Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một bệnh lây qua đường tình dục đang lan rộng ở Nhật Bản

Nhật Bản đang ghi nhận số ca mắc giang mai cao kỷ lục với gần 60% phụ nữ nhiễm bệnh mới ở độ tuổi 20, trong đó có cả người đang mang thai.

Số ca mắc mới bệnh giang mai tại Nhật Bản đang tăng nhanh chóng và chạm mức kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: Freepik.

Nhiều địa phương tại Nhật Bản đang kêu gọi người dân thận trọng và đi xét nghiệm sớm bệnh giang mai.

Theo Nikkei Asia, số liệu sơ bộ tính từ đầu năm đến ngày 15/9 tại quốc gia này đã ghi nhận 10.162 trường hợp mắc giang mai. Giới chức y tế Nhật Bản cho hay số ca mắc mới đang tăng nhanh chóng và chạm mức kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào khoảng năm 1999, khi Viện các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản bắt đầu áp dụng phương pháp thống kê hiện tại, số ca mắc giang mai chỉ ở mức khoảng 500. Con số này vượt quá 1.000 ca lần đầu vào năm 2013. Số ca bệnh vượt quá 10.000 lần đầu tiên vào năm 2022 khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 bắt đầu được nới lỏng. Số trường hợp mắc giang mai đạt kỷ lục 14.906 ca vào năm 2023.

Theo thống kê sơ bộ đến tháng 6 năm nay, 65% số ca mắc là nam giới. Về độ tuổi và giới tính, số liệu ghi nhận gần 60% phụ nữ nhiễm bệnh ở độ tuổi 20. Nhóm tuổi mắc bệnh ở nam giới lại ở nhiều nhóm tuổi khác nhau, từ 20 đến 50.

Theo các chuyên gia y tế Nhật Bản, sự gia tăng ca mắc giang mai thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là ngày một nhiều người hẹn hò online rồi quan hệ tình dục bừa bãi.

Ngoài ra, đại dịch khiến các trung tâm y tế không có đủ nhân lực xét nghiệm giang mai. Điều này dẫn đến việc giảm xét nghiệm và phát hiện sớm, các ca nhiễm từ đó lây rộng hơn.

Đặc biệt, điều đáng lo ngại nhất là bệnh giang mai bẩm sinh lây từ mẹ sang thai nhi. Một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng ngay khi sinh nhưng trong tương lai (từ vài tháng đến vài năm), trẻ có thể có các phát ban, bất thường về xương, bệnh về mắt, mất thính lực và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Năm 2023, Nhật Bản ghi nhận 37 trường hợp mắc giang mai bẩm sinh, chạm mức kỷ lục. Tính đến tháng 6 năm nay, 14 trường hợp đã được báo cáo trên toàn quốc.

Để ngăn chặn bệnh lan nhanh, từ năm sau, chính quyền thành phố Tokyo sẽ kéo dài giờ hoạt động tại một trung tâm xét nghiệm và tư vấn ở khu phố đêm Kabukicho của Shinjuku.

Thứ Tư sẽ được chỉ định là ngày xét nghiệm và tư vấn cho phụ nữ. Mọi người có thể đến đây để làm các xét nghiệm ẩn danh và miễn phí.

Một trang web đặt lịch hẹn xét nghiệm cũng đã được ra mắt vào tháng 7. Trang web bao gồm các dịch vụ nâng cao như gửi email nhắc nhở và có thể hỗ trợ bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn.

Theo giáo sư Katsumi Shigemura, Bệnh viện Đại học Teikyo, nhận thức của người dân về các bệnh truyền nhiễm đã tăng lên. Tuy vậy, một số người vẫn trì hoãn việc đi khám bác sĩ vì thấy phát ban biến mất sau một thời gian.

"Việc phát ban tạm thời biến mất có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang trong giai đoạn đầu của bệnh giang mai, có khả năng lây bệnh cho nhiều người", giáo sư Shigemura nhấn mạnh.

Giang mai gây ra do vi khuẩn hình xoắn ốc có tên là Treponema pallidum. Bệnh chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc và da trong khi quan hệ tình dục.

Người mắc giang mai thường có các cục u hoặc vết loét kích thước nhỏ đến trung bình ở vùng sinh dục và miệng. Qua thời gian, phát ban có thể lan rộng khắp cơ thể, bao gồm cả tay và chân.

Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị, các tổn thương có thể phát triển biến chứng ở tim, não và các bộ phận khác của cơ thể, gây tổn thương vĩnh viễn.

Tại sao tình dục lại thú vị

Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.

Hệ lụy nghiêm trọng khi chủ quan không phòng ngừa bệnh do não mô cầu

Là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở Việt Nam, bệnh do não mô cầu có thể cướp đi mạng sống chỉ trong 24 giờ và để lại nhiều di chứng.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm