Thông tư 30 đã bước sang năm thứ hai, việc áp dụng và triển khai ở các trường tiểu học cũng dần đi vào ổn định, mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trước việc chấm điểm và nhận xét học sinh.
Gánh nặng chọn học sinh để khen
Hàng ngày, giáo viên cũng quen dần với việc ghi lời nhận xét ở bài làm của các em, học sinh cũng quen dần với những lời nhận xét đôi khi được lặp lại như một môtíp quen thuộc từ ngày này qua ngày khác của thầy cô.
Lứa tuổi học sinh tiểu học rất ngây thơ, trong sáng. Đừng nên để chuyện bình bầu khen thưởng làm vẩn đục sự hồn nhiên của các em. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Dù đã bỏ việc chấm điểm thường xuyên, nhưng vẫn còn bài kiểm tra cuối kỳ bằng điểm số. Với học sinh lớp 1 và lớp 2 có điểm toán, tiếng Việt; học sinh khối 3 thêm môn tiếng Anh và tin học; khối 4-5 có cả khoa học, sử và địa.
Trước đây, để chọn học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, giáo viên chỉ cần căn cứ vào các con điểm học sinh đạt được trong bài kiểm tra. Bây giờ, việc bình xét để chọn ra những học sinh được khen thưởng đã trở thành gánh nặng cho tất cả thầy cô giáo. Làm thế nào để chọn ra được học sinh thật sự nổi trội về một môn học nào đó hoặc biết em thật sự có năng lực, phẩm chất ra sao không phải là điều dễ.
Mỗi trường có cách làm riêng
Điều 16 thông tư 30 về khen thưởng chỉ ghi: “Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật, hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.
Do thông tư chỉ ghi ngắn gọn nội dung mà không có phần hướng dẫn cụ thể cách bình chọn, nên mỗi trường thường có cách làm riêng. Theo chỉ đạo của một số trường, trước hết giáo viên nhìn vào bảng điểm học sinh vừa đạt được, chọn lọc đối tượng học sinh đạt điểm cao, có ý thức học tập tốt, chăm học...
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ các giáo viên bộ môn cho nhận xét về từng em, rồi đưa ra cho cả lớp bình bầu. Cuối cùng, giáo viên gặp mặt phụ huynh trao đổi để nắm bắt thêm việc học tập, sinh hoạt ở nhà của từng em theo điều 8, 9: “Đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh trong quá trình học tập rèn luyện, hoạt động trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường”.
Có trường lại chỉ đạo giáo viên căn cứ vào các con điểm thi mà các em đạt được để chọn. Cũng có trường cho rằng điểm thi chỉ để tham khảo, sự theo dõi hằng ngày của thầy cô mới là quan trọng!
Giáo viên cũng mơ hồ
Với đối tượng học sinh học còn yếu, qua quá trình học tập có tiến bộ đã vươn lên thành học sinh có lực học trung bình cũng được khen với thành tích “Có tiến bộ vượt bậc trong học tập”.
Khen về mặt học tập ít nhiều còn có căn cứ, còn khen về năng lực hay phẩm chất mới rối như mớ bòng bong, bởi không biết chọn thế nào. Nhiều tiêu chí khen thưởng ghi trong thông tư 30, giáo viên khó có thể nắm bắt chính xác như: “học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập ở nhà, sinh hoạt ở nhà, lao động và hoạt động nghệ thuật thể thao tại địa phương, chăm làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ, quan tâm chăm sóc ông bà cha mẹ, anh em...”.
Điều này muốn biết được chính xác phải tham khảo qua phụ huynh. Mà nhiều phụ huynh vì muốn con được khen nên cũng không nói thật về con mình.
Tinh thần của thông tư 30: “Không so sánh học sinh này với học sinh khác”, nhưng bình chọn học sinh được khen thưởng như thế này, không so sánh làm sao chọn chính xác? Chưa nói đến việc học sinh lớp 1, lớp 2 còn quá nhỏ để biết nhận xét, đánh giá và bình chọn một cách công bằng.
Đã từ rất lâu rồi, phụ huynh quen với việc con được khen thưởng dựa vào điểm số. Nên với cách khen thưởng thế này, nhiều người phản ứng và thắc mắc: “Con tôi thi điểm cao hơn sao lại không được khen...?”.
Trước việc bình chọn học sinh được khen thưởng cuối kỳ, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai, nhưng xem ra giáo viên cũng còn nhiều mơ hồ, mỗi người tự đưa ra cách hiểu và quan điểm riêng của mình. Thầy cô chưa thông, làm sao phổ biến để phụ huynh hiểu được. Thiết nghĩ, sau thông tư 30 cũng cần có mẫu hướng dẫn chi tiết về cách bình chọn khen thưởng học sinh, để các địa phương có chung một cách làm thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu và làm mỗi khác.
“Con không giảng bài cho bạn nữa”
Con trai tôi (học lớp 4) vừa thi học kỳ xong. Thú thật, nhớ lại năm ngoái - chỉ vì không được các bạn bình bầu khen thưởng khiến con cảm thấy cô đơn, tự ti, buồn đến mức bỏ cơm - mà tôi xót xa.
Sau khi bình bầu nhận xét từng thành viên, lớp con sẽ phải lựa chọn “hạt nhân” là năm bạn lên đại diện nhận phần thưởng. Đã chọn được bốn bạn rồi, chỉ còn một “suất” nữa thôi, con nằm trong nhóm áp chót cùng với một bạn nữa. Thế là lớp lại thêm một cuộc bình bầu “nóng” nữa diễn ra. Vì con một lần bị ốm, không thể tham gia một cuộc thi ở trường, nên con bị các bạn “trừ điểm” không tiếc tay.
“Cuối cùng thì con thua cuộc, mẹ ạ”, nghe con kể lại và thở dài, tôi chỉ biết động viên năm sau cố gắng hơn. Nhưng con lại cho rằng nhiều bạn được bình bầu thật sự chưa xứng đáng, như bạn L. hay nói chuyện riêng trong lớp, bạn T. không nhiệt tình phát biểu bài nhưng vẫn được ưu tiên. Có bạn thường xuyên đem quà vặt lên lớp cho các bạn ăn nên được nhiều bạn yêu quý, bình bầu...
Tôi giật mình khi con nói rằng: “Từ giờ con sẽ không giảng bài cho bạn A. nữa, cũng không cho bạn V. mượn sách nữa”. Tôi hỏi lý do thì con thú nhận: “Vì bạn vượt mặt con mẹ ạ. Với lại, khi bình bầu các bạn rất thiên vị nhau”.
Tôi giải thích cho con rằng tất cả đều xứng đáng, con cố gắng thêm chút nữa rồi sẽ được thôi, và không nên suy nghĩ lệch lạc như vậy. Từ cuộc bình bầu cuối năm học của lớp con, tôi cho rằng lứa tuổi của các con đôi khi bình chọn theo cảm tính là chính, dễ chạy theo số đông. Những bạn không được bình bầu tất nhiên sẽ nghĩ rằng mình không được yêu quý. Từ đó, các con lại cảm thấy trong những cuộc tranh đua cuối năm thế này bỗng xuất hiện “đối thủ”.
Tự nhiên, các con quay ra nghi kỵ, ganh tị nhau từ những lời khen, những phiếu bầu và cả những danh hiệu thi đua. Những hiệu ứng không tốt, những sứt mẻ đáng tiếc trong tình bạn cũng từ đây mà nảy nở. Tâm hồn các con vì thế sẽ có thêm những vẩn đục...
Không dám phủ nhận những ưu điểm của thông tư 30, nhưng trước nỗi buồn của con, tôi chỉ ước giá như các con không phải ganh đua, đố kỵ như vậy. Giá như các con không xem chuyện bình bầu cuối năm là những cuộc đua thắng thua, để con không nghĩ rằng mình có “đối thủ” chính là những người bạn trong cùng một lớp...