Thuyên tắc phổi là tình trạng cục máu đông làm tắc mạch máu ở trong phổi. Ảnh: Gornalak. |
Thuyên tắc phổi là tình trạng cục máu đông làm tắc mạch máu ở trong phổi. Chúng thường gây ra bởi cục máu đông được hình thành từ một tĩnh mạch (thường là ở cẳng chân hoặc vùng chậu hoặc ít phổ biến hơn là ở cánh tay) và di chuyển theo dòng máu tới phổi.
Mỗi năm, ở Mỹ, thuyên tắc phổi ảnh hưởng khoảng 370.000 người và gây tử vong 60.000-100.000 người.
Các triệu chứng của thuyên tắc phổi
Bệnh nhân có thuyên tắc phổi nhỏ thường không có triệu chứng. Với các thuyên tắc phổi lớn thường gây ra khó thở, đau ngực. Các triệu chứng lâm sàng hô hấp khởi phát đột ngột (khó thở, thở nhanh, đau ngực, ho máu, khò khè…).
Thuyên tắc phổi rất lớn có thể ngăn cản khả năng vận chuyển máu từ tim đến phổi và gây ra huyết áp thấp (gọi là sốc), ngất hoặc tử vong.
Các yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi bao gồm tiền sử bản thân hoặc gia đình có bệnh lý hình thành cục máu đông, đang mắc ung thư, sử dụng các thuốc tránh thai có chứa estrogen, phụ nữ mang thai, hoặc sau sinh (có thể tới 3 tháng sau sinh).
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi bao gồm phẫu thuật gần đâu, chấn thương, gãy xương hoặc bất động (ví dụ di chuyển bằng máy bay hoặc xe hơi dài thời gian).
Bước đầu tiên để chẩn đoán là xác định khả năng có thuyên tắc phổi hay không, sử dụng các thang điểm chuẩn hóa hoặc ý kiến của các bác sĩ lâm sàng. Bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc phổi thấp hoặc trung bình được thực hiện xét nghiệm D-Dimer, đây là sản phẩm chuyển hóa của cục máu đông. Nếu D-Dimer thấp, không cần làm thêm xét nghiệm khác.
Thuyên tắc phổi trên phim chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi. Ảnh: BSCC. |
Xét nghiệm hình ảnh được thực hiện ở tất cả bệnh nhân nguy cơ thuyên tắc phổi cao và những người có nguy cơ thấp hoặc trung bình nhưng D-Dimer tăng cao. Xét nghiệm hình ảnh được ưa chuộng là chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi có sử dụng chất cản quang đường tĩnh mạch để xác định cục máu động ở động mạch phổi.
Điều trị thuyên tắc phổi như thế nào?
Điều trị thuyên tắc phổi cần sử dụng các thuốc chống đông máu. Bệnh nhân cần sử dụng các thuốc này ngay khi có chẩn đoán thuyên tắc phổi và thường dùng kéo dài 3-6 tháng. Bệnh nhân có kèm theo các yếu tố nguy cơ thuyên tắc phổi dai dẳng (các rối loạn đông máu di truyền) có thể điều trị kéo dài, thậm chí là suốt đời.
Bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong do thuyên tắc phổi (có sốc) và không có nguy cơ cao chảy máu được điều trị bằng các thuốc ly giải cục huyết khối (thuốc tiêu sợi huyết). Các lựa chọn điều trị khác bao gồm lấy cục máu đông qua ống thông hoặc phẫu thuật.
Thuyên tắc phổi là một cấp cứu nội khoa nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh không hiếm gặp nhưng khó chẩn đoán do không có triệu chứng đặc hiệu. Việc chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời giúp làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh,
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.