Tại phòng làm việc, tiếp phóng viên, ông Trịnh Minh Đức, Phó hiệu trưởng THPT Gia Nghĩa buồn rầu đưa ra kết quả học tập kém cỏi của học sinh cả 3 khối lớp: “Những học sinh thôi học, bỏ học có cả ở 3 khối lớp, nhưng đông nhất vẫn là khối 10. Thật đau khi phải cầm bút ký buộc các em thôi học.
Ban Giám hiệu nhà trường xác định nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh bỏ học hàng loạt là do học lực yếu. Ảnh minh họa: Tiền Phong. |
Năm học 2014 - 2015 toàn trường thực tế có gần 120 em bỏ, ngừng, nghỉ học vì nhiều lý do. Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đến trường rút hồ sơ về. Chúng tôi không biết số học sinh này chuyển đến trường khác hay thôi học”, ông Đức nói.
Ban giám hiệu nhà trường xác định nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh bỏ học hàng loạt là do học lực yếu. Ông Đức giải thích, học sinh yếu không phải do năng lực của đội ngũ giáo viên mà do khâu đầu vào kém chất lượng.
“Ở thị xã Gia Nghĩa có 4 trường THPT, bao gồm 2 trường tỉnh, 2 trường của thị xã. Đầu năm học, những học sinh có học lực khá hầu hết đều nộp đơn, thi vào trường Chu Văn An, trường chuyên Nguyễn Chí Thanh. Trường THPT Gia Nghĩa của chúng tôi là nơi “vét” hết số học sinh thi trượt nên chất lượng đầu vào rất kém!".
Theo tìm hiểu của phóng viên, trường THPT Gia Nghĩa có những lớp mà tổng kết cuối năm chỉ dăm ba em đạt học lực loại khá. “Đi họp phụ huynh, nghe giáo viên chủ nhiệm báo cáo kết quả học tập của con mà lòng ngao ngán. Lớp con trai tôi chỉ có 2 cháu học khá, còn lại toàn trung bình và yếu”- Bà Nguyễn Thị Hiên mẹ của Bùi Minh Quang học sinh lớp 10 A3, ngụ tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, cho biết.
Trường THPT Gia Nghĩa nhận vào những học sinh có hộ khẩu ở thị xã Gia Nghĩa và các huyện lân cận, nhiều nơi học sinh cư trú cách trường tới vài chục cây số. Gia đình bà Nguyễn Thị Trâm ở thôn 5, xã Trường Xuân có con là em Nguyễn Hồng Thủy, lớp 10 A5, bị thôi học vì học lực yếu, bỏ lên lớp dài ngày.
“Ba mẹ thuê cho em một căn phòng gần trường. Em ở với 2 bạn cùng lớp. Đêm nào chúng em cũng đánh bi-a, chơi game thâu đêm, suốt sáng. Sáng mai chỉ muốn nằm lì trong phòng để ngủ chớ không đến lớp !”-
Thủy kể, rồi nói luôn: “Em không đi học nữa. Vì học không vào, không tiếp thu được. Em sẽ nghỉ một thời gian, sau đó đi học nghề”.
Bà Trâm thở dài: “Lớp con trai tôi chỉ có 1 em thi được điểm 6, còn lại toàn điểm 5 và dưới 5. Thằng Thủy bỏ học được một tuần giáo viên chủ nhiệm mới thông báo cho gia đình biết”.
“Năm học 2014 - 2015 các trường toàn tỉnh báo cáo tỷ lệ học sinh bỏ học, trường THPT Gia Nghĩa đứng đầu. Học sinh bỏ học nhiều vì ảnh hưởng tâm lí khi học xong không biết làm gì; nhiều em ở nhà giúp gia đình làm rẫy; học lực yếu… Nhưng, học sinh học yếu trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường. Vì liên quan đến chất lượng giáo dục!” - Ông Lê Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông khẳng định.