Sát thủ giấu mặt gây bệnh tăng huyết áp, tim mạch, ung thư dạ dày và sỏi thận không đâu xa, nó ở ngay trong căn bếp, trên bàn ăn và người “tiếp tay” hay ngăn chặn nó tấn công vào sức khỏe của các thành viên trong gia đình chính là các bà nội trợ.
Ảnh minh họa. |
Ăn mặn từ lúc ăn dặm
Con nhỏ mới được bốn tháng, mẹ chồng chị Linh đã hối con dâu tập cho cháu nội bà ăn dặm. Bà nhắc đi nhắc lại là phải tập cho ăn bột mặn để bé cứng cáp chứ ăn ngọt là ẽo uột lắm. Thế rồi đến cữ quấy bột, bà nội lại giành phần quấy bột, nêm nếm cho yên tâm. Bà bảo nấu phải đậm đà, trẻ mới hứng thú ăn, chị Linh nhất nhất nghe theo lời mẹ chồng vì nghĩ bà có kinh nghiệm mà không biết rằng cho trẻ ăn mặn như người lớn là hại trẻ.
Ăn mặn là chúng ta tự chuốc gánh nặng bệnh tật cho bản thân, cho gia đình và xã hội. |
Xu hướng ăn mặn hơn ngày càng gia tăng, khẩu vị của người Việt Nam thường là các món ăn có sử dụng nước mắm, bột gia vị. Trẻ nhỏ ngay từ những ngày đầu tập ăn dặm đa phần cũng bị các bà mẹ tập cho ăn mặn theo khẩu vị của người lớn. Đây chính là một thói quen xấu, có hại khi nhiều người ngày càng ăn mặn hơn theo độ tuổi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO)`đã ra thông điệp kêu gọi người dân Việt Nam cần nhanh chóng có hành động đối với việc lạm dụng muối ăn nhằm làm giảm số người mắc và tử vong do các bệnh tim mạch và đột quỵ. Theo nghiên cứu, gần 60% người dân Việt Nam sử dụng lượng muối cao hơn gấp hai lần lượng muối được khuyên dùng hằng ngày là ít hơn 5gam/ người/ngày.
Cơ thể chúng ta cần một lượng muối nhưng ăn quá mặn nghĩa là chúng ta đã tự chuốc gánh nặng bệnh tật cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Nói về sự liên quan giữa muối với huyết áp và bệnh tim mạch, bác sĩ Donna Arnett, thuộc trường đại học Y tế cộng đồng Birmingham, đại học Alabama, cho biết: Trước hết, chúng ta nên nhớ là muối rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp cơ thể. Vì thế nếu lượng muối trong cơ thể tăng lên thì huyết áp tăng lên và kéo theo đó là nguy cơ tăng huyết áp.
Cho trẻ ăn mặn là hại trẻ. |
Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tim mạch và đứt mạch máu não trên toàn cầu… Với việc tăng huyết áp thì tim của chúng ta phải làm việc nhiều hơn, để đẩy máu qua các mạch máu, nơi huyết áp cao hơn . Và các mạch máu làm việc cũng khó hơn, do đó cơ thể chúng ta sẽ dễ bị đứt mạch máu não, mạch máu yếu hơn.
Ngoài nguy cơ gây huyết áp, tim mạch và đột quỵ, ăn nhiều muối cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày, loãng xương, bệnh thận và sỏi thận.
Mắm muối rẻ, dễ mua bệnh
Mắm, bột canh, bột nêm gia vị thường là có giá rẻ, chỉ từ vài nghìn đến hơn hai chục nghìn nên chị em khi đi chợ, siêu thị thường có thói quen mua nhiều để dùng dần khỏi phải đi mua lắt nhắt, lỡ đang nấu ăn mà hết mắm muối đi xin hàng xóm thì ngại. Chưa kể thói quen nấu nướng áng chừng , ít người bỏ từng chút một vào nồi canh, món xào, món kho, mà thường là nêm nếm theo thói quen. Vô hình chung theo thời gian, càng có thâm niên nấu ăn, các bà nội trợ thường nấu những món ăn đậm đà.
Để các món ăn không nhạt nhẽo, đủ vị mà vẫn đảm bảo tiêu chí bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình, các bà nội trợ nên tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Không nên tích trữ quá nhiều muối, mắm trong nhà.
- Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn.
- Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày. Khi nấu nên nêm từng chút một, tránh cho một lúc dễ bị quá tay.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, thịt hun khói, bim bim,…
- Yêu cầu các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
- Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.
- Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và không thêm muối.