Chỉ một năm sau đó, lợi nhuận mang lại từ botox là 564 triệu đô la chỉ tính riêng ở Mỹ và trở thành phương tiện làm đẹp được yêu cầu nhiều nhất. Từ các minh tinh màn bạc, người nổi tiếng cho đến quý bà trung lưu đều mê mẩn loại “thuốc tiên” này.
Tuy nhiên, thân phận botox hiện nay đã như “gió xoay chiều”. Bên cạnh cảnh báo của các nhà khoa học, hàng loạt cuốn sách của cả người nổi tiếng lẫn người bình thường đã thú nhận những kinh nghiệm đầy thương đau khi sử dụng botox. Có thể kể ra một số đầu sách như: 11 lý do tôi không bao giờ sử dụng botox nữa; Những câu chuyện kinh khủng về botox. Những cuốn sách này đều “mách nước” về những lợi ích của việc làm đẹp tự nhiên, thay vì tiêm thuốc vào mặt.
Việc làm đẹp bằng phương pháp tiêm thuốc, mà sản phẩm được biết đến nhiều nhất mang nhãn hiệu botox, bắt nguồn từ chất gây ngộ độc thịt (botulinum toxin A), làm từ một loại vi khuẩn cực độc. Thuốc sẽ làm tê liệt tạm thời các cơ tạo nếp nhăn trên mặt. Botox được cho phép sử dụng tại một số nước để chữa một số bệnh, nhưng không được liệt vào việc xóa nếp nhăn, và hiện nay người ta vẫn chưa rõ tác hại lâu dài của việc sử dụng loại thuốc này.
Nicole Kidman giờ đã nói không với botox. |
Tuy nhiên, botox vẫn “nảy nở” mạnh ở một số nơi. Tại Anh, các cơ sở làm đẹp mọc như nấm sau mưa, các bà các cô tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi tiêm thuốc, đơn giản như đi khám răng. Mới đây, giáo sư Bruce Keogh, Giám đốc y khoa của Bộ Y tế Anh lên tiếng, việc quản lý thuốc tiêm da liễu lỏng lẻo chẳng hơn gì nước rửa sàn nhà. Ông Keogh làm một điều tra về nền công nghiệp làm đẹp và cảnh báo một cuộc khủng hoảng chực chờ ở phía trước nếu các biện pháp kiểm soát không được sớm tiến hành. Hiện tại, ai cũng có thể thực hiện việc tiêm thuốc chống nhăn, kể cả nhân viên không qua đào tạo y tế, dù đây là một loại thuốc cực độc. Giáo sư Bruce Keogh đề nghị chính phủ ra luật chỉ có bác sĩ, y tá và nha sĩ mới có thể cung cấp dịch vụ này. Đồng thời, những ai có ý định làm đẹp phải được kiểm tra tâm lý trước khi thực hiện. Các cơ sở cũng cần phải có các thiết bị cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, các quảng cáo không được sử dụng các từ chung chung như “làm bạn xinh hơn, cảm thấy tốt hơn” mà phải cụ thể.
Hàng năm, có khoảng 200.000 lượt chích thuốc giảm vết nhăn thực hiện tại Anh. Tại Mỹ, con số này là 5,6 triệu vào năm 2011. Trong số đó, một số người chỉ làm theo phong trào. Thậm chí, nếu họ có thấy được kết quả trước mắt, thì đây cũng là một sự theo đuổi tốn kém, một bác sĩ nhận xét, vì kết quả điều trị sẽ giảm dần trong vòng ba tháng. Chưa kể, khi gặp người không có tay nghề, kết quả mang lại có thể là hoàn toàn không mong muốn.
Với Julia Robert: Mỗi gương mặt là một câu chuyện, đừng để gương mặt bạn chỉ kể về những chuyện viếng thăm bác sĩ tiêm botox. |
Có lẽ, các cô gái này nên lắng nghe tâm sự của những người đi trước. Trả lời phỏng vấn một tạp chí Italia, nữ diễn viên Nicole Kidman (46 tuổi), cho biết: “Thật không may, tôi đã sử dụng botox, nhưng giờ tôi thoát ra rồi. Nhờ thế mà tôi có thể cử động cơ mặt được”. Còn nữ diễn viên Gwyneth Paltrow thì cho rằng: “Tôi không bao giờ sử dụng botox nữa, nhìn tôi như người điên”. Cố nghệ sĩ Joan Rivers, qua đời hồi tháng 9/2013, cũng từng thú nhận: “Tôi thôi sử dụng nó rồi, tôi không thể thổi nến sinh nhật được nữa”.
Các trang web y khoa cũng liệt kê các hiệu ứng phụ khi tiêm botox như nhức đầu, khó nuốt, ảnh hưởng đường hô hấp như bị cảm lạnh, cúm, đau mình, buồn nôn, nhức đầu, yếu cơ, ảo ảnh, sụp mí mắt, ngứa và khô mắt, chảy nước mắt, khó cử động cơ mắt và dị ứng ánh sáng. Vài nếp nhăn trên mặt thì có đáng gì so với những khó chịu bất tiện kể trên? Xin mượn lời của "người đàn bà đẹp" Julia Roberts để kết thúc: “Gương mặt của mỗi người là một câu chuyện, đừng để gương mặt bạn chỉ kể về những chuyến viếng thăm bác sĩ tiêm botox”.