Ngành GD-ÐT Việt Nam bước vào năm mới 2015 với nhiều phần việc quan trọng như chuẩn bị các bước ban đầu cho đổi mới chương trình sách giáo khoa, triển khai đổi mới việc dạy việc học, kiểm tra đánh giá ở hệ thống giáo dục phổ thông, một kỳ thi THPT quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo hệ ÐH nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội...
Ðể thực thi các công việc này, các sở GD-ÐT, các trường ÐH sẽ thực hiện các giải pháp nào và có các kiến nghị gì?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ. |
Ông Ninh Thành Viên (Phó giám đốc Sở GD-ÐT Kiên Giang):
Ðể những định hướng lớn đó - như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phát biểu - sớm trở thành hiện thực, theo tôi còn khá nhiều việc phải làm. Trước hết là về vấn đề đổi mới nội dung sách giáo khoa, bản thân việc biên soạn sách giáo khoa hiện nay bộc lộ khá nhiều bất cập, điển hình là khối lượng kiến thức và tính vùng miền ở một số môn học còn chưa thật sự phù hợp. Và vấn đề này cần phải sớm được điều chỉnh khi tiến hành đổi mới nội dung sách giáo khoa sắp tới.
Ông Ninh Thành Viên. |
Nghị quyết của Quốc hội đã xác định thời điểm tiến hành đổi mới giáo dục một cách cơ bản và toàn diện sau năm 2018, từ nay đến đó chỉ còn mấy năm, thời gian rất cấp bách. Cho nên theo tôi, Bộ GD-ÐT cần có một lộ trình thật cụ thể, gắn với giao nhiệm vụ cho từng địa phương, từng cấp để địa phương biết được mình sẽ tham gia tới đâu, làm những gì.Thứ hai là việc triển khai dạy học tích hợp ở cấp tiểu học và THCS, dạy học phân hóa ở bậc THPT. ở cấp THPT thì dễ vì lâu nay ta đã dạy phân hóa bằng cách chuyên ban nhưng dạy học tích hợp thì phải gắn với giáo viên. Bậc tiểu học, rồi THCS lâu nay ta toàn đào tạo giáo viên theo từng môn, nay định hướng tích hợp thì phải đào tạo lại như thế nào, cần bao nhiêu thời gian để đào tạo được một lượng giáo viên có khả năng dạy học tích hợp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Còn về nhiệm vụ của ngành năm nay, sẽ tập trung mọi nỗ lực đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non theo nghị quyết của đảng bộ tỉnh. Nghị quyết giao nhiệm vụ đến cuối năm 2015 sẽ phải hoàn thành giáo dục phổ cập mầm non, nhưng tới thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 50%, cho nên nhiệm vụ còn lại hết sức nặng nề.
Ông Võ Minh Lợi (Phó giám đốc Sở GD-ÐT TP Cần Thơ):
Ngành sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phấn đấu để tỉ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 100%. Trong đó đảm bảo các yếu tố để trẻ mầm non phát triển thể chất, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; nâng chất lượng phổ cập, từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở giáo dục ở địa phương.
Ðối với giáo dục phổ thông, ngành sẽ tập trung phát triển trí tuệ, bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng như chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho các em nhằm bảo đảm cho học sinh THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng...
Ông Lê Trung Chinh (giám đốc Sở GD-ÐT TP Ðà Nẵng):
Chúng tôi mong việc đổi mới giáo dục sẽ đồng bộ, thống nhất chủ trương và nhận thức đầy đủ của mọi tầng lớp xã hội rằng ngành giáo dục là quốc sách hàng đầu. Từ trung ương đến các cấp ngành phải vào cuộc, nếu để một mình ngành giáo dục triển khai thì rất đơn độc, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi.
Ngoài ra phụ huynh, học sinh phải thay đổi nhận thức, đặc biệt đội ngũ nhà giáo càng phải thay đổi hơn. Lâu nay, giáo viên chỉ truyền thụ kiến thức và cho rằng đã hoàn thành nhiệm vụ mà bỏ quên điều quan trọng đó là hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.
Riêng với ngành giáo dục Ðà Nẵng, đang tích cực triển khai những đề án đổi mới, bước đầu đạt được một số việc như học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh thể hiện qua các lần kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra học kỳ vừa rồi để chuẩn bị cho những kỳ thi sắp tới.