Hai ngày sau khi hoàn thành kỳ thi đại học, Coco (sinh năm 2004) theo mẹ tới bệnh viện để thực hiện cắt mắt hai mí.
Bác sĩ gợi ý cô làm thêm phẫu thuật nâng mũi vì sự kết hợp này sẽ giúp cô trông đẹp hơn. Coco rất háo hức, nhưng cuối cùng từ chối vì quá nhút nhát để thử cả hai cùng lúc.
Giống như Coco, ngày càng nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z ở Trung Quốc coi phẫu thuật thẩm mỹ là cách làm đẹp thông dụng và bình thường.
Theo The Paper, khi mùa hè đến, ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở xứ tỷ dân cũng bước vào thời kỳ cao điểm.
Một bác sĩ có 10 năm làm trong ngành cho biết sở dĩ mùa hè thường đông khách nhất vì nhiều học sinh, sinh viên tranh thủ kỳ nghỉ để phẫu thuật thẩm mỹ. Đa số họ dùng khoảng thời gian 2 tháng nghỉ ngơi để phẫu thuật mắt, mũi - những thủ thuật cần nhiều thời gian để phục hồi.
Nhiều học sinh, sinh viên tranh thủ kỳ nghỉ hè để phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: BBC. |
Phẫu thuật thẩm mỹ là món quà
Theo "Sách trắng về ngành làm đẹp y tế năm 2021", độ tuổi của khách hàng ngành thẩm mỹ có xu hướng ngày càng trẻ. Gen Z đang dần trở thành nhóm khách hàng chính của ngành này trong tương lai.
Với học sinh thế hệ Gen Z, tiếp xúc mạng xã hội khiến họ sớm nhận ra có thể thay đổi ngoại hình bằng phẫu thuật thẩm mỹ và có cái nhìn cởi mở về chuyện dao kéo.
Nhóm sinh viên mới tốt nghiệp và chuẩn bị bước ra xã hội cũng rất quan tâm đến vấn đề này, bởi họ cần chỉnh sửa để tự tin hơn.
Để thu hút người tiêu dùng, các cơ sở thẩm mỹ cũng tung ra các chương trình tiếp thị liên quan đến "nghỉ hè" và "tốt nghiệp". Họ tung ra các phiếu giảm giá cho những người sinh năm 2000 - nhóm sẽ tốt nghiệp đại học năm nay, biến phẫu thuật thẩm mỹ trở thành "món quà tốt nhất cho ngày ra trường".
Sự phổ biến của mạng xã hội khiến phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến. |
Khi phóng viên The Paper liên hệ, Luo Luo ((18 tuổi) vừa hoàn thành ca phẫu thuật chỉnh hình môi trong bệnh viện. Môi của cô vẫn sưng và chưa thể nói chuyện bình thường.
Luo cho biết cô lần đầu can thiệp thẩm mỹ là vào năm 14 tuổi. Khi đó, nhiều bạn bè trêu chọc vì trán cao, cô đã xin bố mẹ đi phẫu thuật cấy tóc.
Năm ngoái, sau khi thi đại học xong, cô bắt đầu kế hoạch thẩm mỹ hàng loạt. Luo đã cắt mí, mở khóe mắt, châm cứu nâng cơ mặt, nâng mũi và hút mỡ. Cô ước tính đã chi khoảng 200.000 nhân dân tệ cho 10 lần đụng dao kéo.
Luo giải thích ban đầu chỉ muốn cắt mí để hai mắt to hơn. Nhưng sau khi làm xong lại thấy chưa hài hòa nên lại đi nâng mũi. Cuối cùng, cô chỉnh sửa nhiều hơn và không thể dừng lại. Đến hiện tại, riêng chỉnh sửa môi cô đã làm đến 8 lần.
"Bạn bè xung quanh tôi ai cũng làm phẫu thuật thẩm mỹ. Đến mức, chúng tôi chẳng biết nói đề tài gì với những bạn chưa từng đụng dao kéo".
Trường hợp của Luo có thể được liệt vào "nghiện thẩm mỹ" và có phần cực đoan, nhưng không thể phủ nhận rằng phẫu thuật thẩm mỹ đang trở thành xu hướng trong giới trẻ.
Thẩm mỹ theo nhóm
Chỉnh sửa đôi mắt thường là lựa chọn đầu tiên của những người mới đến với phẫu thuật thẩm mỹ.
Vừa thi đại học xong, Xinxin (sinh năm 2005) đã thực hiện một loạt chỉnh sửa mắt bao gồm cắt mí, mở hốc mắt, hút mỡ. Từ khi Xinxin học cấp hai, mẹ cô đã thấy con gái dán miếng kích mí và hứa sẽ đưa cô đi cắt mí sau khi thi xong đại học.
"Nhiều bạn bè cùng lớp tôi cũng đi cắt mí sau khi thi đại học. Chúng tôi còn nói đùa rằng thử đi nhóm 4 người xem có được cắt 3 người, miễn phí một người không".
Wang Dan, làm việc trong một cơ sở cấy tóc, cho biết sau kỳ thi đại học, có khoảng 100 người tới đây cấy tóc mỗi tuần, trong đó 18% là tân sinh viên. Theo Wang, áp lực học hành, thức khuya khiến nhiều người trẻ bị rụng tóc và phải can thiệp thẩm mỹ.
Các liệu pháp thẩm mỹ được xem là cách làm đẹp thường ngày. |
Qian (sinh năm 2001, sinh viên năm 3) cho biết sau mỗi lần căng thẳng ôn luyện cho kỳ thi, cô sẽ thực hiện một liệu pháp làm đẹp bằng thẩm mỹ nhẹ nhàng.
Cô lần đầu đến với thẩm mỹ vào năm 2 đại học. Khi đó, thông qua Xiaohongshu (nền tảng của Trung Quốc tương tự Instagram), cô biết đến các phương pháp trẻ hóa da bằng bằng photon, thermage và háo hức muốn thử.
Sau hai lần thực hiện liệu pháp nhẹ nhàng, Qian bắt đầu làm thẩm mỹ nhiều hơn và coi đó như một cách làm đẹp thường ngày.
Thực tế, người trẻ ở Trung Quốc mong muốn làm đẹp bằng dao kéo ngày càng sớm. Tuy nhiên, không phải độ tuổi nào cũng thích hợp để phẫu thuật thẩm mỹ.
Zhang Tao kể anh từng gặp một học sinh 16 tuổi đến bệnh viện của mình để tư vấn nâng mũi. Cô bé thấy mũi mình quá to và muốn có được một chiếc mũi mảnh mai, tinh tế như các hot girl trên mạng.
Cuối cùng, vị bác sĩ đã khuyên cô không nên đụng dao kéo vì cô vẫn đang ở độ tuổi phát triển.
Xia Xiao, một bác sĩ thuộc chuỗi bệnh viện thẩm mỹ, nói rằng vào kỳ nghỉ hè, cơ sở của họ sẽ phát động chương trình giảm giá cho "3 người cùng đi thẩm mỹ" hoặc "mẹ con cùng đi thẩm mỹ".
Nữ bác sĩ giải thích những chương trình này không chỉ giúp khách giảm chi phí mà còn giúp viện có thêm nguồn khách mới. Ví dụ, một suất cắt mí có giá gốc 12.800 nhân dân tệ, nếu đi 3 người có thể giảm còn 9.999 tệ.
Trước đó, nhiều cơ sở khác đã đưa ra nhiều khẩu hiệu như "mùa hè thẩm mỹ" hay "phẫu thuật thẩm mỹ mùa tốt nghiệp" để lôi kéo người dùng. Ngoài quảng cáo trực tiếp, nhiều viện thẩm mỹ tích cực tiếp cận khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội như Douyin, Weibo, Xiaohongshu...
Zhang Yu, nhân viên truyền thông trực tuyến của một viện thẩm mỹ, cho biết các cơ sở làm đẹp đang có xu hướng mời các blogger trẻ đến trải nghiệm dịch vụ miễn phí để quảng cáo.
Tuy nhiên, việc tập trung vào nhóm khách hàng dưới 18 tuổi, chưa có nguồn lực kinh tế, cũng khiến ngành thẩm mỹ Trung Quốc vướng vào nhiều bê bối. Nhiều cơ sở từng áp dụng dịch vụ "thẩm mỹ trả góp" và dẫn tới nhiều hệ lụy xấu khi khách hàng không thể trả nợ.