4 năm đi làm, tôi cuối cùng đã có 2 ngày cuối tuần trọn vẹn dành riêng cho mình.
Lần đầu tiên, tôi đọc một mạch hết 2 cuốn sách. Lần đầu tiên, tôi phát hiện từ sân thượng của khu nhà trọ có thể ngắm hoàng hôn. Và cũng lần đầu tiên, tôi biết hóa ra khu thương mại ở cạnh nhà có hình dáng chiếc phi thuyền chứ không phải khối rubik kỳ dị như vẫn nghĩ.
Quá nhiều lần đầu tiên cho những điều tưởng như vụn vặt nhưng khiến tôi tự thấy mình thật tinh tế và có mắt quan sát. Thế nhưng oái oăm thay, tôi cũng lần đầu tiên cảm thấy biết ơn mùa dịch này. Bởi nhờ nó, tôi đang làm được những việc mà trước giờ chỉ ao ước.
Hoàng hôn trên sông Sài Gòn. Ảnh: Thợ Chụp Ký Ức. |
Giấc mơ của người hướng nội
Chưa bao giờ từ chối các cuộc hẹn xã giao với khách hàng, người quen, bạn bè thân sơ, những bữa ăn đầy nghĩa vụ và trách nhiệm với đồng nghiệp, cấp trên lại dễ dàng như thế.
Đám cưới đều đã bị hủy nên chẳng còn những thứ 7, chủ nhật phải lăn tăn bữa nay mặc gì, bỏ tiền mừng bao nhiêu.
Và cũng chưa bao giờ tiếng nói của tôi và sếp lại đồng điệu với nhau đến thế: Không tăng ca, không làm thêm giờ và tuyệt nhất càng ít tiếp xúc càng tốt.
Tất nhiên, đồng nghĩa với sự đồng điệu đó có đôi chút ảm đạm, tôi biết, mức thu nhập năm nay sẽ không được như năm ngoái.
Vẻ tĩnh lặng của thành phố trong những ngày dịch. Ảnh: Thảo Ly. |
Thế nhưng, tất cả vẫn như một giấc mơ. Với những người hướng nội như tôi, đây là cơ hội hoàn hảo để tận hưởng cảm giác một mình, cảm giác sống chậm và lặng lẽ.
Không rõ vì đường phố tĩnh lặng hay lòng an yên hơn, những ngày gần đây, tôi lại nghe được tiếng chuông nhà thờ cách vài con phố, ngắm được ánh hoàng hôn khi ngang qua cầu Bình Lợi.
Dường như không chỉ tôi mà cả thành phố cũng đang sống chậm lại giữa mùa dịch này. Cái sự điềm yên của Sài Gòn vốn chỉ tìm thấy trong những ngày lễ Tết nay có thể cảm nhận ngay trên những con đường thong dong vào giờ cao điểm.
Tìm lại những sở thích
Tranh thủ 2 ngày cuối tuần được thảnh thơi ở nhà, tôi dọn lại phòng ốc và sẵn tiện xếp lại đồng sách bỏ xó lâu ngày, phủ đầy bụi. Chồng sách gần 20 cuốn, tự mua có, được tặng có và điểm chung là chưa bao giờ đọc hết, nhiều cuốn thậm chí còn yên ắng trong lớp bao nylon.
Xếp lại giá sách, tôi chợt nhớ rằng mình cũng từng một thời mê đọc sách và đặc biệt thích hít hà mùi sách mới. Nhưng hình như kể từ lúc đi làm đến nay, số sách tôi đọc trọn vẹn chưa quá 10 đầu ngón tay.
Đọc sách chỉ là một trong số những thói quen, sở thích tôi đã tìm lại sau khoảng thời gian được khuyến cáo hạn chế tụ tập, ra khỏi nhà. Tôi còn bắt đầu tập chơi lại guitar và đi chợ, lên mạng mày mò học nấu ăn mỗi tối.
Những tia nắng đầu tiên chiếu rọi lên cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: Thợ Chụp Ký Ức. |
Nói chuyện với nhiều đồng nghiệp, bạn bè, tôi phát hiện ra rằng có lẽ không chỉ riêng mình cảm nhận được điều tích cực trong cơn đại dịch.
“Chắc chưa bao giờ anh ở nhà với vợ và mấy đứa nhỏ nhiều như bây giờ”, một anh đồng nghiệp nói với tôi cách đây mấy ngày. Mùa dịch mang đến không ít phiền toái nhưng chí ít, nó đã kéo anh rời xa bàn nhậu để trở về với vợ con ngay sau giờ làm.
Bỏ lại đằng sau những con số không ngừng tăng về ca nhiễm hay người tử vong vì dịch khiến chúng ta lo sợ mỗi ngày, tôi thích đọc và nghĩ về những điều tích cực hơn.
Tại Italy, dịch bệnh khiến người dân không thể bước chân ra đường, song chẳng thể ngăn được sự lạc quan, tình yêu âm nhạc. Họ mang đàn ra ngồi ở ban công và cùng hàng xóm hát hò, nhảy múa.
Còn ở Tây Ban Nha, đất nước của tinh thần thể thao và những lễ hội bò tót, cư dân tự cách ly trong nhà nhưng không quên các bài tập thể dục.
Câu nói “trong cái rủi lại có cái may” suy cho cùng xuất phát từ tinh thần lạc quan, ý chí không bỏ cuộc của con người. Nên có lẽ vì vậy, tôi lại cảm thấy may mắn hay chí ít là hy vọng trong đợt dịch này.