hồi hộp, ly kỳ, có thể kể tới như A Necessary Death, The Devil’s Night, The Last Exorcism hay 13 Sins...

Moi quy du anh 2

Mồi quỷ dữ là dự án kinh dị tiếp theo của Daniel Stamm. Ảnh: Lionsgate.

Không khó để nhận ra ngôn ngữ phim của Stamm nhuốm đẫm màu sắc tôn giáo, dù cho đó là lần đầu khán giả tiếp cận một tác phẩm của ông. Toàn bộ câu chuyện của Prey for the Devil tỏ ra nặng nề và đầy sự bí bách, lồng ghép nhiều thông điệp, giáo điều qua lời thoại và cả hành động nhân vật.

“Món tráng miệng” kinh dị được phục vụ từ thời điểm khá sớm, ập tới ngay những phút đầu phim. Điều này khiến khán giả bị lôi cuốn vào câu chuyện đạo diễn kể một cách nhanh chóng mà không mất quá nhiều thời gian dẫn dắt. Một cách mở bài trực tiếp khá thú vị và hiệu quả.

Là một bộ phim giật gân, những màn jump-scare (hù dọa) xuất hiện là điều không thể thiếu, chủ yếu hòng kích thích tâm lý. Tuy vậy, một điểm đáng khen ngợi Mồi quỷ dữ ở chỗ phân nửa thời lượng đầu phim không lạm dụng ánh sáng để tạo áp lực thị giác cho khán giả. Gam màu âm u ám xanh khá cuốn hút, không bị tối tăm một cách vô lý như nhiều dự án kinh dị kinh phí thấp khác.

Suốt thời lượng khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, Prey for the Devil đem lại một số tình tiết hồi hộp, căng thẳng, kết hợp với những yếu tố siêu nhiên để thỏa mãn trí tò mò của các thượng đế tới rạp. Tất nhiên, bên cạnh những câu chuyện tà ác, giá trị nhân văn là gia vị không thể thiếu trong mỗi kịch bản phim kinh dị. Và bộ phim của Daniel Stamm đã làm tương đối tốt điều này.

Bên cạnh bài học muôn thuở “cái ác thực sự nằm ở mặt trái của sự thật”, tác phẩm đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa về gia đình, tình mẫu tử hay thậm chí là vấn nạn phân biệt giới tính. Chúng được thể hiện qua một vài lời thoại hay tình tiết phim được lồng ghép khéo léo, không tạo nên cảm giác khiên cưỡng cho người xem.

Nội dung phim nửa vời

Khi khai thác dòng phim đầy tiềm năng này, các đạo diễn thường đứng giữa sự lựa chọn: hoặc là kinh dị tâm lý, hoặc là kinh dị giật gân để tiếp cận khán giả đại chúng. Tuy nhiên, sai lầm của Prey for the Devil là việc tham lam kết hợp cả hai hướng đi, vô hình trung biến phim trở nên lạc lõng, nửa vời.

Xét về yếu tố sức nặng tâm lý, không phủ nhận nỗ lực của Daniel khi cố gắng duy trì một mạch cảm xúc nặng nề xuyên suốt tác phẩm. Dẫu vậy, đó chỉ là trên ý tưởng. Thực tế, kịch bản còn non tay khiến dự án của ông không ít lần khiến người xem ngao ngán về sự xuất hiện của nhiều chi tiết thừa thãi. Chuyện phim không quá rối rắm, nhưng nhiều sự kiện chưa đem lại giá trị cụ thể, xuất hiện một cách bâng quơ. Cách cắt lớp kịch bản cũng tỏ ra hời hợt, thiếu tính toán.

Thông thường, để tạo được áp lực tâm lý cho khán giả, những tình tiết trong phim sẽ được sắp xếp theo “quy tắc bậc thang” phổ biến trong điện ảnh. Cụ thể, sự kiện xảy ra sau có tác dụng thúc đẩy mạch phim cao trào hơn so với các sự kiện xảy ra trước đó. Tuy nhiên, Prey for the Devil đã thất bại trong việc này. Diễn biến phim tiến triển nhanh nhưng không ấn tượng hay mới lạ, khó tạo được sức nặng tâm lý đối với khán giả.

Chưa kể, ngôn ngữ kinh dị của tác phẩm cũng nửa vời, thiếu hiệu quả. So sánh với Hereditary (2018), Us (2019) hay gần đây nhất là Smile (2022), dự án của Daniel Stamm tỏ ra yếu kém thấy rõ. Trong phim, nhân vật không phải là chìa khóa giải mã tác phẩm. Vậy nên, diễn biến tâm lý cùng hành động của họ chưa thực sự sâu sắc, thuyết phục.

Xét về khía cạnh kinh dị giật gân, Mồi quỷ dữ cũng không quá ấn tượng. Những mánh hù dọa xuất hiện rải dọc thời lượng phim nhưng thiếu sáng tạo, chắt lọc. Vì lẽ đó, những phút giây giải trí chỉ đơn thuần dừng lại ở mức đủ, chưa “đã”. Đặc biệt, những cảnh quay trừ tà đáng lẽ là điểm nhấn của tác phẩm lại khá mờ nhạt, thiếu đầu tư. Motif cũ kỹ cùng kỹ xảo điện ảnh có phần non nớt tạo cảm giác còn hơi giả, không quá thú vị.

Bên cạnh đó, phim nhận về một điểm trừ lớn do cao trào “hụt hơi” ở phần cuối bộ phim. Prey for the Devil mất nhiều thời gian xâu chuỗi sự kiện và nhân vật để chứng minh Ann mới chính là “miếng mồi” không ngừng bị săn đuổi. Thế nhưng, hành động đầu tiên sau ác quỷ xâm chiếm cơ thể cô lại là nhắm vào con gái Natalie, một sự phi logic đến khó hiểu.

Không chỉ vậy, trận chiến cuối cùng với thế lực quỷ dữ cũng diễn ra chóng vánh, hoàn toàn không tạo được căng thẳng, áp lực cho khán giả. Theo giải thích của đạo diễn, “xơ Ann đặt nhiều niềm tin vào tình yêu dành cho mẹ đến nỗi cô thà tự mình đối mặt với ma quỷ hơn là chấp nhận lời tuyên bố rằng mẹ không yêu mình”. Thế nhưng, những động lực để cô chiến đấu giành chiến thắng lại chưa cho thấy điều này.

Moi quy du anh 5

Cách kể chuyện của Prey for the Devil không có điểm mới lạ. Ảnh: Lionsgate.

Nhìn chung, việc đạo diễn lựa chọn chủ đề hấp dẫn và khôn khéo cài cắm những thông điệp nhân văn hiện đại ít nhiều cũng gây được sự chú ý. Tuy nhiên, những bộ phim đình đám trước đó như The Exorcist (1973), The Possession (2012), Deliver Us From Evil (2014) hay series The Conjuring đều mang tới nhiều màu sắc và góc nhìn thú vị về đề tài trục quỷ. Vậy nên với hướng phát triển không mới mẻ của mình, Prey for the Devil khó lòng ghi điểm, dù xét trên phương diện kinh dị giật gân hay ám ảnh tâm lý.

Nội dung hời hợt và cách triển khai thiếu hiệu quả vô tình biến phim trở thành phương tiện để tôn giáo được truyền bá. Thay vì là một dự án giải trí phục vụ khán giả, Mồi quỷ dữ giống như bản tuyên ngôn mang đậm màu sắc cá nhân của Daniel Stamm.

Dàn sao hội ngộ tại thảm đỏ bom tấn 'Black Panther 2'

Thảm đỏ buổi công chiếu bộ phim siêu anh hùng MCU chứng kiến sự góp mặt của những gương mặt tên tuổi trong giới giải trí Hollywood.

Đạo diễn 'Avatar' lại chỉ trích phim của DC và Marvel

James Cameron đánh giá các bom tấn siêu anh hùng đều nhàm chán và cũ rích. Diễn xuất và các mối quan hệ nhân vật trong phim cũng chẳng mấy ấn tượng.

Nghich ly 'Black Adam' hinh anh

Nghịch lý 'Black Adam'

0

Giới phê bình và khán giả bất đồng khi đánh giá về bom tấn mới của nhà DC. Trong khi các cây bút điện ảnh chê thậm tệ, người xem đại chúng lại khen ngợi "Black Adam".

Tống Khang

Bạn có thể quan tâm