
"Mình có rất nhiều Baby Three mới khui do muốn tìm con secret (bí ẩn - PV) nên giờ cần đổi một số vật dụng sau để tặng cho viện dưỡng lão tình thương: tã giấy cho người lớn, khăn giấy, dầu gió, cháo ăn liền, bột giặt. Nhận đổi trực tiếp ở Bình Thạnh (phường 19) và Gò Vấp (phường 16). Còn hộp và card (thẻ) đầy đủ. Mình có thể hàn miệng túi lại như mới cho các bé nhà bạn xé".
Đó là nội dung bài đăng của chị Loan (quận Bình Thạnh) trong nhóm Facebook chuyên trao đổi, xin - tặng đồ dùng tại TP.HCM.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Loan cho biết chị có hơn 60 búp bê Baby Three, giá trung bình 300.000-500.000 đồng/con, hiện đã đổi được hơn 30 bé để lấy nhu yếu phẩm.
Người mẹ một con không tiết lộ số lượng hàng hóa đã đổi được. Có bao nhiêu, chị đều mang tặng, cộng phần góp thêm của cá nhân và mạnh thường quân khác.
![]() |
Chị Loan (ngoài cùng, bên phải) đổi Baby Three lấy nhu yếu phẩm để làm từ thiện. |
Giống như chị Loan, sau khi hết hứng thú với món đồ chơi hot trend, nhiều người săn Baby Three cũng nhanh chóng bán lại hoặc trao đổi những mẫu "bé ba" sau khi xé túi. Trong khi nhiều người có thể hồi vốn, thậm chí có lời khi rao bán các mẫu hiếm, một số lại khá khó khăn để đổi lấy đồ mình thích hoặc chọn giữ lại để làm kỷ niệm.
Đổi 'bé ba' lấy 3 lốc sữa
Chị Loan cho biết bản thân là người có thu nhập ổn định và coi việc xé túi mù là một sở thích bình thường.
"Tôi nghĩ mỗi người đều có sở thích riêng. Miễn không làm gì ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội là được", chị trả lời khi nhắc đến các tranh cãi có nên mua Baby Three hay không.
Khi hết hứng thú, nếu không mang đi đổi nhu yếu phẩm để làm từ thiện, chị Loan cũng mang Baby Three tặng cho bạn bè, người thân.
![]() |
Chơi chán, Hoàng Nhi rao đổi các mẫu Baby Three lấy món đồ chơi khác hoặc nhu yếu phẩm. |
Từ đầu tháng 1, Hoàng Nhi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đăng bài lên các nhóm trên mạng xã hội để tìm người trao đổi Baby Three. Cô muốn đổi mẫu 400% hình gà con để lấy mẫu búp bê khác.
Tự nhận xét bản thân không quá hứng thú với thể loại đồ chơi blind box (túi mù), Hoàng Nhi cho biết "bé ba" đầu tiên cô có được là nhờ bốc thăm trúng thưởng ở công ty vào ngày 6/12 năm ngoái, chính là mẫu gà con 400%.
Sau đó, cô mua thêm 3-4 bé để trải nghiệm cảm giác khui túi mù - trào lưu rầm rộ trên mạng xã hội.
Đến nay, Nhi không mua thêm hộp Baby Three nào khác vì không có ý định sưu tầm.
Không còn hứng thú với những blind box Baby Three nhưng vẫn có đam mê với nhiều loại búp bê dễ thương, Hoàng Nhi nảy ra ý định lên Facebook tìm người đổi đồ chơi.
Cô đăng hình Baby Three gà vàng 400%, mẫu côn trùng và trái cây 100% để đổi lấy mẫu thỏ mắt rưng yêu thích, hoặc nhu yếu phẩm.
"Mẫu gà vàng 400% thì tôi muốn đổi thỏ mắt rưng. Các mẫu nhỏ hơn muốn đổi 3 lốc sữa tươi. Hiện giờ chưa có mẫu dễ thương hơn nên tôi chưa đổi bé gà, còn các mẫu côn trùng, trái cây đã đổi được vài con", Nhi tiết lộ.
Baby Three đã hết thời?
Bắt đầu chơi Baby Three từ tháng 10/2024, Thông Thông (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở Phú Yên) ước tính đã chi khoảng 30 triệu đồng để đập hộp "bé ba".
"Lần đầu tôi chơi là thông qua một game trên Facebook, trúng được hộp Thỏ thị trấn. Đến bây giờ để đếm đã mua bao nhiêu con chắc không nhớ nổi, vì tôi mua đi bán lại liên tục", Thông bày tỏ, nói thêm rằng việc bán lại thường xuyên trên hội nhóm giúp anh gần như không tốn kém khi theo trend này.
Thông mô tả việc bán lại trên mạng khá dễ dàng, nếu mẫu của mình đẹp hoặc chấp nhận bán giá rẻ hơn. Với những mẫu hiếm hay mắt nước, bán lại sẽ có lời khi giá cao hơn lúc mua hộp mù gốc.
![]() |
Thông đã chi khoảng 30 triệu đồng để đập hộp các "bé ba". |
Thông cho biết mình từng khui gần hết các mẫu Baby Three, thích nhất là dòng Lucky Cat (mèo thần tài) và V1 400%.
Tuy nhiên, anh chàng 30 tuổi cũng bán đi gần hết, chỉ giữ lại những con secret, mắt đẹp, thuộc lô sản xuất đầu vì hiếm. Anh đánh giá chất lượng sản phẩm lô đầu khá cao.
"Đến hiện tại, những mẫu mới ra tôi không chơi nữa vì chất lượng Baby Three giờ khá kém", anh thất vọng nói.
Song Thông không đồng tình với với một số quan điểm được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian gần đây, cho rằng "Baby Three đã hết thời, qua trend".
"Tôi không dám nhận là những người chơi Baby Three từ lúc mới ra, nhưng cũng chơi đủ lâu để cảm nhận. Không phải Baby Three hết hot, hết thời mà thực tế chất lượng sản xuất càng ngày càng kém", anh bày tỏ.
Thông quan sát thấy hàng restock (tái sản xuất) có form (hình dáng) xấu, kém chất lượng, màu mặt nhợt nhạt (như dòng Thỏ thị trấn, Macaron, Mèo thần tài, 400% V1); Hàng mới ra gia công kém, ví dụ dòng V2 400%, Noel 400% có khớp tay dây thép, bàn tay bàn chân thì quấn dây rút, form xấu và ọp ẹp.
Anh cho rằng công ty sản xuất ra mẫu mới liên tục, nhằm "vắt sữa" thị trường, song mẫu mã nhiều mà chất lượng kém dần khiến người chơi thất vọng.
"Nói chung không phải người chơi ít đi, mà họ là người thông minh và dần quay lưng lại với các sản phẩm kém chất lượng. Bỏ ra tới nửa triệu đồng mua về mấy con gấu còn thua xa gấu bông vài chục nghìn đồng trên sàn thương mại thật không đáng", anh kết luận.
![]() ![]() |
Thông giữ lại các mẫu đặc biệt và custom (thiết kế) để búp bê trông độc đáo hơn. |
Thú vui khó bỏ
Dù thất vọng với chất lượng các lô hàng mới, Thông vẫn coi Baby Three là một kiểu art toy (đồ chơi nghệ thuật) bởi chúng mang tính chất sưu tầm. "Bé ba" rẻ và dễ mua bán hơn các mẫu búp bê khác, nên người chơi cũng mở rộng từ trẻ em đến người lớn, người có thu nhập thấp đến cao.
"Nếu nói là lãng phí thì không hẳn, vì đồ chơi nào cũng dễ bị cho là tốn tiền. Nhưng nó cũng đem đến giá trị tinh thần, niềm vui và sự bất ngờ", Thông nhận xét.
Còn đối với Amor Liongco Garcia (người Philippines), giáo viên tiếng Anh kiêm ca sĩ tự do tại TP.HCM, niềm vui khi đập hộp Baby Three và các dòng blind box khác dường như ngày càng tăng lên.
![]() |
Amor ngày càng thích thú với việc xé túi mù. |
"Tôi sẽ không bao giờ chán việc sưu tập những món đồ chơi này. Chúng quá đáng yêu và khiến đứa trẻ bên trong tôi cảm thấy rất hạnh phúc", cô nói.
Mua hộp "bé ba" đầu tiên vào tháng 9/2024, đến nay, Amor đã chi gần 40 triệu đồng cho thú chơi xé túi mù.
Hiện tại, Amor đã sưu tầm được 1 bộ full Nommi, 3 bộ full Baby Three, 2 Labubu, 2 bộ full Dumia Ula, 2 bộ full Bao Ao, 1 bộ Migo, 1 bộ full Lilla’s Cat, 1 bộ Lilla’s Zoo, 1 bộ Emma, và một Nommi 400%.
"Tôi thường mua ngẫu nhiên dọc đường và đem làm quà tặng bạn bè nữa", nữ giáo viên chia sẻ.
Amor giữ lại phần lớn những con búp bê xé được. Với những món đã chán, Amor có thể gửi về cho gia đình ở Philippines.
"Mở túi mù là trải nghiệm đầy hồi hộp. Sự phấn khích thường đến từ yếu tố bất ngờ và cảm giác mong chờ xem bên trong có gì. Nó như một cuộc săn kho báu, nơi mỗi hộp đều có thể chứa một món đồ độc đáo hoặc hiếm. Tôi thích cảm giác sưu tập và niềm vui khi tìm thấy món đồ đặc biệt mà mình mong đợi", cô nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.