Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 đã chính thức khép lại. Khác với những giai đoạn tẻ nhạt trước, thập kỷ này chứng kiến nhiều bước đột phá trong ngành công nghiệp ôtô. Sức mạnh động cơ không còn là cuộc chạy đua lớn nhất giữa các hãng xe. Thay vào đó, nguồn năng lượng thay thế, các công nghệ hỗ trợ là những yếu tố đang được đầu tư phát triển. Sau đây là các xu hướng quan trọng của ngàng công nghiệp ôtô thế giới trong 10 năm qua theo Bob Lutz.
Bob Lutz, tên đầy đủ là Robert Anthony Lutz, sinh năm 1932 và là người Mỹ gốc Thụy Sĩ. Ông từng là lãnh đạo ở 3 hãng xe lớn nhất nước Mỹ: phó chủ tịch của Ford và GM, chủ tịch và phó chủ tịch của Chrysler Corporation. Với thâm niên gần 60 năm trong ngành ôtô, Bob Lutz có cái nhìn rất chính xác khi từng khẳng định xe điện là xu thế của tương lai vào năm 2008.
Buổi bình minh của kỷ nguyên xe điện
Cột mốc quan trọng nhất đối với Bob là sự phát triển của kỷ nguyên xe điện. Vào năm 2010, thị trường xe điện chỉ có vài cái tên như Tesla Roadster, Nissan Leaf và tất nhiên, doanh số của chúng không đáng kể.
Chi phí cho pin cao, mạng lưới trạm sạc còn mỏng và thời gian sạc lâu là những rào cản làm chậm sự phát triển của cách mạng xe điện. Sau một thập kỷ, những rào cản này đã dần được gỡ bỏ và người tiêu dùng cũng "mở lòng" với xe điện. Hiện tại, tất cả hãng xe lớn đều có ít nhất một mẫu xe chạy điện và mở rộng dần dòng sản phẩm này.
Sự trỗi dậy của xe gầm cao
Xu hướng lớn thứ 2 trong thập kỷ vừa qua là sự trỗi dậy của các dòng xe gầm cao bên cạnh sự sa sút của xe gầm thấp. Trước đây, SUV hay bán tải thường được gắn mác hao xăng bởi động cơ dung tích lớn cùng kích thước đồ sộ. Hiện nay, các dòng xe này trở nên thực dụng hơn nhờ kích thước nhỏ gọn và động cơ tiết kiệm hơn. Trên thực tế, một chiếc SUV có thể cho bạn cảm giác lái như một chiếc coupe thể thao với khoang hành lý dung tích lớn.
Không chỉ có các hãng xe sang hay bình dân làm xe gầm cao, các hãng siêu sang hay siêu xe cũng lấn sân sang phân khúc này. Khởi đầu là Bentley với Bentayga, rồi đến Lamborghini Urus, Rolls-Royce Cullinan và mới nhất là Aston Martin DBX. Ferrari được cho là sắp ra mắt chiếc siêu SUV của mình dù trước đó hãng này thông báo sẽ không sản xuất xe gầm cao.
Vấn đề môi trường
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của xe điện là bảo vệ môi trường. Để chống lại sự nóng lên toàn cầu, các tiêu chuẩn về khí thải liên tục được cập nhật ở các nước phát triển.
Loại khí thải được quan tâm nhiều nhất là CO2, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của hành tinh này. Vụ gian lận khí thải của Volkswagen cũng là bê bối chấn động trong ngành công nghiệp ôtô của thập kỷ vừa qua.
Hiệu suất
Sức mạnh không còn là vũ khí quan trọng nhất của các hãng xe nhưng yếu tố này vẫn được quan tâm. Vào năm 2010, 400 mã lực là sức mạnh đáng kinh ngạc thì hiện nay, con số này chỉ mức tối thiểu để chiếc xe được gắn mác "hiệu suất cao".
Bên cạnh đó, khái niệm xe hiệu suất cao còn được gắn cho bán tải, SUV. Ở thập kỷ này, việc tăng hiệu suất phải đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải và tiết kiệm nhiên liệu. Chỉ cần động cơ dung tích 4.0L, kết hợp công nghệ nạp khí cưỡng bức có thể cho ra sức mạnh tương đương động cơ dung tích gấp đôi.
Công nghệ tự lái đặt những viên gạch đầu tiên
Ở vài năm cuối của thập kỷ, chúng ta chứng kiến sự khởi đầu của xe không người lái. Ý tưởng đã có từ lâu nhưng các rào cản về công nghệ đã làm chậm sự phát triển của xe không người lái. Công nghệ tự lái đã xuất hiện trên những chiếc xe của Tesla nhưng chúng vẫn cần có người ngồi ở ghế lái.
Với sự phát triển của công nghệ 5G, xe không người lái sẽ chính xác và an toàn hơn. Một số thành phố trên thế giới đã cho thử nghiệm công nghệ xe không người lái trên các phương tiện công cộng nhằm tiết kiệm nhân lực.
Thập kỷ mới được dự đoán sẽ là sự hoàn thiện của hai công nghệ quan trọng nhất trong ngành ôtô thế giới, chuyển từ công nghệ xe động cơ đốt trong sang công nghệ xe điện, và chuyển từ xe có người lái sang công nghệ xe tự lái hoàn toàn.