Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ Tho: Trường rối bời khi siết việc dạy thêm

TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đang siết lại việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT bằng cách không cấp phép dạy thêm ở nhà mà gom hết vào trường.

Mỹ Tho: Trường rối bời khi siết việc dạy thêm

TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đang siết lại việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT bằng cách không cấp phép dạy thêm ở nhà mà gom hết vào trường.

Học sinh vừa tan học buổi chiều phải ăn vội trong vòng 10 phút để tiếp tục học thêm lúc 17h.

Mặc dù chủ trương này được đa số phụ huynh đồng tình, nhưng khi thực hiện thì mọi chuyện rối bời.

Học muốn đứt hơi

Ngày 17/9, ngày đầu tiên Trường THCS Xuân Diệu bắt đầu triển khai dạy thêm học thêm trong trường. 16h50, khi tiếng trống trường báo hiệu buổi học chiều kết thúc, nhiều học sinh không về mà ngồi bệt trên sân trường mở cặp lấy hộp cơm, xôi, bánh mì... ăn ngấu nghiến. Một học sinh nói: “Tụi em chỉ có 10 phút để ăn, sau đó phải vào học thêm tiếp”. Đa số các em đều biểu lộ sự mệt mỏi. Đúng 17h, dù chưa ăn xong nhưng các em phải vứt thức ăn thừa vào thùng rác rồi chạy lên lớp học thêm.

Ngoài cổng trường, nhiều em học buổi sáng được cha mẹ đưa đến trường chưa kịp tháo mũ bảo hiểm đã vội chạy ùa vào lớp cho kịp giờ học. Một bảo vệ đứng kêu từng học sinh lại hỏi tên giáo viên dạy để chỉ phòng học, đồng thời nhắc nhở phải mặc đồng phục khi đi học thêm.

Nhiều phụ huynh đưa con em vào học rồi nhưng vẫn chưa chịu quay về. Một phụ huynh nhà ở P.5, TP Mỹ Tho nói: “Tụi nhỏ bây giờ học chính, học phụ, học thêm muốn đứt hơi mà không biết có kết quả gì hay không nữa”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Dung chở con gái học lớp 6 đến Trường THCS Xuân Diệu học thêm, rồi vội vã đưa đứa học lớp 8 (học buổi chiều) về nhà tắm rửa, ăn uống một chút để còn học thêm ca 2. Bà Dung lo lắng: “Mấy đứa học buổi sáng còn nghỉ được buổi chiều, đến tối mới học thêm nên không mệt lắm. Còn mấy đứa học buổi chiều năm tiết đã mệt muốn đứt hơi, sức đâu học thêm nữa”.

Gần 19h, hai em Quỳnh Như và Tố Oanh (học sinh lớp 6 Trường THCS Xuân Diệu) gần như kéo lê chiếc cặp dưới đất rời khỏi trường rồi đèo nhau trên xe đạp về tận xã Tân Mỹ Chánh. Hai em nhà ở gần nhau nên ngày nào cũng đi học cùng. “Hôm nay về tối quá mà nhà lại xa, em sợ lắm. Ngồi học mà cứ nhìn ra ngoài xem trời tối cỡ nào nên không tập trung được. Có nhiều chỗ không hiểu gì cả” - Như nói. Một học sinh lớp 8 vừa gãi đầu vừa nói: “Em đăng ký học năm môn mà không có thời gian nên chắc chỉ học được ba môn”. Chúng tôi hỏi học thêm có hiểu bài không, em này nói: “Hiểu chết liền. Mệt, mắt mở không lên luôn”.

Ca học thêm thứ hai kết thúc lúc 20h. Trong ánh sáng lờ mờ từ bóng đèn điện ở phòng bảo vệ, hàng chục phụ huynh căng mắt tìm con mình đang thất thểu bước ra. Gần như không em nào nói chuyện với cha mẹ vì rất mệt. Cha mẹ các em chỉ chờ con ngồi yên trên xe rồi phóng đi. “Học một ngày chín giờ liên tục từ 12-20h, học sinh nào chịu nổi chứ. Giờ về nhà ngủ chứ thời gian đâu học bài!” - một phụ huynh tỏ vẻ bức xúc.

Học thêm trong trường để trường quản lý, giám sát

Cô Nguyễn Thị Thúy, hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu, cho biết hiện trường nhận được gần 80 đơn của giáo viên năm bộ môn xin dạy thêm trong trường nhưng số lượng lớp học không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngày đầu tiên dạy thêm, trường tổ chức dạy hai ca, kết thúc lúc 20h nhưng bị phòng giáo dục “tuýt còi” nên gút lại chỉ dạy thêm một ca, kết thúc lúc 19h. “Nhà trường cố gắng tổ chức dạy thêm trong trường để tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu kém được đi học thêm do phần lớn giáo viên dạy thêm không nhận tiền của các em này. Hơn nữa, việc dạy thêm ngay trong trường cũng dễ quản lý hơn” - cô Thúy nói.

Tuy nhiên, việc cô Thúy và nhiều lãnh đạo ở các trường khác lo lắng nhất là chất lượng dạy thêm sẽ bị ảnh hưởng vì việc dạy, học liên tục từ buổi chiều đến buổi tối làm cả thầy và trò đều mệt mỏi. Cô Thúy đề xuất: “Quy định dạy thêm trong trường là hoàn toàn đúng, nhưng đối với các trường không đủ phòng học như Trường THCS Xuân Diệu cần phải có lộ trình để các trường chuẩn bị”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Giêng, hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân, cho biết trường cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức dạy thêm vì không đủ phòng học, trong khi quy định dạy thêm không được quá 19h. Hiện giáo viên của trường kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang tổ chức dạy thêm, học thêm. Trung tâm này sẽ hưởng 20% số học phí học sinh đóng.

Theo Phòng GD-ĐT TP Mỹ Tho, đến nay phòng đã cấp phép dạy thêm cho 131 giáo viên của 3/11 trường trên địa bàn TP. Hiện tại nhu cầu dạy thêm, học thêm rất cao nên nhiều trường không thể đáp ứng được. Trường THCS Xuân Diệu và Trường THCS Lê Ngọc Hân không đủ phòng học để tổ chức dạy thêm thì phòng sẽ kiến nghị Sở GD-ĐT tỉnh cho phép mượn một điểm trường khác làm cơ sở dạy thêm, học thêm. “Dứt khoát chỉ cho dạy thêm, học thêm trong trường để quản lý chứ không cho dạy thêm, học thêm tràn lan nữa. Việc dạy thêm trong trường giúp ngành giáo dục giám sát chuyện giáo viên “đì” học sinh, bắt học sinh phải học thêm với mình để đối phó với các bài kiểm tra trong lớp” - một cán bộ Phòng GD-ĐT TP Mỹ Tho nói.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm