Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một số vấn đề sau 10 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình

Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi với nhiều thay đổi quan trọng và tích cực, song vẫn còn một số điểm về pháp lý chưa thực hiện được, nhất là với hôn nhân đồng giới.

Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi với nhiều thay đổi quan trọng liên quan tới quyền lợi nam, nữ trong hôn nhân, quan hệ tài sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...

Tuy nhiên, Luật vẫn chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính trong Khoản 2 Điều 8. Sau 10 năm thi hành luật, trong bối cảnh nhiều cặp đôi cùng giới đã và đang kết hôn và lập gia đình với sự ủng hộ ngày càng tăng từ xã hội, việc chưa được thừa nhận về mặt pháp luật tạo nên các tình huống khó khăn cho các cặp đôi đồng giới.

Những vướng mắc trong việc nuôi con, quyền nhân thân

Với những cặp đôi muốn xin nhận con nuôi, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ thủ tục họ phải khai báo về năng lực làm cha mẹ và lý do mong muốn nhận con. Hồ sơ của các cặp đôi cùng giới thường khó được chấp nhận. Do vậy trong nhiều trường hợp, họ phải lựa chọn nhận con nuôi dưới hình thức “mẹ đơn thân” hoặc “bố đơn thân”. Điều này có nghĩa là sẽ chỉ có một người được đứng tên trên giấy khai sinh của đứa trẻ, người còn lại sẽ không có quyền giám hộ hợp pháp với con của mình.

Tại sân khấu tại sự kiện 10 năm của chiến dịch Tôi Đồng Ý, anh Minh và anh Hoàng (Nam Định) cho biết đã bên nhau 20 năm, đang chung sống cùng 2 con nhỏ. Cả hai chia sẻ về tầm quan trọng của quyền pháp lý với con của mình đặc biệt là những khi con ốm đau, phải vào bệnh viện.

Vì không được công nhận là bố trên giấy tờ của con trai mình, nên khi đưa con đi khám, anh Hoàng đã phải nhận những câu hỏi như: Anh là chú à, sao lại khác họ với cháu, sao chú lại biết nhiều về cháu nó thế, bố mẹ nó đâu...

Luat Hon nhan Gia dinh anh 1

Cặp đôi Minh - Hoàng cùng hai con tham gia sự kiện cộng đồng tại Hà Nội.

Khi không có quyền đại diện hợp pháp cho nhau như vợ - chồng, các cặp đôi cùng giới phải đối mặt với nhiều rủi ro trong các tình huống khẩn cấp. Nhiều cặp đôi không thể ra quyết định y tế cho bạn đời khi xảy ra sự cố. Ví dụ như trường hợp của cặp đôi Kiên và Đoàn ở TP.HCM, khi Kiên gặp vấn đề về sức khoẻ và phải đi viện cấp cứu, Đoàn đã không thể đứng ra tiếp nhận kết luận chẩn đoán của bác sĩ cho Kiên vì không phải là người hôn phối hay là người bảo hộ hợp pháp của Đoàn. (Theo nghiên cứu “Sống chung cùng giới”, 2019).

Tương tự như vậy, bạn đời cùng giới cũng không thể được đứng tên làm người thụ hưởng các khoản bảo hiểm dành cho người thân mà nhiều công ty/doanh nghiệp cung cấp cho người lao động. Khi sự việc xảy ra cần làm hồ sơ hưởng bảo hiểm, các cặp đôi LGBT cũng không thể nhận được khoản tiền này do không thể chứng minh được họ là người thân của nhau.

Nghiên cứu “Sống chung cùng giới” của Viện iSEE năm 2019 ghi lại chia sẻ của anh Tiến (người chuyển giới từ nữ sang nam): “Ví dụ có một lần năm ngoái tôi bị gãy chân thì tôi mới ghi bảo hiểm cái người hưởng tiền là vợ. Nhưng mà sau này bảo hiểm tra ra là bà này không đủ tư cách để nhận (vì không có giấy đăng ký kết hôn), họ bắt tôi là phải nhận. Họ bắt tôi phải lôi cái giấy của tôi ra mà nhận không họ không trả. Thế là phải chờ ba tháng sau tôi mới lên lấy tiền chứ vợ không lấy hộ được.”

Tài sản là ‘gánh nặng’ về pháp lý

Với những cặp đôi lớn tuổi hơn và sống chung nhiều năm hơn, khó khăn về thủ tục pháp lý, giấy tờ sở hữu tài sản, nhà đất thể hiện rất rõ nét. Trước tiên là khó khăn trong việc đứng tên sở hữu tài sản nhà đất và đăng ký hộ khẩu khi đã sở hữu nhà đất.

Ví dụ như khi muốn đưa tên của người yêu vào chung hộ khẩu với gia đình, hoặc khi hai người cùng muốn đứng tên trên giấy tờ bất động sản, họ không thể giải thích được với cơ quan chức năng về bản chất quan hệ của họ.

Đức, một người đồng tính nam 37 tuổi sống tại Hà Nội, chia sẻ trong nghiên cứu năm 2019 rằng anh và bạn đời không thể cùng đứng tên sở hữu bất động sản. Khi họ cố gắng giải thích mối quan hệ với chính quyền địa phương, họ không nhận được sự công nhận và bị từ chối việc chuyển hộ khẩu chung​.

Điều này cũng khiến mối quan hệ của họ dễ gặp rủi ro trong trường hợp một trong hai người qua đời, khi mà quyền thừa kế của người còn lại không được bảo vệ.

Dự thảo Báo cáo Sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 của Bộ Tư pháp vào tháng 7/2019 đã đề cập tới việc cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các thể chế liên quan tới việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhằm bảo đảm sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử với họ. Sau 5 năm, dịp tổng kết 10 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình cho thấy đây vẫn là một việc rất cần thiết và cấp bách.

Luat Hon nhan Gia dinh anh 2

Phụ huynh của người LGBT cũng mong muốn con mình có thể kết hôn hợp pháp cùng bạn đời.

Không chỉ cộng đồng LGBTI+ và người thân, mà xã hội Việt Nam cũng đã rất sẵn sàng cho một sự thay đổi luật pháp nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi đáng có của họ và bạn đời. Vào năm 2023, một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 65% dân số Việt Nam ủng hộ hôn nhân cùng giới, đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á. Gần đây, Thái Lan cũng đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện bước tiến này, cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong việc đảm bảo một thể chế hôn nhân bình đẳng cho mọi người.

Phượng An

Bạn có thể quan tâm