Mức sinh giảm dấy lên những lo ngại trên thế giới, khi các nhà lãnh đạo phải đối mặt với viễn cảnh dân số tăng trưởng chậm và già đi. Ảnh: Financial Times |
Hôm 7/12, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc gặp với 6 cặp đôi để lắng nghe ý kiến vì sao họ không có kế hoạch có con.
Đây được xem như một nỗ lực của nước này nhằm tìm ra những giải pháp cho vấn đề tỷ lệ sinh đang sụt giảm ở Hàn Quốc, Korea Herald cho hay.
Trong đó, một lý do được đưa ra là mức độ canh tranh gay gắt để vào đại học, khiến áp lực xuất hiện với trẻ em ngay từ khi còn nhỏ.
“Có những cha mẹ liên tục so sánh con mình ngay từ lúc thôi nôi, hay lúc mới biết đi. Tôi không nghĩ mình có thể tham gia cuộc cạnh tranh bất tận như vậy”, một người nói.
Ngoài ra, một lý do phổ biến được đưa ra, không chỉ ở Hàn Quốc, là thiếu thời gian và tiền bạc để nuôi dạy con cái bài bản.
Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Lee Ki Il, người chủ trì sự kiện, thừa nhận những khó khăn của các cặp đôi trẻ và cam kết sẽ đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước.
Tổng cục Thống kê Hàn Quốc năm 2022 đã ghi nhận tổng tỷ suất sinh đạt mức thấp kỷ lục, với chỉ 0,78 con trên một bà mẹ.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở những quốc gia phát triển tại châu Á, với Trung Quốc cũng ghi nhận mức thấp kỷ lục vào năm 2022 là 1,09 con trên một bà mẹ, trong khi con số này ở Nhật Bản là 1,36.
Trung bình, các quốc gia phát triển cần tỷ lệ này là 2,1, tức đạt mức sinh thay thế, để ổn định dân số mà không cần người nhập cư.
Một mặt, tỷ suất sinh giảm được xem như một câu chuyện thành công, khi những cặp đôi trẻ, đặc biệt phụ nữ, giờ đây tự do và có nhiều lựa chọn hơn.
Tại Mỹ, nữ giới đã tự chủ được quyết định sinh con tốt hơn những thập kỷ trước. Tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên và sinh con ngoài ý muốn giảm và việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả ngày một nâng cao.
Các quan chức của Bộ Y tế Hàn Quốc hôm 7/12 thảo luận với các cặp đôi trẻ về lý do họ không muốn có con. Ảnh: Yonhap. |
Tuy nhiên, mức sinh giảm dấy lên những lo ngại trên thế giới, khi các nhà lãnh đạo phải đối mặt với viễn cảnh dân số tăng trưởng chậm và già đi.
Một xã hội già đi cũng đồng nghĩa với việc có ít công nhân hơn trong các ngành công nghiệp then chốt và ít người chi trả cho các chương trình như an sinh xã hội hơn.
Bài toán khó
Để giải quyết bài toán mức sinh thấp, các nước đã thử qua nhiều cách, từ chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức đến các khoản phúc lợi hào phóng cho những cặp đôi sinh con.
Nga đã đưa ra chính sách trợ cấp 7.000 USD cho các gia đình có trên hai con. Italy và Hy Lạp đều triển khai chính sách tặng tiền thưởng cho mỗi đứa trẻ được sinh ra trong gia đình.
Năm 2019, Hungary tung ra khoản vay 30.000 USD cho các cặp đôi mới cưới. Nếu họ có 3 đứa con, khoản nợ sẽ được xóa.
Trong số các nước châu Âu, Pháp được coi như một thành công trong việc kiểm soát tỷ suất sinh, đạt 1,89 vào năm 2022, so với trung bình cả châu Âu là 1,53.
Anne Gauthier, giáo sư nghiên cứu về gia đình tại Đại học Groningen, Hà Lan, nói rằng thành công của Pháp đến từ việc nước này cân bằng được chính sách khuyến khích sinh con với các chính sách hiện có.
Các gia đình tại Pháp có từ hai con sẽ được trợ cấp khoảng 135 euro/tháng, cũng các khoản đãi ngộ khác dựa trên năng lực tài chính của gia đình.
Thụy Điển cũng là một ví dụ khác cho việc ổn định tỷ suất sinh dựa vào hỗ trợ từ chính phủ. Cặp đôi có con được nghỉ tổng cộng 480 ngày phép có lương, trong đó các ông bố thường chiếm 30% số ngày nghỉ. Các cặp đôi cũng được hưởng trợ cấp khoảng 167 USD/tháng, tăng thêm khi đứa trẻ đủ 11 tuổi và 15 tuổi.
Những chính sách gián tiếp như tăng thời gian nghỉ thai sản, đầu tư vào hệ thống giáo dục mầm non cũng được một số quốc gia châu Âu áp dụng. Song, tác động từ các chính sách trên được cho là không đáng kể.
“Ngay cả những chính phủ giàu có nhất, hiểu biết nhất và tận tâm nhất cũng gặp khó để tìm ra chính sách đảm bảo tỷ lệ sinh bền vững”, Trent MacNamara, giáo sư sử học tại Đại học Texas A&M, nói với Vox.
Alanna Armitage đến từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho rằng việc khuyến khích phụ nữ sinh con vốn không hiệu quả, và lý do cơ bản cho quyết định không có con đến từ việc khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống chăm con.
Tổng tỷ suất sinh của một số nền kinh tế châu Á. Đồ họa: Nippon. |
Xu thế tất yếu
Giới quan sát cho rằng việc tỷ suất sinh giảm là xu thế tất yếu và rất khó để các quốc gia có thể đảo ngược quá trình này.
Tiến sĩ Gretchen Donehower đến từ Trung tâm Kinh tế và Nhân khẩu học về già hóa, Đại học California, Mỹ, cho rằng giảm chi phí nuôi con và đảm bảo các biện pháp hỗ trợ người cao tuổi là điều nên được hướng đến.
Ngoài ra, các nước cũng đang đầu tư vào phát triển công nghệ và đổi mới, nhằm bù đắp cho lực lượng lao động suy giảm.
Mỹ hay châu Âu sẽ phụ thuộc vào người nhập cư. Các quốc gia phát triển ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn có tỷ lệ nhập cư thấp, cũng đang xem xét các quy định nhằm chọn lọc lượng lao động nước ngoài trẻ, có trình độ.
Tiến sĩ Donehower cũng cho rằng một số quốc gia đối mặt với già hóa dân số bằng cách loại dần chính sách nghỉ hưu theo độ tuổi, xây dựng tính linh hoạt trong thị trường lao động cho người lớn tuổi. Nhật Bản là một ví dụ khi người già vẫn làm việc thêm nhiều năm sau tuổi nghỉ hưu.
Với các chính sách ưu đãi để khuyến khích sinh sản, các chuyên gia cho rằng dù mức độ hiệu quả có cao hay không, các chính phủ hiện không có nhiều sự lựa chọn.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.