Nhiều người chi số tiền lớn để săn hàng giảm giá dịp 11/11. Ảnh: Phương Lâm. |
Nhìn đồng hồ, còn 20 phút là bước sang ngày mới, Lan Vân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã cầm điện thoại trên tay, sẵn sàng bước vào "cuộc chiến săn sale" bắt đầu lúc nửa đêm.
Với cô, 11/11 là ngày đại hạ giá đáng chờ đợi nhất năm. Dù còn có một loạt đợt sale dịp khác như Black Friday, 12/12, Giáng sinh diễn ra liên tục, cô chủ yếu mua vào đợt này.
Trong lúc đợi chờ, Vân tranh thủ xem đã nạp đủ tiền vào thẻ ngân hàng, ví điện tử chưa, kiểm tra phiếu giảm giá, mã vận chuyển miễn phí nào chưa thu thập hay không.
“Khung giờ 0-2h là khoảng thời gian nền tảng thương mại điện tử mình hay mua sắm tung ra những deal hời nhất. Vì vậy, dù buồn ngủ đến đâu mình cũng phải cố thức để canh sale”, Vân giải thích.
Trong đó, chiếc máy sấy đến từ thương hiệu của Nhật Bản có giá 1,8 triệu đồng và cặp dầu gội có giá gần 1 triệu đồng là hai món mà cô quyết tâm rinh về đợt này.
Nhiều người trẻ lên kế hoạch từ trước, chi phần lớn thu nhập cả tháng cho dịp sale 11/11. |
Trong vòng 2 tiếng mua sắm lúc đêm khuya, Vân đã chi khoảng 4,5 triệu đồng - hơn nửa lương tháng - cho gần 10 đơn hàng.
Đây cũng là lần tốn kém nhất trong những lần Vân tham gia săn sale trên sàn thương mại điện tử.
"Mình đã ngắm trước các sản phẩm này từ lâu và chờ tới đợt sale mạnh này. Ngoài ra, nhiều hãng mỹ phẩm cao cấp cũng giảm giá sâu vào ngày Độc thân", cô nói thêm.
Không ít người cũng mang tâm trạng giống Lan Vân trong những ngày sale lớn trong năm, đặc biệt vào dịp 11/11, khi tất cả sàn thương mại điện tử lớn đồng loạt có chương trình giảm giá hấp dẫn.
Để mua được món hàng với ưu đãi "khủng", họ lên kế hoạch từ trước, sẵn sàng thức đêm để "chớp" cơ hội thanh toán thành công nhanh nhất. Nhiều người thậm chí chi phần lớn thu nhập cả tháng cho dịp này.
Lên chiến lược săn sale
Số liệu do đơn vị nghiên cứu thị trường Milieu Insight công bố đầu năm nay cho thấy tại Việt Nam, có đến 81% người được hỏi nói rằng mua hàng online đã trở thành thói quen. Khoảng 85% người tham gia khảo sát nói rằng chi nhiều tiền hơn cho mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo dữ liệu khảo sát của DPD Group - công ty chuyển phát bưu kiện quốc tế có trụ sở tại Pháp - người Việt Nam có lượng đơn mua hàng trực tuyến trung bình 104 lần/người/năm. Con số này cao gấp nhiều lần so với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Philippines hay Thái Lan.
Cuối năm, các sàn thương mại điện tử cũng tung ra nhiều đợt giảm giá liên tiếp để thu hút khách hàng, kích cầu mua sắm như 10/10, 11/11, 12/12, Black Friday.
Lan Vân đã đặt 10 đơn hàng trong 2 tiếng săn sale 11/11. |
Theo Lan Vân, 11/11 là ngày hội thu hút rất đông người mua sắm, vậy nên cần có chiến thuật để săn được nhiều hàng, với mức giá rẻ nhất có thể, quan trọng là phải nhanh tay.
Kinh nghiệm của Vân là mua những món deal hời nhất đầu tiên bởi nếu chậm chân, cô dễ bị hụt mất món đồ yêu thích vào tay người khác. Một là không mua được hàng, hai là phải chờ nhà bán hàng cung cấp thêm sản phẩm rồi vào mua lại.
Việc sử dụng các mã giảm giá cũng cần có sự tính toán, như áp dụng "voucher" nào thì giúp phải bỏ ra số tiền ít nhất, thay vì áp dụng một cách ngẫu nhiên.
Nguyễn Hoàng Anh (21 tuổi, sinh viên năm cuối tại TP.HCM) cũng chi rất nhiều tiền cho các dịp giảm giá lớn trong năm như ngày đôi hàng tháng, sale giữa tháng, dịp lễ. Cô thường thức đêm để canh được deal giá hời nhất.
Hoàng Anh là một "tín đồ săn sale". |
“Lần tốn tiền săn sale nhất của mình là dịp 11/11 năm 2021, chi khoảng 6 triệu đồng cho việc mua sắm, chiếm tới 80% thu nhập của mình thời điểm ấy. Số tiền mình được giảm so với giá gốc là khoảng 2 triệu, thật không uổng công thức xuyên đêm để ‘giựt’ deal”, Hoàng Anh kể.
Cô thường canh những khung giờ vàng có flash sale hời nhất. Ngoài ra, cô nàng cũng lưu sẵn những mã giảm giá, mã miễn phí giao hàng trước khi săn sale để tới lúc thanh toán thì đã áp mã sẵn.
Khi mua hàng giảm giá, để đảm bảo chất lượng, Hoàng Anh thường tìm hiểu rất kỹ càng, đọc bình luận đánh giá của những người mua trước đó, so sánh giữa các sàn khác nhau rồi mới bấm mua.
“May mắn, chưa có đợt giảm giá nào mình mua phải hàng kém chất lượng”, cô bày tỏ.
Thừa nhận mình là một người đam mê hàng giảm giá, Thiên Trang (21 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn háo hức trước tất cả ngày hội sale trong năm. Những ngày hội giảm giá lớn dịp cuối năm như 11/11, cô có xu hướng mua nhiều hơn.
Trang nói rằng cảm giác như “chiến thắng một cuộc đua”, “ngập tràn hạnh phúc” mỗi khi mua được món đồ giá hời là động lực thôi thúc cô săn sale.
“Lần chi tiền mạnh tay nhất của mình là cho chiếc máy rửa mặt Foreo Luna 2 vào đợt sale năm ngoái. Giá gốc của chiếc máy là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, mình mua hàng không hộp, cộng thêm áp mã giảm nên chỉ còn 3 triệu đồng. Dù xót xa khi tiêu trọn tiền lương làm thêm một tháng, mình vui khi sản phẩm về tay”, Trang kể.
Để quá trình săn sale thuận lợi, Trang thường lên danh sách những thứ cần mua. Đợt sale 11/11 này, cô dự tính cần mua thêm một loạt món mỹ phẩm nên đã tham khảo và so sánh giá, chất lượng sản phẩm của nhiều shop khác nhau rồi vào giỏ hàng trước. Đến đúng giờ mở bán, cô nhanh tay áp mã rồi thanh toán.
Thiên Trang lên kế hoạch kỹ càng mỗi dịp săn hàng giảm giá. |
Tránh bẫy FOMO
Nhiều người cho rằng khi có nhiều đợt giảm giá liền kề, mọi người sẽ không còn mặn mà thức đêm, giành giật để canh sale. Thực tế, cảm giác vui sướng khi "giật" được món hời vẫn khiến không ít người dùng lao vào "cuộc chiến" này.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng từng phải "ngậm đắng" khi bỏ công sức săn sale nhưng đổi lại trải nghiệm tồi tệ: gặp trúng sản phẩm có chất lượng kém, nhà bán tăng giá trước rồi sale, hoặc hối hận vì mua nhưng cuối cùng không dùng đến.
Thiên Trang kể cô từng mua một chiếc kính mắt mèo trong dịp sale trên sàn thương mại với giá 200.000 đồng, phải chờ hơn một tháng hàng mới về tới nơi.
“Không biết nên vui hay buồn khi cùng tối đó, mình tìm được một cái kính y hệt với giá chỉ 30.000 đồng. Vì ham rẻ nên mình mua thêm chiếc kính đó luôn nhưng màu khác”.
Bản thân Trang thấy thích thú và thỏa mãn mỗi khi mua thành công một món đồ giá rẻ hơn bình thường.
“Những năm trước, thời điểm bắt đầu tập tành săn sale thì mình có hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bỏ lỡ). Có nhiều thứ cần nên cứ thấy món nào rẻ, mình đặt liền với tâm lý ‘sẽ dùng sau’, sợ không còn dịp nào giá tốt như vậy”.
Hiện tại, Trang mua đồ có kế hoạch hơn, mỗi tháng dành một khoản riêng cho những đồ còn thiếu hay món mình thực sự thích.
Nhiều người từng trải qua cảm giác hụt hẫng khi mua hàng giảm giá qua mạng. Ảnh: Phương Lâm. |
Hoàng Anh cũng nhận thấy bản thân từng mang tâm lý “sợ bỏ lỡ”, nên đợt giảm giá nào cô cũng mua rất nhiều đồ, nhưng cuối cùng để đó không sử dụng tới.
“Mình nhận ra như vậy khá là hoang phí. Dạo gần đây, mình biết quản lý chi tiêu và tiết kiệm hơn, tự dặn là nếu không săn sale đợt này thì có đợt khác vào tháng sau. Vì vậy những đợt giảm giá gần đây, mình không còn quá hứng thú. Mình cũng cần tiết kiệm cho kế hoạch tương lai”.
Ít khi nào mua dưới 20 đơn trong các dịp giảm giá cuối năm, song lần này Bảo Trâm (26 tuổi, TP.HCM) chỉ chi ra khoảng 1,4 triệu đồng cho 5 đơn đặt hàng.
Trong đó, lọ kem dưỡng da là sản phẩm có mức giá cao nhất, chiếm một nửa số tiền cần bỏ ra.
Sự thay đổi thói quen này xuất phát từ chương trình mới của sàn thương mại điện tử quen thuộc. Theo đó, cô không còn tập trung mọi đơn hàng vào một ngày cụ thể như 11/11 nữa mà chuyển sang mua sắm dàn trải vào ngày khuyến mãi trong tuần.
“Ví dụ như cứ vào thứ 4 hàng tuần, số lượng mã giảm giá tung ra còn nhiều hơn ngày sale đặc biệt. Ứng dụng không gặp cảnh lỗi vì bị quá tải, còn bản thân cũng không phải giành giật vất vả mã giảm giá với các khách hàng khác mà vẫn mua được đồ với giá ưng ý”, Trâm lý giải.
Do đó, sự háo hức hay mong chờ cho dịp mua sắm ngày lễ độc thân cũng vơi đi một nửa. Vừa lập gia đình, Trâm tranh thủ sắm thêm các món phục vụ sinh hoạt thường ngày như ga giường, chén dĩa hay đồ nhà bếp. Các món cho nhu cầu cá nhân như mỹ phẩm, quần áo giảm đi như một cách tiết kiệm.
Để tận dụng mọi khuyến mãi, Trâm còn là người chơi nhiệt tình của các trò chơi trên nền tảng. Hàng ngày, cô đều đặn vào kiếm, tích lũy xu. Số xu này có thể quy đổi ra tiền thật và sử dụng như một mã giảm giá ở bước thanh toán.
“Thông thường, mình hiếm khi xem livestream bán hàng vì không đủ kiên nhẫn mua sắm qua hình thức này. Nhưng vào những dịp sale lớn như 11/11, mình sẽ bật livestream của nền tảng và để đó để nhận thêm xu. Với số đông, số xu nhận được mỗi lần rất ít ỏi, không đáng là bao nhưng nhờ chăm chỉ thu thập, khoản tiền mình tiết kiệm được có thể lên đến 2-3 triệu đồng mỗi năm”, cô chia sẻ.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.