Có thể cảm nhận nhiều màu sắc âm nhạc trong đêm diễn của Kenny G và ban nhạc vào tối 13/10. Từ những nhạc phẩm mang chất jazz pop quen thuộc của ông như Havana, Going home tới những bản tình ca được ông chơi bằng nhạc cụ như My heart will go on. Rồi cả chút jazz truyền thống, bossa nova hay nhạc Latin... Tất cả tạo nên một không khí âm nhạc giàu giai điệu, dễ nghe và đúng chất Kenny G.
Kenny G chơi một phong cách âm nhạc hoàn trộn nhiều màu sắc. Ảnh: BTC |
Trước buổi diễn, không ít khán giả sành nhạc ở Hà Nội đã phân vân liệu họ có bị... ngủ gật không nếu nghệ sĩ sẽ chơi đúng chất nhạc du dương, dịu dàng "đặc sản" của ông. Nhưng thực tế đêm diễn đã xoá bỏ hoàn toàn lo lắng đó.
Vẫn có những khoảng khắc lãng mạn như khi giai điệu của bản Forever in love cất lên hoặc ở tiết mục Innocent. Tuy nhiên, xen giữa những điểm "co" của cảm xúc đó lại có những cú "giãn" rất hợp lý. Đó là màn solo của bộ ba trống - bộ gõ - bass giữa chương trình. Đặc biệt, màn thể hiện đầy nhiệt huyết của nghệ sĩ bộ gõ Ronald Powell khiến không khí khán phòng nóng hẳn lên.
Kenny G gần như không để khán giả có một khoảng "nguội" nào. Sau bản Heart and soul sâu lắng là màn dàn dựng bất ngờ tuyệt phẩm What a wonderful world với hình ảnh và giọng hát của huyền thoại quá cố Louis Armstrong trên màn hình. Kenny G trực tiếp thổi kèn đệm cho nghệ sĩ tiền bối trên sân khấu. Tiết mục không chỉ độc đáo với khán giả mà còn gợi lại sự kiện năm 1991, nữ ca sĩ Natalie Cole cũng đã có màn song ca cùng người cha quá cố Nat King Cole ca khúc Unforgettable theo cách này gây xúc động khán giả.
Kenny G và ban nhạc đã tạo nên một nhịp độ co giãn rất hợp lý cho đêm nhạc khiến khán giả không nhàm chán. Ảnh: BTC |
Âm nhạc là tâm điểm của đêm diễn, nhưng cũng không thể bỏ qua cách Kenny G chinh phục khán giả Việt Nam lần đầu tiên "gặp" ông. Cách Kenny G xuất hiện trên hàng ghế khán giả thay vì trên sân khấu mở màn chương trình, cách ông giao lưu bằng đoạn chia sẻ tiếng Việt khá lưu loát tạo nên không khí vui vẻ, thân thiện và sống động cho buổi diễn.
Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, có thể thấy một đêm diễn của Kenny G chính xác là một trải nghiệm giải trí chuyên nghiệp. Khán giả được nghe nhạc hay nhưng không quá cầu kỳ, cảm xúc được điều tiết hợp lý để không căng cũng chẳng bị trùng từ đầu tới cuối. Làm được như vậy, không thể là một nghệ sĩ tầm thường. Nhưng cũng trải nghiệm một đêm diễn như thế, người ta mới hiểu vì sao Kenny G lại là nghệ sĩ saxophone đại chúng thành công toàn cầu.
Nhưng liệu chính người nghệ sĩ có cảm nhận được sự đón nhận của khán giả Hà Nội với ông? Câu trả lời hẳn là có. Bởi mỗi khi một giai điệu quen thuộc từ cây kèn của ông cất lên, khán giả lại đáp lời bằng một tràng pháo tay lớn. Điều đó nói lên âm nhạc của Kenny G phổ biến ở Việt Nam tới mức nào.
Chỉ đáng tiếc một chi tiết hiểu lầm giữa nghệ sĩ và khán giả khi Kenny G giao lưu bằng tiếng Anh, người chuyển ngữ đã dịch sai câu nói của ông. Ông nói về nghệ sĩ saxophone Stan Getz "với công lao làm lan toả tình yêu đối với nhạc bossa nova trên thế giới". Nhưng người dịch đã "sáng tác" câu nói thành tên một ca khúc mới với tựa đề khá tình tứ The love of bossa nova (!)
Ở phần kết, dù khán phòng đã ít nhiều lộn xộn vì nhiều khán giả tưởng chương trình đã kết thúc, đứng dậy ra về. Nhưng Kenny G và ban nhạc vẫn quay trở lại sân khấu, chơi bản Songbird nổi tiếng như cái kết đẹp cho một đêm nhạc quốc tế có chất lượng. Cái kết có thể đơn giản chỉ là một kịch bản định sẵn. Nhưng cũng không quá khi cho rằng đó giống như lời tri ân của các nghệ sĩ với khán giả Việt Nam.