Giữa thập niên 1990, Phạm Hoàng Nam đi tiên phong trong việc thực hiện những video clip ca nhạc “made in Việt Nam” trong lúc thị trường đang tràn ngập video clip nước ngoài, tạo tiền đề cho làn sóng các đạo diễn trẻ và ca sĩ ào ạt thực hiện video clip. Anh đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về thị trường MV (music video) Việt Nam khi giải thưởng âm nhạc trực tuyến ZMA vừa công bố Top 5 MV của năm – một trong bốn giải thưởng quan trọng nhất.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam. |
- Anh nhận định mặt bằng sản xuất MV tại Việt Nam hiện nay như thế nào so với thế giới?
- Với sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số độ phân giải HD, quay phim bằng thẻ nhớ và những phần mềm dựng phim gần như miễn phí trên mạng, ngày nay ai cũng có thể tự làm MV mà không cần một đoàn làm phim cầu kỳ tốn kém. Tuy nhiên, sự sáng tạo của một MV không nằm ở kỹ thuật, kỹ xảo, tiền đầu tư và độ mượt của hình ảnh. Cái làm chúng ta còn cách xa với thế giới nằm ở điều cốt yếu này: sự sáng tạo.
- Là thành viên hội đồng nghệ thuật, nhìn vào Top 10 MV của năm thuộc giải thưởng "Zing Music Awards" (ZMA) – giải thưởng cân đo đong đếm trên thị hiếu của người yêu nhạc, anh thấy xu hướng làm MV nào đang được ưa chuộng?
- Các bạn trẻ thường thích chọn cách làm MV dựa theo câu chuyện, mối tình tay ba, tình cảm éo le vì chia cắt giàu nghèo... Vì chọn đề tài đơn điệu cùng với cách kể chuyện thiếu sáng tạo, diễn viên và ca sĩ diễn xuất thiếu chuyên nghiệp, đạo diễn tay nghề non, hình ảnh thiếu thẩm mỹ và bay bổng hoặc không phá cách trong tư duy, bối cảnh thường có sẵn và ít đầu tư nên hầu hết các MV đều có cách làm na ná nhau, xem rất chán.
Tôi rất ngạc nhiên là các bạn trẻ Việt bây giờ lại làm MV kém sáng tạo đến vậy. Có thể các bạn dựa vào âm nhạc vốn đã nhạt của bài hát nên cái tứ của MV bị bức bí, hoặc chiều theo thị trường và lười suy nghĩ… nên chất lượng nghệ thuật không cao nói chung và so với năm trước nói riêng.
- Có MV nào trong năm 2013 làm anh ấn tượng?
- Hiện thời thì chưa.
Ca sĩ Trang Pháp trong MV sản xuất năm 2013 với hình ảnh của một cô gái tuổi teen. |
- Có thể thấy MV chưa được ưa chuộng ở Việt Nam, nếu như cùng một bài hát trên Zing MP3, lượt nghe các file âm thanh có thể cao gấp hàng chục lần so với MV. Thói quen này của khán giả có làm giảm động lực cho các nghệ sĩ đầu tư vào một MV nghiêm túc?
- So với ngày trước thì MV ngày càng được ưa chuộng, nhưng không thể so sánh với việc nghe bằng audio được. Người ta nghe nhạc mọi lúc mọi nơi và vừa nghe vừa làm được nhiều việc khác, nhưng xem MV thì phải tập trung cả nghe và nhìn, lại phải có phương tiện để xem mới đã. Cặp tai nghe tốt có thể thoả mãn số đông về sự nghe, nhưng một màn hình lớn và đẹp đủ để xem một MV chất lượng thì không dễ có.
Ngoài ra chất lượng MV cũng là điều đáng cân nhắc. Một MV hay phải xuất sắc như một tác phẩm tạo hình độc lập, đồng thời nâng tầm thêm cho tác phẩm âm nhạc.
- Anh nghĩ sao về sự thành công của "Gangnam Style" cũng như vai trò của MV trong hoạt động nghệ thuật của một nghệ sĩ?
- Tôi không muốn bàn gì về MV của ngoại quốc. Không thể so sánh nền công nghiệp âm nhạc hùng hậu và bài bản của Hàn Quốc với sự non trẻ và nghiệp dư của chúng ta hiện nay.
- Một số nghệ sĩ trẻ chọn cách cập nhật những chủ đề hot mà giới trẻ đang quan tâm để thu hút sự quan tâm của họ về MV của mình, những tác phẩm thị trường này thường khá cạn về ý tưởng và cách thể hiện. Theo anh, đâu là khoảng cách giữa tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm thị trường?
- Tôi sẽ chấm điểm theo tính thẩm mỹ (cả cho hình ảnh và âm nhạc) và tính sáng tạo, tôi không quan tâm đến yếu tố thị trường. Không có sáng tạo thì nghệ thuật sẽ tiêu vong và mọi thứ ăn theo sẽ chỉ tồn tại rất ngắn và ăn may, cái đó không phải nghệ thuật. Không có chỗ cho sự dễ dãi, lười biếng và thiếu hiểu biết về văn hoá, về tính thẩm mỹ trong nghệ thuật.