Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Môn Lịch sử sắp bị lãng quên?

Cũng giống như mọi năm, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, rất ít học sinh lựa chọn môn Sử. Những học sinh lựa chọn môn này để thi bỗng nhiên trở thành… nổi tiếng.

Kể từ khi Bộ GD&ĐT đề ra quy chế thi coi môn Sử là môn tự chọn, sự việc này năm nào cũng có. Vì thế, rất dễ hiểu khi có nhiều ý kiến - đa phần là xuất phát từ những người thuộc giới sử học hay giáo viên dạy sử - kiến nghị môn học này phải trở thành bắt buộc trong kì thi THPT quốc gia và coi đó như là một trong biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục sự “hẩm hiu” của nó.

Cái khác của năm nay nằm ở phản ứng của dư luận và truyền thông. Mọi năm, trước và sau mỗi kì thi, khi tỉ lệ học sinh lựa chọn môn thi được công bố, truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội vang lên những tiếng kêu “cứu lấy môn Sử”. Nhưng năm nay, chỉ có một vài tờ báo đưa tin về tỉ lệ học sinh chọn môn này, về hội đồng thi có 1 thí sinh, kèm theo là một vài bài trích ý kiến của học sinh, giáo viên khen đề thi.

Dường như sau nhiều lần kinh ngạc và thất vọng, công chúng và cả những người có liên quan đến giáo dục lịch sử đã mỏi mệt và buông xuôi. Trong trạng thái tâm lý đó rất có thể rồi dần dần những “bất thường” trong giáo dục lịch sử sẽ trở thành “bình thường” và tồn tại như một sự hợp lý đầy…nghịch lý.

Chất lượng giáo dục lịch sử trở thành vấn đề từ khi nào?

Vấn đề chất lượng giáo dục lịch sử ở trường phổ thông được dư luận chú ý khoảng gần 10 năm lại đây kể từ khi Bộ GD&ĐT phát động phong trào “hai không” (Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) vào ngày 31/7/2006.

Sự dâng cao của dư luận đối với giáo dục lịch sử gần như đạt đến đỉnh điểm khi kết quả của môn Sử trong kỳ thi CĐ, ĐH năm học 2007 được công bố. Theo số liệu do Cục Công nghệ thông tin của Bộ cung cấp thì điểm số trung bình của môn Sử là 2,09/10 - thấp nhất trong các môn (Lý: 5,19, Hóa: 4,49, Văn: 4,41, Toán: 3,65, Ngoại ngữ: 3, 64).

Tuy nhiên nếu tìm hiểu kĩ hơn sẽ thấy, không phải chờ đến cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 này, chất lượng giáo dục lịch sử trong trường phổ thông nước ta mới trở nên tồi tệ.

Sự tồi tệ này đã được chính những người trong ngành thừa nhận và công bố trên dưới 30 năm.

Mon Lich su anh 1
Nguyễn Thị Kiều Trinh là thí sinh duy nhất thi môn Lịch Sử tại hội đồng thi trường THPT Đông Thành (Quảng Ninh). Ảnh: VietNamNet.

Trong hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ” - hồi ký về quá trình tham gia nghiên cứu, biên soạn chương trình và sách giáo khoa bộ môn lịch sử phổ thông trong thời gian 1956-1970 - viết vào tháng 8/1991, ông Hoàng Trọng Hanh đã nói “...riêng tôi vẫn cảm thấy chưa thật hài lòng với những sản phẩm đã làm ra, vẫn thấy băn khoăn, áy náy trước một tình hình không vui là: học sinh phổ thông ngày càng ít ham thích học môn sử (trong khi các nhà chính trị, các chuyên gia sử học, và các giáo viên sử chúng ta không ngớt đề cao vai trò của môn lịch sử đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ)”.

Năm 1991, GS Nguyễn Anh Thái, người tham gia chủ biên, biên soạn nhiều giáo trình lịch sử thế giới cho bậc ĐH và sách giáo khoa lịch sử cho các trường phổ thông, trong một bài viết đăng ở tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 6, 11/1991) đã thừa nhận: “Phải thực sự cầu thị nhìn nhận rằng chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử nói chung và lịch sử thế giới nói riêng ở các cấp học phổ thông chúng ta ngày càng sút kém-môn lịch sử chỉ được coi như môn học phụ, môn học thường bị coi nhẹ so với các môn học khác, còn học sinh thì không hào hứng học tập, giáo viên không phấn khởi giảng dạy”.

Gần 10 năm sau, NCS Phạm Kim Anh trong luận án tiến sĩ có tên “Sách giáo khoa lịch sử của trường phổ thông trung học Việt Nam và từ 1954 đến nay” (bảo vệ tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 1999) đã dẫn ra một kết quả điều tra với những thông tin như sau:

Trong số 1.800 người được hỏi có 39% không biết Hùng Vương là ai; 65% không biết về Trương Định, 49% nói sai về Trần Quốc Toản; 54% trong số 468 sinh viên của các trường đại học không biết gì về Lương Thế Vinh, 83% không biết gì về lai lịch tên những đường phố mà họ đang sống.

Luận án này cũng dẫn ra một kết quả điều tra khác của Viện Nghiên cứu giáo dục và Hội đồng đội ở 4 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Kiên Giang và TP.HCM, công bố trên báo Sài Gòn giải phóng (số 29/1/1997). Kết quả cho biết trong 700 em học sinh các lớp 6, 9, 10, 12, được hỏi chỉ có 3, 9% học sinh thích môn sử.

30 năm… vẫn thế

Qua một khoảng thời gian tương đối dài trên dưới 30 năm, vấn đề chất lượng trong giáo dục lịch sử ở trường phổ thông vẫn chưa được giải quyết thực sự dù giáo dục đã qua mấy lần cải cách. Khi các vấn đề tồn tại không được giải quyết triệt để hoặc chỉ được sửa chữa ở mặt “hiện tượng” chúng không chỉ còn nguyên mà sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.

Giờ đây, không chỉ điểm thi môn Sử của học sinh trong các kì thi thấp mà các em còn không chọn môn Sử để học, để thi khi có cơ hội lựa chọn.

Cũng không phải chỉ có những học sinh không biết Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn là ai mà còn có cả học sinh coi “Quang Trung là anh em với Nguyễn Huệ”. Trong thế giới của người lớn, những người đã từng là học sinh, cũng xảy ra hiện tượng tương tự khi có vị lãnh đạo cho rằng “Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng”, MC truyền hình nói rằng “Ngô Quyền ba lần chiến thắng quân Nguyên-Mông trên sông Bạch Đằng”, hay biến công chúa Huyền Trân thành công chúa Ngọc Hân.

Ẩn sau các hiện tượng bề ngoài này sẽ còn là những vấn đề khác trầm trọng hơn nếu như tìm kiếm và nhìn nhận chúng dưới góc độ khoa học thực sự.

Nếu không có những nghiên cứu và các biện pháp khoa học thật sự ứng phó với các vấn đề cơ bản đang tồn tại trong giáo dục lịch sử ở trường phổ thông, tình hình sẽ ngày một xấu.

Hậu quả nguy hiểm nhất khi giáo dục lịch sử sai lầm sẽ là sự thiếu vắng của các công dân có nhận thức lịch sử khoa học và phẩm chất công dân. Một xã hội thiếu vắng các công dân sẽ rất khó có được nền tảng ổn định.

60 người phục vụ một nữ sinh thí Vật lý

Tại Nghệ An, Hội đồng thi THPT Thái Hòa (thị xã Thái Hòa), chỉ có một thí sinh dự thi môn Vật Lý chiều 2/7 là Lê Thị Ni Na, lớp 12G, trường THPT Tây Hiếu.

 


http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/314777/mon-lich-su-sap-bi-lang-quen.html

Theo Nguyễn Quốc Vương/VietNamNet

Bạn có thể quan tâm