Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một ca nhiễm mới nhưng rất nhiều nạn nhân của tin giả về Covid-19

Sau khi cô gái tên N.H.N. được xác nhận là ca nhiễm virus corona thứ 17 tại Việt nam, nhiều người bất ngờ bị tấn công, chửi lây vì nhầm là bệnh nhân này.

“Con điên ấy đây”.

Dòng tin nhắn bức xúc được chia sẻ kèm hình ảnh một cô gái được cho là N.H.N. (26 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) - bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam - trong một nhóm chat.

Một người tham gia đoạn hội thoại này còn tiết lộ: “Bạn ấy có khách sạn ở Trúc Bạch, nhà ở Hapulico, đi chơi ở Time và khai đã tiếp xúc 32 người. Đấy là tiếp xúc gần. 32 người này lại tiếp xúc với bao nhiêu người nữa”.

Tất cả thông tin và hình ảnh trên đều không đúng sự thật.

Thế nhưng, trước khi được kiểm chứng tính xác thực, nội dung đoạn chat này đã kịp lan truyền khắp mạng xã hội, gây thêm tâm lý hoang mang, hoảng sợ vì dịch bệnh.

Việc chia sẻ thông tin sai một cách vô tội vạ đó cũng dẫn đến hệ lụy: rất nhiều người bị tấn công trên mạng vì trùng tên với bệnh nhân thứ 17 hay trở thành nạn nhân của tin giả.

Bị chửi bới vì trùng tên với cô gái nhiễm corona

Bị lấy hình ảnh gắn vào bài viết “bóc” danh tính bệnh nhân Covid-19 vừa được công bố, chị N.H.N. (30 tuổi, Hà Nội) - trùng tên với bệnh nhân - bị nhiều người lạ ùa vào trang cá nhân chửi bới.

Tối 6/3, sau khi kết thúc công việc, chị kiểm tra điện thoại và thấy bàng hoàng khi nhận được hàng trăm tin nhắn với nội dung chửi bới như "ở ngoài nhiều tiền, ở trong đần độn hay đi du lịch".

Tìm ra nguyên nhân sự việc là bị nhầm lẫn với cô gái dương tính với Covid-19 do trùng tên, chị lập tức lên tiếng đính chính tại trang cá nhân để mọi chuyện không đi xa hơn.

“Các chị không tìm hiểu kỹ đã đưa ảnh người ta lên, rồi hùa nhau chửi bới, có biết làm phiền đến người khác lắm không ạ”, chị N. bức xúc.

ca nhiem corona moi o Viet Nam anh 1

Cô gái Hà Nội bị tấn công trang cá nhân vì bị nhầm với bệnh nhân nhiễm Covid-19.

“Mình sinh năm 1990, cả đời chưa bao giờ được sang Anh, cũng chưa được du lịch chuyến nào cả năm nay, chưa có khách sạn mà quản lý, không có lái xe riêng, và không bị ốm sốt gì cả”, chị N. phản bác việc mình là cô gái mà dân mạng nhắc tới.

Khi Zing.vn liên hệ tới, chị cho hay: "Mình sợ quá tưởng bị bắt đi cách ly".

Khi lên tiếng, điều chị N. mong mỏi là mọi người ngừng chia sẻ thông tin sai lệch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tránh làm ảnh hưởng cá nhân khác.

Cô gái cũng cho hay đã nhắn tin cho những người gắn ảnh và tung tin sai về mình để yêu cầu gỡ bỏ.

Tương tự, nhiều người trùng tên với bệnh nhân N.H.N. cũng phải đính chính trên mạng xã hội rằng mình không phải người này để tránh cơn bão tấn công của dân mạng.

Ở một diễn biến khác, cộng đồng mạng tích cực tìm kiếm Facebook, Instagram của cô gái dương tính với Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên, tài khoản của N.H.N. nhanh chóng bị khóa lại.

Lợi dụng tâm lý này, một số trang cá nhân giả mạo đã được tạo nhằm mục đích câu tương tác.

Thậm chí, một vài tài khoản giả mạo còn lên tiếng xin lỗi thay bệnh nhân này. Nhiều người vẫn cho rằng đây là tài khoản thật và ùa vào bình luận chửi bới.

Phải đi đính chính khắp nơi

Tối 6/3, nhiều trang mạng thông tin bệnh nhân N.H.N. trước khi bị đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc đã tham dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa. Nhiều bức ảnh được cho là của người này chụp tại buổi khai trương cửa hàng Uniqlo hôm 5/3.

Tuy nhiên thực tế, người xuất hiện trong bức ảnh được lan truyền là Trần Hồng Hạnh - Á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Trí tuệ Học viện Ngoại giao 2018.

Chia sẻ với Zing.vn, Hạnh khẳng định cô không quen nữ bệnh nhân mới nhiễm Covid-19.

Sự nhầm lẫn này khiến Hạnh bất ngờ vì nhiều bạn bè nhắn tin hỏi han, lo lắng. Ban đầu, 9X không mấy để ý trước những thông tin trên mạng. Nhưng dần dần, cô cảm thấy lo sợ khi thấy hình ảnh của mình bị khoanh đỏ, chia sẻ trên khắp các diễn đàn mạng.

ca nhiem corona moi o Viet Nam anh 2

Trần Hồng Hạnh (áo kẻ) bị loan tin sai là cô gái nhiễm virus corona đầu tiên ở Hà Nội. Ảnh: Ninh Tito.

“Từ hôm qua đến giờ mình phải đi bình luận đính chính vào không biết bao nhiêu bài nhận nhầm người. Quản lý bên Uniqlo đã thông báo với mình là không có sự xuất hiện của nữ bệnh nhân mới nhiễm Covid-19. Bởi vậy mình muốn đính chính để không ai nhầm lẫn”, Hạnh nói.

Hồng Hạnh cho biết thêm trước khi dự sự kiện này, cô đã được đo thân nhiệt và hoàn toàn bình thường.

Trả lời báo chí sau cuộc họp khẩn, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận bệnh nhân N.H.N. không tham dự khai trương cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội như tin đồn.

“Tôi là người trực tiếp trao đổi với cô N. và tôi tin rằng bệnh nhân này sau khi từ Nội Bài trở về đã ở tại địa chỉ nhà riêng tại phường Trúc Bạch từ sáng 2/3. Đến 14h ngày 5/3, lái xe đã chở cô này đến Bệnh viện Hồng Ngọc, sau đó Bệnh viện Dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận người này vào 17h ngày 5/3”, ông Chung nói.

Chủ tịch thành phố cho biết cửa hàng Uniqlo ở Hà Nội khai trương vào 18h ngày 6/3, nên không thể có chuyện người này tham dự.

Bên cạnh đó, một số tài khoản mạng xã hội cho biết đã bắt gặp hình ảnh bệnh nhân N. đến quán bar ở Tạ Hiện vào tối 3/3 và cho rằng cô gái này về từ vùng có dịch nhưng vẫn di chuyển đến những nơi công cộng trước khi phát bệnh.

Trả lời thông tin này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết những hình ảnh cô gái đi chơi trong các quán bar, vũ trường sau khi trở về nước là không chính xác. Đây là những hình ảnh cũ, do bệnh nhân cũng là người tương đối nổi tiếng nên dẫn đến thông tin sai lệch.

Do đó, Bí thư Hà Nội đề nghị công an xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.

"An ninh mạng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Người dân nên theo dõi thông tin chính thức từ thành phố chứ không nên đi nghe thông tin thất thiệt", Bí thư Vương Đình Huệ cho biết.

ca nhiem corona moi o Viet Nam anh 3

Dân mạng Việt tràn vào trang của đầu bếp Nusret Gökçe vì đã gặp cô gái mắc Covid-19 vào năm ngoái. Ảnh: FB.

Đầu bếp nổi tiếng Nusret Gökçe (biệt danh Salt Bae) - người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là chủ chuỗi nhà hàng có chi nhánh khắp châu Âu, Mỹ, Trung Đông - cũng trở thành nạn nhân của tin giả liên quan tới N.H.N.

Do bị khơi lại ảnh chụp với bệnh nhân N. trong dịp cô gái này tới thăm nhà hàng vào năm ngoái, Salt Bae hiện bị nhiều người dùng mạng tràn vào trang cá nhân để bình luận.

"Cẩn thận nhé" là câu bình luận phổ biến nhất trên ảnh của Salt Bae hiện tại. Thậm chí bức hình chụp của N.H.N. với Salt Bae được chế từ rắc muối thành rắc virus.

Tin giả là vấn đề “nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh”

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thông tin sai lệch trở nên phổ biến đến mức Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad cảnh báo công chúng rằng đây là “vấn đề nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh”.

Ông khuyến cáo mọi người nên tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy thay vì những gì lan truyền trên mạng xã hội.

Từ châu Á tới châu Âu, châu Mỹ, các chính trị gia, chuyên gia đều nhận định việc chia sẻ thông tin giả làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh.

Tại Việt Nam, trong khi dư luận xã hội tập trung theo dõi các tin tức từ dịch bệnh, nhiều người dùng mạng đã tung tin thất thiệt, sai sự thật để tăng tương tác, thu hút sự chú ý. Công an đã mời nhiều trường hợp lên làm việc, xử phạt hành chính và yêu cầu đăng bài đính chính trên mạng xã hội.

Trong cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona hôm 30/1, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Công an đã phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận không gây hoang mang, dao động cho người dân và xử lý nhiều trường hợp đưa tin thất thiệt.

ca nhiem corona moi o Viet Nam anh 4

Một người phụ nữ ở Bình Thuận bị phạt 10 triệu đồng vì tung tin sai sự thật về virus corona.

Trong bài viết riêng cho Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia - đưa ra một vài giải pháp để lượng giá thông tin và tránh bị kích động.

- Kiểm tra nguồn thông tin. Thông tin trên mạng rất nhiều, nhưng chỉ có một số nguồn là đáng tin cậy, như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, các trung tâm y khoa nổi tiếng, các tập san khoa học chính thống. Một cách tìm hiểu dễ dàng là đọc phần “About Us” (giới thiệu về website, cơ quan chủ quản, và sứ mệnh).

- Kiểm tra nội dung thông tin, kiểm tra chéo với các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chính thức từ chính phủ Singapore khẳng định đó là tin giả tạo.

- Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính (như “địa ngục”). Ngôn ngữ của họ thường giả bộ khoa học, nhưng không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ những chuyên gia không rõ nguồn và cũng chẳng rõ văn cảnh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh nhiều khi sai về chính tả và ngữ pháp.

- Đọc nội dung chứ không chỉ đọc tựa đề. Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất kỳ chứng cứ nào.

- Kiểm tra hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất có thể siêu vi khuẩn mới xuất phát từ dơi, nhưng hình ảnh ai đó ăn súp dơi không thể giải thích được tại sao dịch bệnh xảy ra. Rất nhiều hình trên mạng xã hội không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin.

'Ghen cô Vy' gây bão và cuộc chiến với Covid-19 theo cách dễ thương

Góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 không có gì là to tát. Nó chỉ cần là điều nhỏ nhặt, đơn giản như tự nguyện cách ly, cho đi chiếc khẩu trang, biến rửa tay thành điệu nhảy gây sốt.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm