Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một ngày đi ăn cưới thuê ở Hàn Quốc

Dù tiền công không cao, chỉ xấp xỉ mức lương tối thiểu theo giờ, ăn cưới thuê vẫn là công việc hấp dẫn với giới trẻ Hàn vì có thể làm thêm cuối tuần, được ăn tiệc miễn phí.

"Cậu trông thật tuyệt. Chiếc váy đẹp hơn rất nhiều so với bức hình cậu gửi cho mình xem. Những người khác đang trên đường đến", Choi Jae-hee nói với cô dâu khi vừa bước vào phòng chờ tại nơi tổ chức hôn lễ.

Cô dâu đáp lại bằng cách mỉm cười, ôm và cảm ơn Choi vì đã có mặt trong ngày trọng đại của mình. Hai người tỏ ra họ rất thân thiết nhưng thực chất đây mới là lần đầu gặp mặt.

Choi Jae-hee, phóng viên của The Korea Herald, đã thử nhận công việc đóng giả bạn của cô dâu trong đám cưới với giá 15.000 won trong 1,5 tiếng đồng hồ.

an cuoi thue o han quoc anh 1

Dịch vụ cho thuê khách dự đám cưới xuất hiện tại Hàn Quốc từ những năm 2000. Ảnh: NurPhoto.

Choi đã đọc được thông báo tuyển dụng ngắn gọn trên Kakaotalk. "Hong Min-jung, 30 tuổi, làm tại công ty A, tỉnh B. Đám cưới tổ chức lúc 12h30 ngày 27/11 ở Gangnam. Tìm tối đa 10 người bạn. Nếu bạn quan tâm, vui lòng gọi cho chúng tôi".

Choi đã ứng tuyển bằng một CV ngắn gọn có ảnh, tuổi và một vài thông tin cá nhân khác. Cô nhận được điện thoại thông báo trúng tuyển 3 ngày trước đám cưới. Phía tuyển dụng đưa ra một số quy tắc cơ bản mà Choi phải tuân theo như: cần chụp ảnh với cô dâu trong phòng chờ trước hôn lễ, phải tham gia chụp ảnh nhóm sau buổi lễ, không được phép nói chuyện với các thành viên gia đình cô dâu, không được quên hoặc nhầm lẫn tên của cô dâu.

Tại hôn lễ, Choi không phải là "diễn viên bán thời gian" duy nhất. Nhiều người khác cũng được trả tiền để vào vai bạn bè, khách mời của cô dâu, chú rể.

Công việc hấp dẫn

Khoảng 30 phút trước buổi lễ, tại một quán cà phê gần nơi tổ chức đám cưới, Choi gặp 9 khách mời khác của cô dâu.

"Chúng tôi đã được điều phối bởi một người quản lý. Người này thuộc đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê bạn bè, người thân trong các dịp kỷ niệm".

"Hãy chia thành ba nhóm, mỗi nhóm có những vai trò khác nhau - đồng nghiệp tại nơi làm việc, bạn cũ ở trường đại học và bạn thời trung học", người quản lý nói.

Choi bằng tuổi cô dâu nên được xếp vào nhóm bạn thời trung học, cùng với hai vị khách giả khác cũng trong độ tuổi 20.

"Đến giờ, tôi bước vào phòng chờ và lần đầu tiên nhìn thấy cô dâu. Có vẻ như cô ấy đang ở cùng với những người bạn thật và các thành viên trong gia đình. Tiếp đến, chúng tôi trò chuyện, chụp ảnh như thể đã biết nhau nhiều năm".

Việc thuê khách mời để lấp đầy chỗ ngồi trong đám cưới đã xuất hiện ở Hàn Quốc từ đầu những năm 2000.

Sau đó, dịch vụ này đã được mở rộng sang nhiều sự kiện gia đình khác như đám tang, tiệc thôi nôi...

an cuoi thue o han quoc anh 2

Ngành dịch vụ cưới xin bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Yonhap.

Tìm kiếm cụm từ "cho thuê khách dự đám cưới" bằng tiếng Hàn trên Naver, cổng thông tin lớn nhất của Hàn Quốc, bạn sẽ có được một danh sách dài các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.

Chi phí thuê khách qua đại lý là 20.000-30.000 won/người. "Chúng tôi có một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và đảm bảo bí mật hoàn toàn", đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ cho hay.

Người này nói thêm nếu khách hàng yêu cầu, những vị khách được thuê sẽ bỏ phong bì đúng số tiền họ mong muốn. Khoản tiền này phải được gửi cho đại lý khoảng 2 ngày trước đám cưới.

Theo phong tục trong đám cưới của người Hàn Quốc, khách mời sẽ trao những phong bì chứa đầy tiền mặt cho tân nương, tân lang như một món quà.

Dịch vụ cho thuê khách mời nói riêng và toàn bộ ngành công nghiệp cưới xin đã chịu tác động không hề nhỏ bởi đại dịch kéo dài. Nhưng mọi thứ đang được cải thiện sau khi chính phủ Hàn Quốc nới lỏng các quy tắc trong chiến dịch "sống chung với Covid-19" từ ngày 1/11.

Nói dối để giữ thể diện

Dù lương không cao, công việc ăn cưới thuê vẫn được ưa chuộng bởi thường diễn ra vào cuối tuần và cung cấp bữa ăn sang trọng miễn phí.

Song (29 tuổi) cho biết cô kiếm được tổng cộng 60.000 won trong tháng 11 bằng cách tham dự 4 đám cưới.

"Một số cặp trực tiếp tìm người trên các cộng đồng trực tuyến liên quan đến việc lập kế hoạch đám cưới. Những người được thuê trực tiếp, không thông qua cơ quan môi giới thường được trả lương cao hơn".

Song tiết lộ thêm nếu được "chọn mặt gửi vàng" để bắt bó hoa cưới, khách mời giả sẽ kiếm được thêm 3.000 won.

an cuoi thue o han quoc anh 3

Người Hàn từng ưa chuộng tổ chức đám cưới lớn, nhiều khách mời. Ảnh: Brides.

Kết thúc hôn lễ, khách mời di chuyển xuống sảnh tiệc. Ngay sau đó, cặp vợ chồng mới cưới bắt đầu đi đến từng bàn tròn để nhận lời chúc phúc.

"Cảm ơn các bạn đã đến. Hãy gặp nhau khi mình đi trăng mật về nhé", cô dâu nói với Choi Jae-hee trong khi giới thiệu về "nhóm bạn thân thời trung học".

Choi cảm nhận khoảnh khắc này còn quan trọng hơn sự xuất hiện ngắn ngủi của họ trong phòng chờ. Sảnh tiệc không còn ghế trống. Tiếng khách cười nói, chúc tụng tràn ngập hội trường. Đám cưới coi như thành công tốt đẹp.

Yoon In-jin, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, cho rằng trong các nền văn hóa Nho giáo như Hàn Quốc và Nhật Bản, "bộ mặt xã hội" rất được coi trọng, bởi nó gắn liền với danh dự hoặc nhân phẩm của mỗi cá nhân. Trong nhiều trường hợp, thể diện còn được chú ý giữ gìn hơn cả sự thành thật.

"Ý thức cộng đồng đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Các thế hệ cũ đã quen với một đám cưới lớn có nhiều khách mời tham dự, tạo ra gánh nặng cho các cô dâu và chú rể sau này", Yoon nói.

Ngay sau khi rời rạp cưới, Choi Jae-hee nhận được tin nhắn từ công ty môi giới: "Tiền công đã được chuyển. Lễ cưới tiếp theo dự kiến ​​vào ngày 12/12 tại Bucheon, tỉnh Gyeonggi. Hãy nhắn tin lại cho chúng tôi nếu bạn quan tâm".

Nước Mỹ thiếu ông già Noel

Hầu hết người đóng vai ông già Noel đều lớn tuổi và có bệnh nền. Hai năm đại dịch, nhiều người đã qua đời trong khi số khác bỏ nghề để giữ an toàn cho bản thân, gia đình.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm