*Zing trích dẫn bài dự thi "Ký ức sum vầy ngày Tết" của độc giả Nguyễn Thị Linh:
Mùi Tết là mùi mẹ tôi "nấu chè" cúng đêm 30 Tết, mùi đường, mùi gừng quyện hòa vào nhau, cả gian bếp trở nên ngào ngạt và ấm cúng hơn bao giờ hết, mặc ngoài kia trời rét căm căm.
Và cũng bếp than ấy, khói nghi ngút bốc lên từ nắp nồi đậy nồi bánh chưng. Mùi lá dong, mùi nếp, mùi đậu, mùi thịt mỡ, hành, tiêu hòa vào nhau để làm cho những cặp bánh chưng và những đòn bánh tét con cho lũ trẻ đeo tòng teng trước ngực trở nên trọn vị hơn bao giờ hết.
Gian bếp ngày Tết trở nên ngào ngạt và ấm cúng hơn bao giờ hết. |
Mùi Tết, còn là mùi tiền mới mà người lớn "lì xì" cho lũ trẻ con chúng tôi để mừng tuổi mới. Ngày xưa, những tờ tiền giấy mới cứng, thơm tho. Mệnh giá chỉ một trăm, hai trăm đồng, nhớ nhất là tờ "cua xanh" năm nghìn đồng. Ai lì xì cho năm nghìn đồng là oai lắm. Và còn là mùi quần áo mới, dép mới mỗi năm mới được sắm một lần, hay mùi những cây " tò he, quả bóng thỏ màu hồng" nhuộm đỏ miệng mỗi khi thổi...
Với trẻ con, mùi Tết còn là mùi quần áo, giày dép mới hoặc mùi của những món quà Tết. |
Mùi của lũ trẻ cùng xóm rủ nhau đi "chợ cạ" dù trong túi không có một xu dính túi, để khi lên chợ chúng trầm trồ ngắm nhìn những cành đào, bánh mứt, quần áo... bày bán la liệt. Một ngày chúng có thể đi lên chợ hàng chục lần, mà chỉ để ngắm và hít mùi bát phở hai nghìn đồng, rồi lại rồng rắn kéo nhau về làng khi tan buổi chợ cạ.
Thời gian cứ vậy mà lần lượt trôi qua. Chúng ta từ trẻ con, trưởng thành, rồi già đi. Xuân vẫn đến và Tết vẫn về dù cho chúng ta có ngóng trông hay không, càng lớn, thấy cuộc đời có nhiều thứ phải lo toan, để gánh gồng, để một lúc nào đó, có khi mệt mỏi quá, ngồi xuống và mơ ước, thèm nhớ một thời đã qua như là hương vị Tết quê nhà từ những ngày xa xưa đó.
Mùi Tết, với tôi còn là mùi... thuốc pháo. Ngày xưa, khi pháo chưa bị cấm như sau này, Tết nghèo khó thế nào cũng phải cố gắng có một phong pháo để nổ đì đùng với người ta. Người lớn thì mua phong pháo trống, treo ngay giữa sân hoặc ngoài ngõ, cứ từ gần giao thừa tới sáng, quanh vùng cứ nghe pháo nổ đì đùng. Sáng ra, đến nhà nào cũng thấy xác pháo đỏ cả sân. Đám trẻ con chúng tôi thời ấy còn có nguồn vui đi nhặt những viên pháo chưa kịp cháy để về đốt lại. Thời ấy, người lớn đốt pháo to, còn bọn con nít cũng có pháo... tép. Pháo tép chỉ nổ lách tách nhưng với bọn trẻ con chúng tôi, như thế cũng đã ghê gớm lắm rồi.
Và mùi Tết, còn là mùi nhang khói. Những người con xa quê, trở về nhà ăn Tết, việc đầu tiên vẫn là thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén nhang. Mùi nhang khói cay xè đôi mắt như một lời tạ tội với người đã khuất rằng lâu rồi mới có dịp về thăm. Dường như, vào dịp Tết, con người ta đốt nhang nhiều hơn, bởi sau những ngày cuồng quay với cuộc sống mưu sinh, người ta có những ngày Tết để thăm viếng, để gặp gỡ và để hoài niệm nữa.
Mùi Tết đối với độc giả Nguyễn Thị Linh ngập đầy ký ức quê nhà. |
Tết dường như đã đến gần lắm rồi. Ở chợ, những thứ mứt bánh làm sẵn đã được bày bán. Ở làng hoa, những chậu hoa cúc đã bắt đầu trổ bông, đợi dịp được mang đến chợ hoa khoe sắc. Còn tôi, ngồi nhớ về những ngày xa xưa, bao nhiêu hương vị Tết ngập đầy ký ức, chạnh lòng bởi có những điều đã thật sự ở lại với ngày xưa. Xa lăng lắc.
Mong muốn lan tỏa thông điệp "Ký ức sum vầy hạnh phúc là tài sản quý giá nhất”, Zing News cùng Alma đồng tổ chức cuộc thi ảnh “Ký ức sum vầy ngày Tết”. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích mỗi người nhìn lại và trân trọng những kỷ niệm ngày Tết sum vầy cũng như tận hưởng kỳ nghỉ Tết 2021 thật ý nghĩa bên những người thân yêu.
Cuộc thi có sự tham gia của ca sỹ Mỹ Linh và ông Amir Ohayon - Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường trong vai trò thành viên Ban giám khảo.
5 độc giả có bài dự thi xuất sắc sẽ nhận được voucher nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm cho 2 người (kèm 2 trẻ nhỏ dưới 12 tuổi) tại căn hộ loại A - khu nghỉ dưỡng Alma 5 sao, khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.
Độc giả có thể gửi bài dự thi tại đây và xem thêm thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.