Người tiêu dùng thời trang vẫn mua áo khoác dày, áo len giữa mùa hè. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
“Tôi mới chi 5 triệu đồng cho áo phao, cardigan, áo len giữa mùa hè”, Thu Thủy (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận về khoản chi “phi lý” này.
80% món đồ thời trang cô mới tậu là sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài, 20% còn lại là thiết kế của nhãn hàng nội địa. Theo Thủy, các nhãn hiệu từ bình dân đến cao cấp thực hiện nhiều chương trình giảm giá bộ sưu tập đông trong dịp hè.
Đây là cơ hội hiếm hoi để cô sở hữu những mẫu váy áo yêu thích với mức giá chỉ bằng 50% giá thành ban đầu. Mang tâm lý “đằng nào cũng phải mua khi mùa đông đến”, Thu Thủy quyết định săn những item đơn giản trước để nhận ưu đãi. Đây cũng là các sản phẩm có thể mặc nhiều mùa, khó lỗi thời, khiến cô không đắn đo khi tậu về trước mùa mốt.
Đại diện một số local brand (thương hiệu thời trang nội địa) cũng cho biết vẫn tiếp tục bán quần áo rét trong các tháng hè (tháng 4-9), đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Doanh số từ trang phục đông bán ra vẫn chiếm 10-20% tổng doanh thu của các đơn vị này.
Mua áo phao, áo len giữa mùa hè
17 độ C là con số hiển thị trên hệ thống điều hòa tại văn phòng công ty Minh Trang (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là mức nhiệt độ cố định cho toàn bộ tòa nhà, không thể tự ý điều chỉnh.
Thu Thủy tranh thủ săn quần áo mùa đông được giảm giá trong mùa hè. |
Khi ngồi làm việc, Trang và đồng nghiệp phải trùm chăn, mặc áo khoác để giữ ấm dù nhiệt độ ngoài trời chạm ngưỡng 38, 39 độ C. Như vậy, cô buộc phải sử dụng các loại áo khoác dày trong suốt mùa hè nếu không muốn co ro, hắt hơi trong suốt 8 tiếng tại công ty.
Ngoài ra, khi di chuyển ngoài đường giữa trời nắng nóng, cô cũng phải mặc blazer, áo khoác denim để tránh tia UV, bảo vệ làn da. Minh Trang thừa nhận vẫn có nhu cầu mua sắm trang phục đông trong dịp hè.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm những chiếc áo khoác dày, mỏng giữa mùa hè không dễ dàng. Cuối tuần, Trang ghé thăm 5-7 cửa hàng thời trang song không tìm thấy món đồ nào vừa ý.
“Trang phục mùa đông được treo tại một góc nhỏ, khuất trong các cửa tiệm. Số lượng sản phẩm bày bán tương đối ít, mẫu mã hạn chế, khiến tôi không có nhiều sự lựa chọn”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ.
Một số món đồ cô đặc biệt yêu thích, lưu lại hình ảnh từ mùa đông năm ngoái đều được thanh lý hết. Trang đành chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn, xuống tiền cho các item chỉ đạt 6, 7 điểm. Nếu cố tìm kiếm những mẫu áo quần vừa ý 100%, cô chỉ có thể ra về tay không.
Hơn nữa, việc di chuyển giữa các cửa hàng, liên tục thử đồ trong thời tiết nắng nóng cũng khiến Minh Trang kiệt sức. Dù đề cao sự vừa vặn, ưa chuộng mua hàng thời trang trực tiếp để tự tay kiểm tra chất lượng, cô buộc phải cân nhắc thay đổi thói quen mua sắm này trong thời gian nắng nóng cao điểm.
Minh Trang mua áo khoác để chống nóng khi đi đường, chống lạnh lúc ngồi tại văn phòng điều hòa. |
Tương tự Minh Trang, Anh Đức (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng có nhu cầu mua trang phục đông trong các tháng hè. Cụ thể, dự định thực hiện chuyến du lịch đến Nhật Bản và Hàn Quốc cùng bạn bè, gia đình, anh phải sắm sửa số lượng lớn quần áo giữ ấm.
Theo Đức, nhiệt độ tại Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) đều ở mức 20 độ C trong tháng 6 và tháng 7, có xu hướng giảm trong buổi tối, buộc freelancer này phải mang theo áo khoác, khăn choàng tránh gió rét.
Không chỉ phục vụ mục đích du lịch, Anh Đức cho biết vẫn diện blazer, bomber mỏng, áo khoác denim khi tham dự tiệc tối, sự kiện đêm. Freelancer này cho rằng nhiệt độ buổi tối tại TP.HCM giảm so với ban ngày, cho phép anh thoải mái mặc các mẫu áo khoác ưa thích mà không lo đổ mồ hôi.
Đối với Đức, những mẫu áo khoác màu sắc nổi bật giúp anh trở nên khác biệt giữa đám đông, dễ dàng ghi điểm trong mắt đối tác, bạn bè. Ngoài ra, là người chú trọng xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, anh cũng thường xuyên bất chấp thời tiết nóng bức, mặc măng-tô, ghile len để chụp ảnh giữa mùa hè.
Khác với Minh Trang, Đức thường xuyên đặt hàng thời trang thông qua website của các thương hiệu quốc tế. Trong giai đoạn này, nhãn hàng nước ngoài đem lại nhiều sự lựa chọn về trang phục đông hơn local brand.
Tuy nhiên, khó khăn của anh nằm ở thời gian chờ đợi. Đối với đơn hàng quốc tế, anh phải chờ ít nhất 7-10 ngày mới có thể nhận sản phẩm. Trong một số dịp cần sử dụng trang phục gấp, Anh Đức phải loay hoay tìm phương án thay thế.
Hơn nữa, trang phục mùa đông tương đối dày, khiến cân nặng bị đội lên. Khi đặt hàng từ nước ngoài, anh cũng cũng phải chịu chi phí cân kèm theo.
“Nhìn chung, mua quần áo mùa đông online khá rắc rối. Tôi đành chờ đợi lâu, bấm bụng trả phí cân nặng và chấp nhận khó đổi trả để có nhiều sự lựa chọn, sở hữu những món đồ vừa ý”, freelancer 27 tuổi cho biết.
Cửa hàng vẫn bán quần áo mùa đông
Chia sẻ với phóng viên, Như Quỳnh (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ sở hữu thương hiệu By Jolie, cho biết vẫn kinh doanh trang phục đông trong mùa hè. Số lượng quần áo mùa đông bán ra chiếm khoảng 5-7% tổng sản phẩm.
“Chúng tôi không thanh lý hay cất áo khoác, sweater vào kho vì khách hàng vẫn có nhu cầu mua. Bộ sưu tập mùa đông được tiêu thụ trong suốt 5 tháng hè”, Như Quỳnh chia sẻ.
Theo Quỳnh, các dòng sản phẩm bán chạy cả năm là blazer, áo khoác denim, sweater và hoodie. Một số mẫu áo khoác mỏng nhẹ khác cũng vẫn được bán ra trong suốt mùa hè.
Sau khi khảo sát khách hàng, nhãn hàng của Như Quỳnh nhận ra mục đích mua sắm quần áo rét của người tiêu dùng miền Bắc và miền Nam khác nhau.
Cụ thể, đối với khách tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc khác, áo khoác được sử dụng như món đồ chống nắng khi đi đường và chống lạnh khi ở lâu trong phòng điều hòa.
Đối với người dùng thời trang tại TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam, việc diện váy áo mùa đông đến từ sở thích cá nhân. Doanh thu bộ sưu tập đông trong các tháng hè của local brand này chủ yếu đến từ khách hàng miền Nam.
Như Quỳnh cho biết các item mùa lạnh thường khá dày, tốn chỗ trưng bày, nên không được sắp xếp tại cửa hàng. Các sản phẩm này chỉ xuất hiện tại gian hàng online của thương hiệu trên sàn thương mại điện tử.
Biết rằng việc này gây khó dễ cho khách đến cửa hàng để mua sắm trực tiếp, song đơn vị của Quỳnh chưa tìm ra phương án giải quyết tối ưu hơn.
Các cửa hàng vẫn bán bộ sưu tập đông do khách hàng có nhu cầu mua để phục vụ mục đích du lịch, chụp hình. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Đồng tình với Như Quỳnh, Trần Hùng (quận 7, TP.HCM), quản lý một local brand, khẳng định vẫn tiếp tục bán quần áo đông suốt mùa hè. Doanh số đến từ các item này chiếm khoảng 15-20% tổng doanh thu của cửa hàng anh.
Khác với Quỳnh, Trần Hùng vẫn bố trí một giá treo áo khoác, hoodie trong cửa hàng. Đây là cách để anh thông báo với người tiêu dùng rằng bộ sưu tập đông được bày bán quanh năm.
“Với mục đích mua sắm trang phục đông, nhiều khách hàng không tìm thấy nhưng ngại hỏi nhân viên, đành ra về tay trắng. Nếu không trưng bày một số mẫu nổi bật, chúng tôi dễ dàng mất khách”, quản lý thương hiệu thời trang này nói.
Tuy nhiên, Hùng lại gặp khó trong việc bảo quản sản phẩm đông trong mùa mưa. Áo khoác, quần da là các sản phẩm dễ ẩm mốc trong tiết trời mưa gió. Cửa hàng của anh đành phải sử dụng bọc ni lông cho các item này trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9.
Theo Nikkei Asia, hình ảnh khách hàng diện đồ mùa hè thử những chiếc áo khoác lông cừu, áo phao trong cửa hàng thời trang không còn mới lạ tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore, Indonesia. Trong thời tiết 30 độ C, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu mua sắm trang phục tránh rét để đi du lịch hoặc phục vụ sở thích cá nhân.
Moncler, nhà sản xuất áo khoác lông vũ sang trọng, khai trương nhiều cửa hàng tại các nước Đông Nam Á trong giai đoạn nắng nóng của khu vực này song vẫn bán được hàng.
“Bộ sưu tập mùa đông của chúng tôi bán chạy quanh năm. Yếu tố thời tiết dường như ít ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng”, đại diện Uniqlo (Singapore) cho biết.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.