Nguyên đơn là PGS.TSKH Phan Dũng, hiện là giảng viên Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.
Phủ định toàn bộ đóng góp của PGS.TS Phan Dũng?
Ông Dũng kiện ĐH Khoa học tự nhiên, nơi ông từng công tác trước đây, cùng với hiệu trưởng Trần Linh Thước và Phan Ngô Hoang - trưởng phòng tổ chức hành chính - vì theo ông, đã xúc phạm danh dự, làm nhục và vu khống đối với ông và buộc ông phải nghỉ hưu.
Theo lời ông Phan Dũng trình bày tại tòa thì Trường đại học Khoa học tự nhiên và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã có 8 văn bản xúc phạm ông và phủ nhận năng lực và đóng góp của ông đối với trường.
Ông Phan Dũng sau phiên xét xử ngày 29/4 . |
Trong đó, có văn bản đề xuất ngày 21/4/2014 của ông Phan Ngô Hoang, theo ông Dũng là hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt, dối trá và vu khống.
Trong văn bản: “Một số đề xuất của phòng tổ chức-hành chính về PGS.TSKH Phan Dũng trên lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển trường, khoa, trung tâm”, ông Phan Ngô Hoang nhận định: “Một PGS.TSKH với chức nghiệp giảng viên nhưng không hoàn thành nhiệm vụ: giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại đơn vị.
Không tham gia giảng dạy tại khoa vật lý trong thời gian ba năm cuối cũng như suốt quá trình. Tham gia giảng dạy cao học hóa học và đã ngưng dạy từ năm 2012 mặc dù số tiết chỉ 30 tiết/năm.
Không tham gia chủ trì, phối hợp nghiên cứu khoa học hay tham gia hội đồng xét duyệt, phản biện, nghiệm thu…
Với chức danh kiêm nhiệm giám đốc Trung tâm sáng tạo khoa học (TSK), vậy trong suốt thời gian 20 năm hoạt động TSK đã đạt được những gì: đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và xã hội…
Thực tế số liệu cho thấy không hiệu quả, cụ thể: nghiên cứu khoa học: không có, bài báo: không có. Sách giáo trình: xuất bản bộ sách “Các thủ thuật sáng tạo cơ bản” do NXB ĐH Quốc gia TP HCM 2012. Các tài liệu còn lại đang lưu hành nội bộ không qua NXB… ”.
Trong báo cáo của ông Hoang thể hiện: “Đúng là phương pháp sáng tạo và kể cả ngành sáng tạo là cần thiết cho sự phát triển nói chung nhưng trong hiện tại có cần thiết phải có PGS.TSKH Phan Dũng để điều hành hay không.
Đặc biệt, nếu thuần túy là đào tạo dưới hình thức như hiện nay thì có cần thiết phải là một người đạt học hàm học vị cao như PGS.TSKH mới chủ trì được trung tâm hay không? Theo tôi là không cần thiết”.
Từ những đề xuất này, hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM đã quyết định không kéo dài thời gian làm việc cho PGS.TSKH Phan Dũng và chuyển sang hưởng chế độ hưu trí vì không đáp ứng nhiệm vụ giảng viên tại khoa và trường”, trong khi đó theo quy định thì với học hàm học vị của PGS-TSKH Phan Dũng sẽ tiếp tục được kéo dài.
Ngoài ra, ông Phan Dũng còn cho biết sau đó trường cắt tài khoản thư điện tử và cắt đi nhiều nguồn thu khác mà đáng lẽ ông được hưởng.
Tuy nhiên, ông không đặt nặng vấn đề bồi thường vật chất nên chỉ yêu cầu bị đơn bồi thường 1.000 đồng kèm lời xin lỗi công khai và đính chính.
Bị đơn phản tố: Chỉ là văn bản nội bộ
Tại phiên tòa, đại diện bị đơn cho rằng không đồng ý với yêu cầu nguyên đơn đưa ra. Các thông tin và văn bản mà nguyên đơn nêu chỉ phổ biến trong nội bộ, không đưa ra ngoài, vậy nên không có căn cứ khẳng định bị đơn có hành vi vu khống, nói sai sự thật cho nguyên đơn.
Bởi các báo cáo này là do phòng ban chuyên môn cung cấp, vì vậy báo cáo có thể đúng hoặc sai. Tự ông Dũng cung cấp cho sinh viên và báo chí nên vụ việc mới được dư luận biết đến nhiều.
Đồng thời, đại diện bị đơn khẳng định việc ông Dũng công bố với báo chí là ảnh hưởng đến uy tín của trường đại học, ban giám hiệu của trường không đưa thông tin này lọt ra ngoài, chỉ là văn bản nội bộ.
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn là Đại học Khoa học tự nhiên cho rằng, trong vụ kiện này đề nghị HĐXX xem xét về vấn đề bị đơn có vu khống không? Theo đó, báo cáo của ông Hoang dựa trên báo cáo của các phòng ban chuyển tới luận báo cáo đều có cơ sở chứ không cảm tính.
Thứ hai, việc nguyên đơn có được giữ lại trường làm việc hay không dựa vào nhu cầu của trường cũng như một số tiêu chí mà một viên chức phải đạt được.
Hơn nữa, Đại học Khoa học tự nhiên không đưa thông tin sai sự thật nên không cải chính. Trường chưa đóng dấu vào văn bản này khẳng định nói xấu về tư cách đạo đức của ông Dũng. Do đó việc yêu cầu xin lỗi, cải chính là không phù hợp với quy định của pháp luật, do đó bị đơn không xin lỗi, không đính chính.
Ngoài những yêu cầu này, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn còn đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn với các nội dung: ai là người cung cấp văn bản thông tin vu khống về trường cho báo chí để báo chí viết bài làm ảnh hưởng đến uy tín của trường?
Tranh luận với luật sư, ông Phan Dũng cho rằng ông có quyền cung cấp thông tin cho báo chí, báo chí có quyền đăng tải các thông tin này và tại tòa bị đơn không đưa ra bằng chứng nào chứng minh nguyên đơn xúc phạm Đại học Khoa học tự nhiên.
Do vụ án phức tạp, có nhiều văn bản do đương sự cung cấp tại tòa nên thời gian nghị án sẽ kéo dài, dự kiến ngày 5/5 tòa tuyên án.
Theo những gì ông Dũng trình bày tại tòa, ông là người sáng lập và làm giám đốc Trung tâm sáng tạo khoa học-kỹ thuật (TSK) thuộc ĐH KH Tự nhiên TP HCM suốt 23 năm qua. TSK là trung tâm duy nhất tại Việt Nam dạy về phương pháp luận sáng tạo - TRIZ và được lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ, Bộ GD&ĐT... quan tâm đến thăm và làm việc. Cho đến năm 2000, TSK là trung tâm duy nhất cả châu Á hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới.
PGS.TSKH Phan Dũng cùng đồng nghiệp dạy hơn 460 khóa phương pháp luận sáng tạo TRIZ cho hơn 20.000 người đủ mọi thành phần kinh tế, xã hội, chuyên môn, chức vụ. Đáng nói hơn cả, đó là tiết kiệm cho xã hội hàng trăm triệu USD vì họ không phải ra nước ngoài học về TRIZ.
Có khoảng 100 bài báo trên các báo trung ương và TP HCM viết về hoạt động đa dạng của TSK. Chính PGS.TSKH Phan Dũng cũng là người có 52 công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng báo cáo hội nghị, bài báo, nhân vật trong bài báo, báo cáo chính… được báo cáo, đăng ở Việt Nam, Nga, Anh, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan…