Tiêm chủng là phương cách hiệu quả nhất nhằm chống lại các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Năm 1974, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI), tiêm các loại vắc xin có sẵn cho mọi trẻ, giúp kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, năm 2012, WHO tiết lộ khoảng 1,5 triệu trẻ em trên toàn thế giới chết vì các bệnh có vắc xin phòng ngừa. Cũng trong năm đó, WHO báo cáo khoảng 22,6 triệu trẻ em dưới một tuổi trên toàn thế giới đã không được tiêm vắc xin 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTP3).
Hơn 70% số trẻ này sống tại 10 quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nigeria, Pakistan, Philippines, Uganda và Nam Phi.
Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) lo ngại về nguồn cung cấp vắc xin trong tương lai. Tổ chức đã đáp ứng khoảng 40% nhu cầu được tiêm chủng của trẻ em toàn thế giới. Tuy nhiên, thiếu hụt vắc xin có vẻ đang trở thành một vấn đề toàn cầu.
Theo Stephen Jarrett, phó giám đốc Bộ phận cung ứng thuộc UNICEF, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vắc xin là do trong 5 tới 6 năm qua, các nước công nghiệp đã bắt đầu dùng các loại vắc xin khác với hầu hết các quốc gia đang phát triển sử dụng.
Ví dụ, giá của liều vắc xin kết hợp phòng ho gà và sởi có giá 28 USD tại Mỹ, trong khi UNICEF mua một liều vắc xin sởi với giá 10 cent.
Thiếu vắc xin trầm trọng
Hiện mỗi năm, khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh sốt vàng da, với 30.000 ca tử vong. Trong số 17 quốc gia có nguy cơ cao, 14 nước ở châu Phi với 90% các trường hợp nhiễm bệnh đều tử vong. Theo UNICEF, thế giới cần khoảng 64 triệu liều vắcxin cho bệnh sốt vàng da, nhưng chỉ có 35 triệu được sản xuất, đáp ứng 42% nhu cầu.
Năm 2003, WHO và Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tạo một kho dự trữ khẩn cấp để cung cấp 6 triệu liều mỗi năm. Tuy nhiên, con số này không đủ so với nhu cầu lớn.
Dù một liều duy nhất có thể bảo vệ 99% bệnh nhân được tiêm chủng trong 35 năm hoặc nhiều hơn, hiện chỉ 4 quốc gia sản xuất loại vắcxin này gồm Brazil, Senegal, Nga, Pháp với các trang thiết bị đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Hồi tháng 10, Cydney Cheah, 33 tuổi, chủ sở hữu một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Malaysia, đưa con gái 5 tháng tuổi tới cơ sở y tế Universiti Malaya để tiêm chủng. Tuy nhiên, các nhân viên y tế hẹn cô quay trở lại vào tháng tới vì đang thiếu vắc xin.
"Họ nói tôi đưa con tới tiêm chủng vào tháng 9, nhưng tới ngày hôm nay, cơ sở vẫn không có vắc xin. Điều này khiến tôi lo rằng, cháu sẽ không được bảo vệ”, Cheah nói. Con của cô đã quá hạn tiêm vắc xin DtaP 3 tháng.
Một bác sĩ giấu tên nói, các bệnh nhân được chỉ định tới các phòng khám của Bộ Y tế để tiêm chủng cho con, nhưng lại gặp tình trạng thiếu vắc-xin. "Chúng tôi không có vắcxin vì các nhà sản xuất/phân phối không có hàng cung cấp cho chúng tôi", ông nói.
Theo France 24, tình trạng khan hiếm DTP, vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván, đang khiến các phụ huynh ở Pháp loay hoay tìm giải pháp. Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK), một trong hai hãng cung cấp vắc xin cho thị trường Pháp, nói rằng tình trạng khan hiếm xảy ra bởi hai nguyên nhân chính.
"Số trường hợp mắc ho gà trên thế giới tăng vọt trong năm 2012 và 2013. Vì thế 17 nước, bao gồm Mỹ, Ấn Độ và Australia, khuyến nghị các thai phụ tiêm DTP để ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván trong thai kỳ. Nhu cầu rất cao của thai phụ khiến các kho DTP cạn kiệt", Telma Lery, người phát ngôn của GSK, giải thích.
Nguyên nhân thứ hai là việc sản xuất DTP dựa trên quá trình sinh học, chứ không phải quá trình hóa học. Vì thế, theo Lery, hoạt động chế DTP diễn ra trong 18 tháng. "Dịch bệnh là thứ chúng ta không thể đoán trước. Chúng ta cũng không thể dự đoán thời gian cần để sản xuất một mẻ vắc xin, cũng như khoảng thời gian để đưa chúng ra thị trường", bà nói.
Hàng loạt trường học ở bang Maryland, Mỹ cũng phải hủy hoặc hoãn chương trình ngừa cúm hồi tháng 10 do họ không nhận đủ số lượng FluMist, một loại vắc xin mà người sử dụng xịt vào mũi để ngừa virus gây bệnh cúm, USA Today cho biết.
Tình trạng khan hiếm diễn ra tại nhiều thành phố trong bang - bao gồm Baltimore, Harford, Howard. Giới chức y tế dự báo các trường sẽ nhận thêm FluMist vào tháng 12 hoặc muộn hơn.
Một y tá chuẩn bị tiêm ngừa vắc xin cho trẻ tại Anh. Ảnh: Athena |
Hôm 14/12, Cơ quan Y tế bang Tây Úc thuộc Australia xác nhận giới chức thiếu vắc xin ngừa ho gà dành cho người lớn do tình trạng khan hiếm trên toàn thế giới. "Lượng vắc xin ngừa ho gà đủ khả năng đáp ứng các chương trình y tế của chính phủ, song không sẵn ở thị trường tư nhân", người phát ngôn của Cơ quan Y tế Tây Úc nói.
Prevenar 7, vắc xin phế cầu dành cho trẻ em, cũng trở thành mặt hàng các bậc cha mẹ tại Trung Quốc săn lùng ráo riết. Theo giới truyền thông Trung Quốc và các diễn đàn của cha mẹ, rất nhiều phụ huynh ở đại lục đưa con sang đặc khu Hong Kong để tiêm sau khi tập đoàn dược phẩm Pfizer thông báo họ ngừng bán Prevenar 7 hồi tháng 4 do giấy phép hết hạn. Nhiều người dân Trung Quốc nói rằng họ chi hàng nghìn nhân dân tệ để chích ngừa cho con.
Nỗi lo này thậm chí còn lớn hơn ở Malaysia. Các bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân Malaysia thiếu vaccine 5 trong 1 dành cho trẻ em trong nhiều tháng do tình trạng khan hiếm toàn cầu. Malaysian Insider cho biết, Bộ Y tế Malaysia đồng ý cấp 10% lượng vaccine cho các cơ sở y tế tư nhân.
Một số bệnh nhân trong các bệnh viện tư cố gắng tiêm vaccine cho con tại những cơ sở y tế công. Song các bệnh viện công từ chối yêu cầu của họ, với lý do bác sĩ phải ưu tiên những trẻ chào đời tại bệnh viện công.