Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

'Món nướng phải ăn tận nơi, dùng lò và chén dĩa của quán mới ngon'

Với nhiều người, việc thưởng thức tại quán mang lại cảm giác khác hẳn so với khi đặt đến nhà, dù là cùng một món ăn.


Một tháng kể từ khi TP.HCM thông báo giãn cách xã hội, hầu hết quán ăn đều đã đóng cửa và chỉ nhận mua mang về.

Với sự hỗ trợ từ các ứng dụng giao hàng và những thay đổi nhanh chóng của nhà hàng để thích nghi với tình hình chung, chúng ta vẫn có thể thưởng thức món yêu thích tại nhà.

Dù vậy, 7 nhân vật sau vẫn nhớ thời gian được tụ tập ăn ngoài cùng bạn bè. Chia sẻ với Zing, mong ước lớn nhất của họ khi dịch được đẩy lùi là trở lại những nơi quen thuộc để có thể ăn thỏa thích.

Tôi đến từ New York, Mỹ và đã ở TP.HCM được 2 năm. Gần nhà tôi có một khu chợ với rất nhiều hàng quán tập trung bên ngoài.

Tôi đặc biệt thích món xôi mặn của ông chú cuối đường. Món ăn bình dân này đã gắn bó và giữ chân tôi 2 năm qua.

Mỗi ngày, tôi đều đi loanh quanh để thưởng thức các món đường phố và trò chuyện với hàng xóm. Bọn trẻ khu đó rất thích tôi và thường vòi tôi mua kẹo, mua kem cho chúng.

Tất nhiên tôi chỉ hiểu được một vài từ tiếng Việt đơn giản. Nhưng qua đó, tôi thấy mình như một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam.

Covid-19 đã khiến việc buôn bán vỉa hè trở nên khó khăn. Đồng thời buộc tôi ở trong nhà nhiều tuần qua.

Dù vẫn đặt fast food ăn qua ngày, tôi thật sự mong đến ngày hết dịch để tiếp tục ngồi ăn xôi, ăn chè, bún và gặp lại những người bạn đường phố.

Tôi đã ở nhà nhiều tuần rồi và rất thèm món bún bò Huế của quán Cô Cúc ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3. Phần ăn tôi đặc biệt thích là bún bò gân chả có giá 40.000 đồng.

Không dám nhận mình từng ăn bún bò nhiều nơi, nhưng tôi nghĩ đây có lẽ là quán bún bò Huế ngon nhất từng ăn tại TP.HCM. Nước lèo có vị không quá đậm nhưng vừa vặn đến nỗi không cần nêm mắm hay thêm chanh.

Mỗi tô bún bò sẽ đi kèm chén sa tế cay có tóp mỡ giòn. Ăn với bún, thêm rau muống, bắp chuối với tôi là hoàn hảo.

Lần cuối tôi ăn ở đây là thời điểm trước dịch, do được chị đồng nghiệp rủ. Từ khi dịch bùng phát, tôi nghe nói quán đã tạm đóng cửa. Tôi có thử tìm trên các ứng dụng đặt đồ ăn nhưng không thấy.

Hơn nữa, tôi thích đến tận nơi ăn hơn vì đặt về nhà tóp mỡ chắc chắn sẽ không giòn nữa. Sau dịch, tôi sẽ là một trong những người đến ăn ngay hôm đầu tiên quán mở cửa lại.

Trước giãn cách, tôi thường đến phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, quận 10 để ăn vặt với bạn bè. Món khoái khẩu của tôi là khoai bong bóng và thịt xiên nướng phô mai, cũng là 2 món được nhiều người ăn nhất khi đến đây.

Khoai bong bóng có giá chỉ 15.000 đồng một gói. Kinh nghiệm của tôi là nên ăn ngay sau lúc mua khi khoai còn ấm nóng. Ẩn sau lớp vỏ giòn là lớp nhân mềm dai, có vị béo ngọt của khoai lang.

Thịt nướng phô mai có giá 10.000-13.000 đồng/xiên. Một phần có thêm đu đủ chua, tương ớt ăn không ngán.

Chợ Hồ Thị Kỷ từng là nơi tụ tập của giới trẻ. Lần nào tôi đến cũng chen chúc khá đông nhưng vui, cảm giác như bước vào "thiên đường ẩm thực" vậy.

Tôi nghĩ nhờ không khí trên mà món ăn cũng ngon hơn. Ở nhà, dù đặt gói khoai hay xiên thịt tương tự cũng không thể bằng lúc ăn tại chỗ được.

