Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Một ngày, 18 người chết não nhưng không ai hiến mô, tạng’

Mặc dù biết rõ khả năng hiến tạng của những người chết não, các bác sĩ không được quyền động viên thân nhân đồng ý hiến tạng do quy định của luật pháp.

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý", PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người, cho hay ở nước ta, hàng năm có tới khoảng một triệu người bị chấn thương sọ não (trong đó tới 70-80% do tai nạn giao thông).

Thống kê tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện (BV) Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, trung bình một ngày có từ 2-4 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não.

"Có ngày thứ bảy, chủ nhật, tôi trực ở BV Việt Đức, 18 người chết não nhưng rất tiếc là không có trường hợp nào tự nguyện hiến mô, tạng”, PGS Hệ chia sẻ.

Mặc dù biết rõ khả năng hiến tạng của những người không may chết não, các bác sĩ không được quyền động viên thân nhân đồng ý hiến tạng do quy định của luật pháp.

Trong khi đó, hầu hết người Việt có quan niệm chết phải toàn thây nên không có ý định hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Trong 20 năm qua, Việt Nam chỉ có 2.000 người được tiến hành ghép mô, tạng trong khi có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi và hơn 300.000 người bị mù giác mạc không được phẫu thuật cấy ghép.

Ghep tang tu nguoi chet nao anh 1
Đại tá Trần Mười tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAND.

Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho hay tệ nạn mua bán người trái phép ngày càng phức tạp. Hàng chục nghìn vụ mua bán nội tạng người trái phép xảy ra hàng năm, nhưng thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều.

“Chúng tôi đã phát hiện nhiều vụ buôn bán người có quy mô lớn xuyên quốc gia. Gần đây là vụ 17 cháu bé bị đưa sang Đài Loan, hoặc vụ 5 cháu bé sơ sinh ở TP.HCM bị bán sang Trung Quốc. Hàng trăm phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm ở Malaysia... Đây là những dấu hiệu cho thấy tội phạm buôn bán người, thậm chí nguy cơ buôn bán nội tạng là có", đại tá Trần Mười thông tin.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết thêm mỗi ngày nhiều người tới các trung tâm y tế mong muốn được bán nội tạng. Thậm chí, ông từng gặp hai vợ chồng cùng đồng thuận muốn bán thận lấy tiền.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán, kinh doanh nội tạng do những hệ quả khôn lường về mặt xã hội và nhân đạo.

Để tăng nguồn hiến mô tạng, các chuyên gia khẳng định việc này không chỉ tốn 1-2 năm mà phải cần tới 10-20 năm thậm chí nhiều hơn nữa. Muốn vậy, các cơ quan phải làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân.

PGS Hệ tư vấn: "Cần phải dạy cho học sinh nhận thức được ý nghĩa nhân văn của hành động hiến mô, tạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một người chết não với các tạng bình thường có thể tận dụng tất cả các mô tạng cứu sống tới 50 người".

Năm 2013, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng ký hiến tạng. Theo bà kỹ thuật ghép mô tạng của Việt Nam không thua kém nhiều nước có nền y học phát triển nhưng khó khăn về nguồn.

"Là người dân bình thường tôi cũng làm như thế. Còn khi làm quản lý nhà nước, làm người đứng đầu ngành y thì tôi cho rằng việc đó càng thôi thúc và cần thiết, cần đẩy nhanh, mạnh hơn phong trào để có được nguồn tạng hiến ghép cho người bệnh", bà Tiến chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 27/10.

Người bình thường có thể hiến rất nhiều mô (gân, da, giác mạc), tạng (gan, phổi, tim, thận, ruột, tủy). Người chết não, có thể hiến tim, phổi.

Tuy nhiên, người sống muốn hiến mô, tạng thì chỉ hiến được một số bộ phận như:

- Thận nếu nhưng quả thận còn lại hoàn toàn khỏe mạnh.

- Một phần của lá gan.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm