Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MV 'DCM' của Erik: Tiêu đề nhạy cảm 'phá tan' sản phẩm chất lượng?

"Đừng có mơ" có giai điệu bắt tai, tuy nhiên bài hát vướng tranh cãi vì được quảng bá bằng từ viết tắt "DCM" khiến khán giả liên tưởng tới nghĩa dung tục.

Erik vừa trở lại với MV mới, đánh dấu sự thay đổi phong cách sau những ngày thành công với nhạc ballad. Đừng có mơ có lẽ là MV phù hợp nhất với Erik về concept từ trước đến nay, để anh thể hiện đúng hình ảnh của một nam ca sĩ trẻ, có ngoại hình điển trai, trang phục đậm chất Kpop.

Đây cũng  là sản phẩm khác biệt, mang hơi thở hiện đại, trẻ trung, phần MV được đầu tư với nội dung lôi cuốn.

Nhưng sản phẩm chỉ phù hợp với hình ảnh của Erik mà không phù hợp với thị hiếu khán giả Việt. Hiệu ứng bài hát mới ảm đạm hơn những ca khúc ballad trước đó của Erik.

Thời điểm phát hành cũng không mang lại lợi thế cho nam ca sĩ. Chỉ một ngày sau khi MV phát hành, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng tại giải AFF Cup. Lúc ấy, có lẽ không ai ngoài người hâm mộ trung thành của Erik để tâm đến MV.

Tranh cãi tiêu đề bài hát phản cảm

Ồn ào Như lời đồn có tiêu đề nhạy cảm khiến Khắc Hưng - một đàn anh thân thiết với Erik - bị chỉ trích chỉ cách đây ít tháng dường như không để lại kinh nghiệm cho nam ca sĩ. Có thể không biết hoặc biết mà bỏ qua những lùm xùm này, Erik ban đầu úp mở sản phẩm mới bằng tên viết tắt DCM.

Dung co mo gay tranh cai anh 1
Để truyền tải được toàn bộ ý nghĩa và nội dung MV, Erik quyết định để tóc dài, thay đổi hình ảnh để trở nên trưởng thành, có sự ngông cuồng.

Bất cứ ai thường xuyên tiếp cận mạng xã hội, đặc biệt lứa 9X như Erik đều biết DCM là viết tắt của một từ chửi thề có ý nghĩa dung tục. So với Như lời đồn, DCM còn phản cảm hơn cả.

Khi bài hát chính thức được phát hành, tiêu đề không hề nhạy cảm như khán giả đồn đoán. Thế nhưng, thay vì quảng bá với tên đầy đủ Đừng có mơ, ê-kíp của nam ca sĩ lại chọn cách viết tắt thành DCM. Bởi thế, điều khiến dư luận bàn tán nhiều nhất về sản phẩm là tiêu đề thay vì âm nhạc.

“Sao lại có tên là DCM , từ bao giờ những chữ cái mang ý nghĩa nhạy cảm lại được nghệ sĩ sử dụng như một công cụ lăng xê vậy. Erik cũng thuộc top ca sĩ có thứ hạng mà lại chọn những từ ngữ nhạy cảm để làm tên bài hát sao? Có tồi tệ quá không”, một khán giả bức xúc.

“Không hiểu ca sĩ nghĩ gì khi đưa mấy từ viết tắt nhạy cảm như thế này”, “Viết tắt thành hashtag bình thường thì không sao, thế nhưng mấy hashtag nhạy cảm chẳng hay ho gì vẫn thích đưa vào”... dưới phần bình luận, nhiều khán giả lái DCM thành từ chửi thề và tức giận trước hướng PR của ê-kíp.

Về phía Erik, anh cho biết nhận thức được sự nhạy cảm nhưng giải thích do để phù hợp với poster nên quyết định dùng từ viết tắt.

“Nói như thế này không biết khán giả có tin hay không, tuy nhiên trong quá trình thiết kế poster, cụm từ ‘đừng có mơ’ quá dài và đặt vào tổng thể trông không đẹp. Do đó tôi quyết định sử dụng từ viết tắt. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng ‘cây ngay không sợ chết đứng’, dù có viết tắt thì ý nghĩa của tiêu đề vẫn chỉ là Đừng có mơ. Do đó, hy vọng mọi người không suy diễn thành từ nhạy cảm khác”, anh nói.

Nam ca sĩ cũng phủ nhận việc sử dụng chiêu trò để gây chú ý. “Việc tranh cãi thì tôi không nghĩ tới vì tôi cho rằng âm nhạc nên được khẳng định bằng chất lượng”.

Dung co mo gay tranh cai anh 2
 Đừng có mơ chính là phần 2 của Chạm đáy nỗi đau từng được Erik ra mắt hồi tháng 4/2018.

Âm nhạc bắt tai nhưng hạn chế hát chưa rõ lời

Đừng có mơ có kết cấu giống nhiều ca khúc thịnh hành ở Kpop, đặc biệt là âm nhạc của nhà sản xuất nổi tiếng Teddy, chẳng hạn Solo (Jennie), Gashina, Heroine (Sunmi)… với điệp khúc chỉ có phần nhạc bắt tai, sôi động và hạn chế lời hát.

Bài hát do Krazy Park - người Hàn Quốc, từng hợp tác với Chi Pu - sáng tác. Phần âm nhạc do gương mặt trẻ Masew thực hiện và Bảo Kun viết lời Việt. Đừng có mơ có âm nhạc bắt tai, lôi cuốn, đặc biệt mang đến cảm giác dồn dập ở đoạn điệp khúc.

Ca khúc mang đúng màu sắc nhạc dance Hàn Quốc, đó là đặt điểm nhấn vào giai điệu và từ đinh. Ở đây, từ đinh là “đừng có mơ” được Erik thể hiện khá quyến rũ, nam tính, ra chất bất cần, ngạo nghễ mà anh muốn truyền tải.

Tuy nhiên, từ đinh chưa phát huy hết hiệu quả bởi hạn chế hát không rõ lời. Thậm chí, lối hát của nam ca sĩ khiến nhiều khán giả nghe thành ngôn ngữ chửi thề tương tự tiêu đề khi được viết tắt.

“Tôi đã thử để nhiều người hát từ 'đừng có mơ' ở nốt đó và lúc nào cũng bị lái thành như vậy, chứ không riêng tôi. Tôi nghe nhiều nhạc Âu Mỹ nên cũng có cản trở, hạn chế trong việc phát âm. Do đó, khi hát, đúng là đoạn đó nghe giống từ nhạy cảm. Ai biết và yêu thích giọng hát của tôi đều biết tôi phát âm chưa tốt. Hy vọng mọi người thông cảm và bỏ qua điều này", anh giải thích.

Dung co mo gay tranh cai anh 3
Đừng có mơ là sản phẩm âm nhạc đầu tiên nam ca sĩ hợp tác cùng nhạc sĩ người Hàn Quốc - Krazy Park

Bên cạnh đó, trong giai đoạn nhạc dance thoái trào và ballad thịnh hành, Đừng có mơ là một lựa chọn mạo hiểm với bất cứ ca sĩ nào, chứ không riêng Erik.

“Tôi cũng tự nhận thấy nhạc điện tử đang thoái trào, chưa kể cư dân mạng sốt với bóng đá, mọi sự chú ý đều hướng đến cầu thủ, do đó việc ra bài hát mới lại thuộc thể loại dance là một sự mạo hiểm. Tuy nhiên, vì đã hứa với người hâm mộ và cũng có nhiều lý do khác, tôi buộc phải ra mắt vào thời điểm này, dù bản thân tôi khá tiếc”, Erik giải thích.

Phải ghi nhận nam ca sĩ có cú lột xác thành công. Nhiều khán giả đã phải thốt lên bất ngờ với hình tượng cá tính, có chút bí ẩn của giọng ca Sau tất cả trong MV mới, nhất là khi so sánh với những bản ballad trước đó.

Trong MV, Erik vào vai một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, có nhiều người săn đón. Tuy nhiên, trong thâm tâm anh không quên được người cũ nên mỗi khi chụp ảnh sẽ luôn bị ám ảnh về cô gái năm xưa. Giọng ca Ghen quyết định để tóc dài, thay đổi hình ảnh để trở nên trưởng thành, có chút bất cần, quyến rũ. Ngoại trừ việc quá gầy, Erik thể hiện tốt hình tượng này. 

"Khi liều mình chuyển sang thể loại mới, tôi gặp nhiều thử thách và suy tính rất nhiều. Qua 2, 3 năm, luôn chọn chiều hướng an toàn với nhạc ballad thì đến lúc này, tôi tự hỏi tại sao mình không chọn thể loại mới để thử sức bản thân và cho khán giả thấy khía cạnh mới”, anh giải thích.

Thực tế, với giọng hát khỏe khoắn, dày, có màu riêng cùng ngoại hình điển trai, Erik không khó để thể hiện thể loại mới. Anh chỉ cần phô diễn những gì mình có một cách tự nhiên đã đem đến khía cạnh mới mẻ.

“Tôi thấy bài này bắt tai. Tại sao lại cứ phải ballad nhẹ nhàng mới được chứ. Phải lột xác hình tượng, một màu hoài nhàm chán lắm”, “Một MV quá chất chơi, Erik mang phong cách cùng giọng hát rất ngầu, nhạc cuốn hút. Nhưng chọn lựa thời điểm ra mắt MV thật là sai, nhìn lượt xem mà tiếc cho MV hay thế này”, “Nhạc hay, lyrics cũng tốt. Giọng Erik khỏi chê, concept tốt, màu sắc, cảnh quay, góc quay đẹp. Tạo hình Erik cũng đẹp, vừa đủ ma mị vừa đủ nam tính”… khán giả khen ngợi MV.

Vpop 2018: Tài năng ai cũng có, nhưng nỗ lực mới thu hút khán giả

Nhìn lại Vpop thời gian qua, khán giả có thể quan sát thấy các dòng nhạc đang chuyển mình mạnh mẽ, và nghệ sĩ đang hoạt động một cách nghiêm túc và chăm chỉ.



Lan Phương

Bạn có thể quan tâm