Tại buổi họp phụ huynh cuối năm học của lớp 4, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đứng dậy có ý kiến, đề nghị giáo viên chủ nhiệm mở lớp dạy hè cho các con đỡ quên kiến thức. Cô giáo lập tức đồng ý và yêu cầu phụ huynh có nguyện vọng đăng ký, lập danh sách học các môn Toán, Ngữ văn, Kỹ năng sống. Thời gian, địa điểm sẽ được cô giáo thông báo trong nhóm mới. Mỗi buổi học sẽ có mức phí 150.000 đồng/học sinh/môn.
Chị Đặng Thùy Trang, năm nay có con lên lớp 5, cho biết gia đình đặt mục tiêu con sẽ dự các kỳ thi tuyển sinh lớp 6 trường chất lượng cao, nên hè này lịch học của con kín mít. “Gia đình mất công đưa đón nhưng dù sao ở nhà con cũng không có hoạt động nào để chơi, thậm chí nghiền ti vi, điện thoại nhiều hơn”, chị Trang nói.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, nói rằng sau một năm học, cha mẹ nên cho con có kỳ nghỉ hè, tham gia các hoạt động thể thao, giải trí, kỹ năng sống… Địa phương không ra văn bản cấm dạy học hè nhưng trước đó đã lồng ghép, tuyên truyền cho các cơ sở giáo dục không dạy học trước chương trình.
Trên các trang mạng, giáo viên công khai đăng tuyển học sinh cho các lớp phụ đạo hè, lớp tiền tiểu học để dạy chữ, làm toán. Có giáo viên còn tổ chức dạy và nhận trông học sinh cả ngày.
Để có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang vừa chỉ đạo các trường học tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Trường học cũng không được dạy trước chương trình. Các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh chỉ được tiến hành sau ngày tựu trường năm học 2023-2024. Riêng với cơ sở mầm non, các trường được tổ chức hoạt động hè trên cơ sở cha mẹ có nhu cầu gửi con, có đơn xin học hè.
Bắc Giang cũng đề nghị các trường tiểu học, THCS phân công giáo viên phụ trách, quản lý học sinh theo địa bàn dân cư. Đồng thời, phối hợp tổ chức hiệu quả công tác bàn giao, tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Lập số điện thoại đường dây nóng để nhận thông tin, xử lý những tình huống bất thường; thông báo số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại cứu nạn, cứu hộ tại địa phương, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 (miễn phí) cho học sinh và cha mẹ học sinh biết.
Các nhà quản lý giáo dục khuyến khích cha mẹ tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho con. Ảnh: Tiền Phong. |
Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục phối hợp chính quyền địa phương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các lực lượng chức năng và cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.
Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu trường học các cấp từ ngày 1/6 đến 31/8 không tổ chức dạy hè, không dạy trước cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 dưới mọi hình thức. Riêng với học sinh lớp 9, lớp 12, trường học xây dựng kế hoạch ôn tập có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra, giám sát một số đơn vị theo kế hoạch của Ban chỉ đạo hè thành phố. Hải Phòng yêu cầu các trường học tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em. Khuyến khích các nhà trường tổ chức CLB văn nghệ, thể thao phù hợp.
Những năm trước, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức trong thời gian nghỉ hè. Trên thực tế, rất khó kiểm soát dạy thêm, học thêm, nhất là khi phụ huynh tập hợp nhóm học sinh nhỏ và mời giáo viên đứng lớp.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên