Muôn kiểu fan bóng đá: Xem vì có trai đẹp, thắng là phải 'đi bão'
Thứ bảy, 24/11/2018 19:04 (GMT+7)
19:04 24/11/2018
Từ không hiểu gì nhưng vẫn xem, chỉ quan tâm tỷ số đến la hét cổ vũ nhiệt tình, thắng là phải "đi bão", cổ động viên Việt có nhiều cách thể hiện mối quan tâm của mình tới bóng đá.
Với nhiều bạn trẻ chỉ xem bóng đá khi thấy "người người, nhà nhà" cổ vũ đội nhà ở giải lớn, việc hiểu nhầm các cầu thủ Việt Nam luôn mặc áo đỏ là dễ hiểu.
Nhiều người không phải fan bóng đá cũng sẵn sàng hòa chung không khí sôi động để cổ vũ cho đội nhà, dù không biết tên các cầu thủ hay vị trí chơi của họ trên sân. "Mình không quan tâm đến bóng đá nhưng mỗi khi đội tuyển Việt Nam tham gia các giải bóng lớn, mình cũng không thể đứng ngoài làn sóng cổ vũ cuồng nhiệt. Cứ xem thôi, Việt Nam thắng là vui rồi", Hoài Chi (19 tuổi, sinh viên) vui vẻ nói.
Sau khi làm nên lịch sử ở giải bóng đá U23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), các cầu thủ U23 Việt Nam có thêm lượng "fan girl" rất lớn. Ở ASIAD 18 hay giờ là AFF Cup 2018, "fan girl" chỉ cần nhìn thấy thần tượng của mình được vào sân là đủ lý do để xem hết các trận có đội nhà thi đấu.
"Không biết có kỳ không khi mình chỉ quan tâm trận này đội nhà có thắng không, tỷ số là bao nhiêu, cầu thủ nào tỏa sáng thôi. Mình không hiểu về đội hình, chiến thuật hay gì nên mối quan tâm đơn giản lắm", Trúc Ly (TP.HCM) chia sẻ.
Họ là những cổ động viên "máu lửa" nhất khi sẵn sàng la hét cổ vũ đến khản cả giọng, chỉ hướng đến bóng đá đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh.
Kiểu fan muốn "cướp" lời của bình luận viên trên tivi cũng không hiếm gặp. Sự "nhiệt tình thái quá" này đôi khi khiến người xung quanh khó chịu vì không thể tập trung theo dõi trận đấu.
"Gia Cát Dự" là biệt danh bạn cùng phòng ký túc xá đặt cho Tiến Minh (sinh viên năm cuối ở Hà Nội) vì thích thi dự đoán tỷ số trận đấu với mọi người. Phần thưởng cho người chiến thắng đôi khi chỉ là chầu trà đá, gói mỳ tôm hay niềm vui của tất cả.
Họ là những người vui tính và đặt tình yêu môn thể thao vua lên trên hết.
Khi bạn là fan cuồng nhiệt của trái bóng tròn và có xu hướng thể hiện cảm xúc mãnh liệt.
"Đi bão" dường như trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi đội nhà giành chiến thắng trong những trận đấu quan trọng. Cổ động viên và truyền thông nước ngoài nhiều lần choáng ngợp bởi các màn ăn mừng hoành tráng của người Việt Nam.