Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua đề thi ‘chợ đen’, nhiều học sinh bị trấn lột

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho biết, vì ham điểm cao, nhiều học sinh bị kẻ xấu lừa đảo, trấn cướp khi mua đề thi giả của người lạ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Phó trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam cho biết: "Trong quá trình tư vấn học đường cho một số học sinh THCS và THPT ở TP HCM, cũng như các tỉnh thành lân cận, chúng tôi phát hiện những cái bẫy lừa đảo".

Theo đó, kẻ xấu tìm cách tiếp cận học sinh, nói thân với thầy cô giáo trong trường học và biết trước đề thi kiểm tra học kỳ, thậm chí đề thi đại học.

Vì ham điểm số cao, học sinh dễ rơi vào bẫy. Nhiều em bị lừa mất tiền, mua phải đề giả. Có trường hợp mất xe, ví, thậm chí, không ít học sinh bị thương tật sau khi kẻ xấu trấn cướp.

"Tôi nhớ mãi ba trường hợp bị lừa vì muốn biết trước đề thi. Đó là một chuyên viên tư vấn từng bị lừa mất xe đạp thời học sinh; vụ học sinh bị mất cặp và mất xe đạp; một học sinh nam bị mất bóng rổ và cặp cùng túi tiền", tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn kể.

Những vụ việc trên không quá phổ biến nhưng đã xảy ra trong thực tế. Nhiều học sinh bị lừa không kể với người thân, thầy cô, bạn bè, vì tâm lý lo sợ, xấu hổ, nên hiện tượng này chưa được phổ biến rộng để mọi người biết, rút kinh nghiệm.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn dựng lại tình huống học sinh bị cướp xe đạp vì muốn mua đề thi, qua đó tư vấn cho học sinh.

Theo ông Sơn, khi bị lừa, các em sợ hãi, căng thẳng. Tâm lý này khiến nhiều em dễ mất niềm tin, mệt mỏi, lo lắng. Nặng hơn, một số em căng thẳng, thậm chí hoảng loạn…

Hơn thế, tâm lý bực bội và sự tiêu cực trong cảm xúc có thể làm cho người bị lừa buồn chán, dễ nảy sinh những phản ứng thiếu kiểm soát. Điều đó dẫn đến những phản ứng tâm lý thiếu cân bằng…

Tiến sĩ tâm lý này cũng cho rằng, học sinh tìm đến “đề thi chợ đen” do tham điểm, lo lắng thái quá vì áp lực học tập, hay sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô. Học tập là quá trình lâu dài, khó khăn nhưng có mục tiêu. Điểm số cũng là yêu cầu hấp dẫn nhưng không phải tất cả. Đừng vì điểm số mà mắc bẫy kẻ xấu.

Thêm nữa, điểm số không tương ứng thực lực, sẽ không giải quyết được vấn đề của chính mình trong quá trình học. Vì thế, các em cần tự học, cố gắng thay vì chỉ muốn điểm cao mà không cần lao động.

"Các em đừng tự gây áp lực, đặt ra mục tiêu quá cao mà chỉ cần cố gắng hết sức, tuyệt đối không tin vào lời những kẻ lạ mặt bán đề thi, vì chắc chắn đó là lừa đảo", ông Sơn nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn đã làm clip xuất phát từ những câu chuyện có thật về lừa đảo đề thi. Trong đó, chuyên gia tâm lý này đưa ra lời khuyên khi học sinh không may mắc bẫy:

Khi gặp tình huống nguy hiểm, bị kẻ lạ mặt đưa đi xa, hãy bình tĩnh, hít sâu, nhìn thẳng vào đối tượng, trấn an bản thân, tìm cách kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Nếu kẻ xấu lừa đưa đi xa, vào những con hẻm khác nhau, việc tìm cách đánh lạc hướng rất cần thiết. Chẳng hạn giả vờ rơi đồ, để đối tượng dừng xe, khi ấy, học sinh kêu lên nếu chỗ đó đông người. Tiếp theo, các em hãy chia sẻ với người lớn, thậm chí báo công an.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm