1. Bánh hỏi mặt võng là đặc sản nức tiếng của địa phương nào ở miền Tây?
Bánh hỏi mặt võng là đặc sản nổi tiếng của đất Phong Điền, Cần Thơ, gắn với thương hiệu Út Dzách. Không chỉ nổi bật về hương vị, điểm đáng nhớ của món ăn chính là hình dáng đẹp mắt như những mắt lưới võng đều nhau. Để tạo hình "đúng chuẩn", người ta tự tạo khuôn bánh và phải thật khéo léo khi rê những vòng bánh. Bánh hỏi mặt võng ăn kèm thịt nướng kim tiền, heo quay cuốn hút nhiều thực khách khi đến Cần Thơ. Ảnh: @thichshop. |
2. Món "vũ nữ chân dài" là đặc sản độc đáo nào ở miền Tây?
Khô nhái, hay còn gọi "vũ nữ chân dài" là một đặc sản độc đáo ở miền Tây. Nhắc đến món này, người ta thường nhắc vùng Bảy Núi nổi tiếng ở An Giang. Nhái chọn làm khô chủ yếu là nhái cơm nhỏ. Sau khi lột sạch da, thịt nhái được tẩm ướp gia vị thấm đều rồi đem phơi khô. Do hình dáng lạ mắt, khô nhái có tên mỹ miều là "vũ nữ chân dài" hay "kiều nữ chân dài", "cô gái chân dài"... Khô nhái có thể chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên mắm, chiên giòn... Ảnh: @thao96_hvhc. |
3. Thương hiệu Cái Nước - Cà Mau gắn với loại thực phẩm đặc biệt nào sau đây?
Có tên gọi nghe "lạ tai", bồn bồn là loại cỏ mọc hoang ở vùng sông nước miền Tây, mang sức sống mạnh mẽ. Nổi tiếng nhất có lẽ là bồn bồn Cái Nước - Cà Mau, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Bồn bồn sau khi sơ chế, bỏ lá, tách lấy phần lõi non trắng nõn có thể chế biến thành nhiều món ngon, ví dụ như gỏi bồn bồn tôm, thịt. Ảnh: Sở Khoa học và công nghệ Cà Mau. |
4. Ở miền Tây, trái bần thường được sử dụng chế biến món ăn nào?
Bần, hay thủy liễu vốn là loài cây dân dã, mọc hoang bên nhiều bờ bãi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trái bần với vị chua chát đặc trưng có thể sử dụng chế biến thành nhiều món ngon như ăn sống chấm muối ớt, nấu canh chua, kho cá, nấu lẩu, ăn với mắm sống... Ngoài ra, bông (hoa) bần cũng có thể trộn gỏi với tép bạc, cá sặc... Ảnh: @maxcao1. |
5. Món bún nào sau đây là một đặc sản hấp dẫn ở "đảo ngọc" Phú Quốc, Kiên Giang?
Bún kèn là một trong những món ngon phải thử khi du lịch Phú Quốc (Kiên Giang). Thành phần quan trọng của bún kèn là thịt cá biển lóc sạch xương, băm nhuyễn, ướp các gia vị như sả, ớt, nghệ, ngũ vị hương, nước cốt dừa... Tô bún kèn ngon "đúng điệu" thường có đủ bún tươi, thịt cá, giá sống, đu đủ bào sợi, rau thơm, nước cốt dừa, nước mắm chua ngọt... Ảnh: @apsapphuquoc. |
6. Đến Bến Tre, bạn có thể thưởng thức món ăn độc đáo nào từ chuối và nước cốt dừa?
Chuối đập là món ăn vặt độc đáo ở Bến Tre. Nguyên liệu chính làm nên món chuối đập là chuối "hườm hườm", không quá chín được lựa chọn kỹ và nước cốt dừa. Chuối nướng trên lửa than, sau đó đập dẹp (dẹt) rồi lại tiếp tục nướng chín. Ăn cùng chuối đập nướng thơm lừng là nước cốt dừa béo ngậy hấp dẫn. Ảnh: @trinhbaby___. |
7. Mè láo là đặc sản nổi danh của địa phương nào ở miền Tây?
Ngoài bánh pía, Sóc Trăng còn nổi tiếng với đặc sản mè láo. Được cho là có nguồn gốc từ những người Hoa di cư, món bánh ngọt ngào, hấp dẫn này làm từ khoai môn, bột nếp, mè (vừng), đường, mạch nha... Vỏ bánh giòn chắc, trong khi ruột bánh lại tơi xốp, ăn rất thú vị. Bạn có thể nhâm nhi mè láo cùng một tách trà nóng. Ảnh: @____________t.u.a.n____k.i.e.t. |