Các thương hiệu làm đẹp nội địa của Trung Quốc đang nỗ lực phát triển sản phẩm và hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp hơn. Ảnh: Shutterstock. |
Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc không còn bị coi là “lựa chọn thay thế giá rẻ”, mà giờ đã được coi là sản phẩm cao cấp ở nước này.
Không còn là hàng 'ăn theo'
Các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc, hay còn gọi là "C-beauty", đã chứng kiến doanh số bán hàng của họ tăng 51% từ năm 2017 đến năm 2022, vượt xa mức tăng trưởng 42% của thị trường chung.
Ông Yang Hu, quản lý cấp cao tại Euromonitor cho biết những thương hiệu này có tiềm năng kéo dài vòng đời sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“Người tiêu dùng thường coi sản phẩm làm đẹp Trung Quốc là 'lựa chọn thay thế rẻ hơn' hoặc phiên bản ăn theo của các nhãn hàng quốc tế. Bây giờ, đã đến lúc phá bỏ định kiến ấy và cao cấp hóa khách hàng mục tiêu", ông Yang nói.
Năm 2022, thị trường chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân của Trung Quốc trị giá 78,9 tỷ USD. Trong đó, phân khúc chăm sóc da trị giá 41 tỷ USD và mỹ phẩm trị giá 8,2 tỷ USD. Các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc chiếm 28% doanh số bán lẻ trong số 20 thương hiệu hàng đầu được bán tại Trung Quốc, tăng từ 14% vào năm 2017.
Ngành công nghiệp nước hoa của Trung Quốc cũng không nằm ngoài sự tăng trưởng chung. Các thương hiệu nước hoa mới thành lập đã biết cách lồng ghép các di sản văn hóa của Trung Quốc vào quảng bá sản phẩm. Các sản phẩm này được người tiêu dùng trẻ yêu thích và được gọi là “hương thơm Trung Quốc”.
“Nhu cầu về nước hoa cao cấp chưa được đáp ứng và sẽ trở thành lĩnh vực tiếp theo được nhiều thương hiệu Trung Quốc phát triển mạnh", ông Yang cho biết.
Phân khúc nước hoa ở Trung Quốc được định giá 1,9 tỷ USD vào năm 2022, theo South China Morning Post.
Năm 2022, các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc chiếm 28% doanh số bán lẻ trong số 20 thương hiệu hàng đầu được bán tại Trung Quốc, tăng từ 14% vào năm 2017. Ảnh: GMA. |
Nỗ lực thu hút khách hàng
Trong khi các thương hiệu quốc tế như L’Oreal Paris, Estee Lauder, Yves Saint Laurent và Christian Dior vẫn thống trị thị trường, nỗ lực cá nhân hóa và phát triển sản phẩm đã giúp các thương hiệu nội địa dần bắt kịp.
Theo báo cáo của Euromonitor, các công ty nội địa như Jala và Proya đã cho thấy tiềm năng thông qua các chiến lược tiếp thị và phát triển sản phẩm mới nhắm vào thế hệ trẻ. Trong khi đó, các thương hiệu mới nổi như Winona và Florasis cũng đã thúc đẩy đổi mới thành phần và mẫu mã sản phẩm.
Thương mại điện tử cũng góp phần vào sự phát triển của các thương hiệu Trung Quốc. Phần lớn doanh số bán hàng của họ được tạo ra thông qua các nền tảng trực tuyến và quảng cáo trên mạng của người nổi tiếng.
Các nền tảng thương mại điện tử như AliExpress và Shein cũng đã cho phép các thương hiệu Trung Quốc giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng nước ngoài.
Tuy nhiên, mức độ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu còn thua xa các thương hiệu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Để giải quyết thách thức này, một số công ty Trung Quốc đã cố gắng thu hút người tiêu dùng quốc tế bằng cách đưa ra mức giá phải chăng và lựa chọn đa dạng.
Thách thức
Mặc dù các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc đã cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ, vòng đời sản phẩm ngắn vẫn là một thách thức.
Người tiêu dùng Trung Quốc có mức độ trung thành với thương hiệu thấp hơn so với mức trung bình của thế giới.
Một cuộc khảo sát của Euromonitor về thói quen người tiêu dùng năm 2022 cho thấy chỉ 11% số người được hỏi luôn mua cùng một nhãn hiệu hoặc sản phẩm khi nói đến mỹ phẩm. Với nhiều lựa chọn thay thế có giá cả phải chăng trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng chuyển sang các lựa chọn khác khi các thương hiệu tạm dừng quảng cáo hoặc livestream giảm giá.
Nhng cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Kinh tế Quốc tế giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.