Là fan của đồ nướng và lẩu nên tôi vẫn hay chọn ăn ngoài để thưởng thức. Một số địa chỉ "quen mặt" là Gogi House, Ngưu Phồn và Pumpa BBQ ở quận Tân Phú.

Với tôi, độ ngon của lẩu có thể giữ đến 90% khi mua về nhà, nhưng các món nướng thì phải ăn tận nơi, dùng lò và các chén dĩa của quán đựng thịt tôi mới thấy ngon.

Do đó, kể từ khi TP.HCM có dấu hiệu dịch trở lại, tôi đã phải bỏ qua sở thích ăn thịt nướng của mình. Đến nay đã tầm 2 tháng rưỡi.

Tôi chỉ đặt các món fast food như gà viên, takoyaki về nhà. Dù bản thân rất thèm được ngồi bên vỉ nướng nghi ngút khói, tôi quyết tâm chờ dịch qua hẳn.

Nói đến quán yêu thích, tôi lập tức nghĩ ngay đến mì gà quay San San ở đường Hoa Lan, quận Phú Nhuận. Vì quán gần nhà nên tôi ghé khá thường xuyên và dần thành khách quen.

Cá nhân tôi thấy các món Hoa thường sẽ hơi nhạt so với khẩu vị người Việt, nhưng mì ở San San nêm nếm rất đậm đà, hợp ý tôi. Ngoài mì gà quay, xá xíu, tôi còn ăn thêm sủi cảo phô mai chiên bùi bùi, giòn rụm.

Tôi thuộc tuýp người ăn hàng nhiều chứ cơm nhà thì ít. Nếu đặt đồ ăn tại nhà, tôi cũng sẽ chọn đủ một phần ăn cho qua bữa.

Nhưng khi ăn ngoài, tôi thấy mình được thôi thúc thử nhiều món hơn khi cầm menu trên tay và ngửi mùi thơm của đùi gà mới quay còn nóng hổi.

Tôi biết quán duy trì giao đồ trong thời gian này. Nhưng có lẽ tôi sẽ đến quán ăn sau chứ không mua về nhà.

Ở Sài Gòn tôi thích nhất là bún xiêm lo ở Bếp Kiến Tường, quận 8. Đây cũng là nơi nấu chuẩn vị Long An nhất tôi từng ăn.

Món ăn có nguồn gốc từ Campuchia này khá bình dân với nước lèo nấu từ cá lóc, mắm bò hóc, nghệ tươi. Khi ăn sẽ chan nước vào bún Miên sợi, ăn cùng với muối ớt.

Điểm đặc biệt là nước lèo được nấu 100% từ cá nên có vị ngọt rất tự nhiên.

Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu nhìn thấy tô bún nóng hổi, nghi ngút khói, húp một miếng nước lèo vàng óng, ngọt thanh, ngửi hương nghệ thoang thoảng không quá nồng.

Vị ngọt này chỉ ăn tại quán mới có thể cảm nhận được. Đem về nhà hâm nóng, độ thơm cũng mất đến 2,3 phần.

Quán vẫn có bán online cho những ai muốn ăn tại nhà. Riêng tôi sẽ đợi đến khi hết dịch để được thưởng thức trọn vẹn đặc sản xứ Mộc Hóa - Kiến Tường, Long An.


Tôi hay gọi mình là một mẹ bỉm sữa thích ăn hàng và tụ tập. Hầu như không có cuối tuần nào tôi không hẹn hò với bạn bè. Món khoái khẩu của tôi là ốc. Các quán ốc ở TP.HCM từ quận 1,3,4 đến quận Tân Bình, Tân Phú tôi nghĩ mình đều đã từng ghé qua.

Quan niệm của tôi là ốc phải ăn tại quán khi còn tươi. Chính tay tôi sẽ chọn cho nhân viên chế biến. Lúc ăn vừa nhâm nhi thức uống, vừa trò chuyện rôm rả với người xung quanh, đồ ăn mới đậm vị.

Hiện khu vực nhà tôi đang bị phong tỏa, không thể tiếp khách. Do đó, tôi cũng chọn không ship ốc đến nhà.

Tôi đã 'cách ly' với cơm tấm gần một tháng

Không chỉ ảnh hưởng đến công việc, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách kéo dài cũng làm thay đổi thói quen ăn uống của một số người trẻ.

Yêu bếp hơn sau một tháng giãn cách

Mọi thói quen sinh hoạt bị đảo lộn khi ở nhà quá lâu, những người trẻ đã có trải nghiệm ăn uống như thế nào trong thời gian giãn cách?

Thiên Hân

Đồ họa: Felis Le
Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm