Năm 2016 mới chỉ bước qua những ngày đầu tiên nhưng làng nhạc thế giới đã phải chia tay 2 huyền thoại nhạc rock là David Bowie và Glenn Frey. Sau những mất mát to lớn này, nhiều nhà phê bình tỏ ra quan ngại về sự thoái trào của dòng nhạc rock cổ truyền từng rất thịnh hành.
Những năm gần đây, thế giới mất đi khá nhiều cây đại thụ nhạc rock vì tuổi già hay bệnh tật, cùng với đó là sự nổi dậy phát triển của nhạc pop thị trường. Sự kiện tháng trước Scott Weiland – cựu thành viên Stone Temple Pilots – qua đời vì dùng thuốc quá liều và sau đó là lời từ biệt của Lemmy, trưởng nhó Motorhead rồi Bowie và Frey đã khiến người yêu rock trên toàn thế giới vô cùng tiếc nuối.
Sự ra đi của 2 huyền thoại âm nhạc David Bowie và Glenn Frey là một mất mát lớn của làng nhạc thế giới. |
Những năm qua, rất nhiều nghệ sĩ đã qua đời trong đó chủ yếu là vì ung thư hay đột quỵ. Nhiều người đổ lỗi cho đời sống ăn chơi hưởng thụ của các siêu sao trên khi họ còn trẻ khiến họ tự rước bệnh vào người, nhưng suy cho cùng không ai tránh khỏi quy luật của thời gian.
Nhưng vẫn có những gương mặt kỳ cựu làng rock rất tâm huyết với nghề và đang sáng tạo không mệt mỏi. Đó là Bob Dylan, Neil Young, Bonnie Raitt, Keith Richards và Leonard Cohen hay Paul McCartney. Trong đó, Cohen đã 81 tuổi nhưng vẫn đứng vững trên sân khấu. Nhưng khi những tên tuổi trên khuất bóng, ai sẽ là người kế nhiệm họ, hay đây sẽ là hồi chuông kế thúc của một thế hệ đã cống hiến những viên gạch quan trọng đặt nền móng cho âm nhạc đại chúng toàn cầu?
Liệu những chất liệu âm nhạc như country, blues, R&B… có đánh mất chỗ đứng và để hip-hop, punk, indie, pop…, xoán ngôi khi ảnh hưởng của những gương mặt trẻ như Rihanna, Adele, Kendrick Lamar hay Alabama Shakes trong làng nhạc hiện đại là ngày càng lớn.
Nhưng nhìn trên phương diện tích cực, đó chính là quy luật tiếp biến của văn hoá và nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật đại chúng. Những thế hệ cũ dừng chân, sẽ luôn có những thế hệ mới thế chỗ và toả sáng.