Vẫn phải “cắn răng” cho con đi học thêm
Dù Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT các địa phương thông báo cấm dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 1, song vì nhu cầu và sợ con mình thua thiệt nên nhiều phụ huynh vẫn phải “cắn răng” cho con đi học thêm.
Liên quan tới việc cấm trẻ học chữ trước và trong quá trình học lớp 1, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là sai quy định. Bộ nghiêm cấm các trường không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ.
Dù con mình mới học lớp 1 song nhiều phụ huynh vẫn phải cho con đi học thêm để theo kịp chương trình. Ảnh minh họa: Gia Đình & Xã Hội. |
Vào lớp 1, không nhất thiết là phải biết đọc, biết viết. Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1. Dạy trước chương trình khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm - sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt. Do đó, bên cạnh nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có văn bản, hướng dẫn, nhưng ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm chương trình lớp 1”.
Dù năm học 2015 - 2016 đã diễn ra được khoảng 3 tháng, song nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đều băn khoăn, nếu không cho con đi học thêm thì con không thể theo kịp chương trình.
Chị Thu Hằng (tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết: “Hè vừa rồi tôi cũng đã tranh thủ cho con đi học trước vào lớp 1. Nói thật nếu như cứ để con chưa biết gì mà vào lớp 1 thì bây giờ đã thành học sinh dốt nhất lớp. Dù kèm cặp, có học thêm trước cả tháng, nhưng đến bây giờ con tôi vẫn nằm trong số những bạn có học lực kém của lớp”.
“Tá hỏa” vì chương trình học của con khá nặng, dù mới chỉ là học sinh lớp 1, anh Trần Đức Trung (phố Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đọc - viết thì vợ chồng tôi kèm cặp con học được ở nhà, chứ môn Toán thì quá khó. Giở sách Toán lớp 1 ra tôi không hiểu được các cháu học ra sao nếu cô không dạy kỹ, bố mẹ không kèm cặp thêm?
Trong sách Bài tập toán lớp 1 có rất nhiều bài tập và hình vẽ rắc rối, các phép cộng, điền số… bắt trẻ phải tư duy nhiều. Thành ra, vẫn phải cho con đi học thêm nhà cô vào dịp cuối tuần để luyện đọc, làm toán”.
“Mỗi ngày nên dành 10 phút học với con”
Chia sẻ về thực trạng dạy và học ở cấp tiểu học hiện nay, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kể từ khi Thông tư 30 ra đời đến nay, nhiều phụ huynh băn khoăn không chấm điểm con thì không biết con học thế nào, không có điểm lấy gì thưởng cho con… Tuy nhiên, phụ huynh sẽ nghĩ sao nếu cho điểm mà con bị điểm kém sẽ bị la mắng, thậm thí bạt tai con. Thế nhưng ít ai theo sát con cái để biết con học thế nào, tiếp thu bài vở ra sao.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến: “Học thêm xuất phát từ nhu cầu, muốn phát triển sở thích hoặc niềm đam mê thì đó là chính đáng. Có những học sinh vì học đuối, vì lý do nào đó mà ngắt quãng giữa chừng thì phải học thêm để theo được chương trình. Tôi thấy có trung tâm dạy thêm đến 10 giờ đêm, trẻ học như vậy chỉ sinh tâm lí ỉ lại, học mệt quá thì đi ngủ, quên hết bài vở. Tôi mong phụ huynh thấy cái gì thực sự cần thì cho con học, đừng học theo phong trào, sợ con thiệt, đừng sợ áp lực giáo viên, sợ thua bạn bè. Tôi nghĩ học 2 buổi/ngày đã đủ kiến thức, kĩ năng cho trẻ rồi. Đừng bắt trẻ phải làm thêm bài tập, sách nâng cao”.
TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng bị đòn roi vì điểm kém, bố mẹ bị mời lên trường để cô phản ánh việc học… đó là nỗi ám ảnh mỗi khi bố mẹ hỏi về điểm số. Do đó phụ huynh không nên ép buộc con học nhiều nếu trẻ không thích, không hứng thú với việc học lúc đó. Phụ huynh nếu thấy con học chưa tốt có thể đề nghị cô giúp đỡ con trong quá trình học tập.
Theo tôi, mỗi ngày phụ huynh nên dành khoảng 10 phút để cùng học, cùng giải quyết các vấn đề liên quan tới chuyện học tập, chơi với các bạn của con mình”.
Mặc dù đã có nhiều quy định cấm dạy thêm cho trẻ trước và trong quá trình học tiểu học, bỏ chấm điểm và giao bài tập về nhà… song tình trạng phụ huynh phải cho con đi học thêm lớp 1 là một thực tế phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không học trước ở lớp hay được gia đình dạy thêm ở nhà thì trẻ thường học đuối, không theo kịp chương trình.
Đây là một thực tế mà Bộ GD&ĐT cần phải nhìn nhận trong xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông cho từng cấp học, trong đó có cấp tiểu học.