Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm 2016: Bùng nổ phim Việt

Hơn 40 phim được sản xuất, gần 30 phim ra rạp trong năm 2015 báo hiệu một năm bùng nổ của phim Việt.

Năm 2015, phim Việt lần đầu tiên không còn phân định giới hạn phim theo mùa, mà gần như tháng nào trong năm cũng có từ 2-5 phim ra rạp, tạo một sự liên tục không bị đứt quãng như trước. Đặc biệt là tháng cuối năm, dù có Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 với một “Toàn cảnh phim Việt” tưởng chừng “no nê”, nhưng một loạt phim mới sản xuất ra rạp vẫn tạo một cơn sóng, nhất là Em là bà nội của anh, gây “sốt” gần như đang lặp lại hiện tượng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (là phim “nóng” nhất trong năm với doanh thu khủng, lập kỷ lục vượt mức 80 tỷ đồng).

Phim hài mở hàng năm mới

Không có gì mới, vẫn là các hãng phim tư nhân trong Nam luôn năng động và náo nhiệt khơi nguồn mở hàng năm mới. Giống như gạch nối mở đầu cho mùa phim Việt 2016, phim hài mang cái tên “nửa nạc nửa mỡ” khá lạ tai ra rạp trong mùa Giáng sinh 2015: Già gân, mỹ nhân và găng tơ. Tiếp theo là 5 phim “toàn tập” hài đồng loạt công chiếu Tết Nguyên đán 2016. Một ghi nhận có chiều hướng đổi mới, điểm qua các phim hài thấy có sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu hơn, ít hài “nhảm” mà xu hướng là hài “sạch”.

Đầu tiên là phim Lộc phát (hài + hành động, kịch bản và đạo diễn Lê Bảo Trung). Phim kể lại hành trình bão táp của anh chàng Lộc cùng gã sát thủ Cát, những cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn với cô gái vừa thoát khỏi tay những kẻ buôn nội tạng, Phát - một đại gia bất động sản, một lão ăn mày bị cướp hành hung... Cùng thể loại hài + hành động là Siêu trộm (đạo diễn Hàm Trần), với đề tài hacker (tội phạm mạng), đề cập đến những mánh khóe trong thế giới tội phạm siêu kỹ thuật, một hacker có tên Bóng Ma đã tạo ra phần mềm có thể khóa ổ cứng máy tính và buộc nạn nhân sử dụng phải trả một khoản tiền chuộc bằng những đồng tiền ảo.

Cặp nghệ sĩ hài Hoài Linh - Việt Hương “đến tết lại lên” qua phim Tía tui là cao thủ, kể câu chuyện một gia đình có nghề thuốc đông y gia truyền bỗng xào xáo khi nhận tiền đền bù giải tỏa đất đai... Một phim hài khác mang tên Yêu là phải xài chiêu (đạo diễn Khương Ngọc), xoay quanh việc giúp anh chàng ngốc to xác tìm thấy tình yêu, nhưng oái oăm, người giúp anh ngốc lại tìm thấy tình yêu của chính mình... Tạm kết mùa phim tết là Gái già lắm chiêu (đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito), câu chuyện được mở ra bằng việc nhóm gái già cùng bác sĩ quái dị tìm kiếm... tinh trùng. Và mục tiêu là các chàng trai đẹp đẽ, khoẻ mạnh...

Tết là phải vui, vui hết cỡ, do đó không lạ gì khi các hãng tung phim hài chiếu tết, không chỉ cầu “thắng” như may mắn, để được “hên” trong năm, mà còn là không có chiêu gì khác để thay đổi, và cũng chỉ có hài mới có thể có sự an toàn “hòa vốn”. Sau mùa phim tết là loạt phim hài và tình cảm tâm lý khác “xếp hàng” ra rạp, không để một quãng nghỉ nào: Tình xuyên biên giới, Valentine, Điệp vụ chân dài, Điệp vụ 3 lờ, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ, Ma lai, Vòng eo 56, Vua tán gái, Liên minh huyền thoại, và chuẩn bị sản xuất: Fan cuồng, Taxi, em là ai?

Đinh Ngọc Diệp và Kiều Minh Tuấn - phim Lộc phát. Ảnh:Galaxy cung cấp.

“Bom tấn” phim Việt 2016

Sau chiến thắng ngoạn mục không thuộc về sở trường của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đạo diễn Victor Vũ đã có ngay một dự án theo đúng sở trường, dự kiến ra rạp tháng 5: Status (ban đầu có tên 1.000 like tôi sẽ chết), phim hình sự - điều tra, kể về tội phạm mạng xã hội và giới truyền thông.

Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng sẽ tung “bom tấn” của mình là Tấm Cám: Chuyện chưa kể, thể loại giả tưởng thần thoại, vào dịp 30/4. Thời điểm này, một dự án “bom tấn” khác của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng ra rạp mang tên Truy sát (đạo diễn Cường Ngô), kể lại cuộc chiến gữa các chiến sĩ công an với tội phạm xuyên quốc gia. Tiếp theo là phim Bao giờ có yêu nhau của Dustin Nguyễn, dựa trên câu chuyện cổ tích Sự tích trầu cau. Đạo diễn Lý Hải cũng tiếp tục cho ra Lật mặt 2 với hy vọng cũng sẽ “thắng” như Lật mặt của 2015. Ngoài ra, một phim được trông đợi đã làm từ năm 2015, đang “chinh chiến” ở các đấu trường quốc tế cũng dự định sẽ ra rạp vào mùa hè năm 2016 của đạo diễn Phan Đăng Di: Cha, con và….

Đây là các dự án phim đã được sản xuất, đang làm tiếp hậu kỳ và xếp lịch công chiếu nửa đầu năm 2016. Ngoài ra, các hãng phim đều có rất nhiều dự án gối đầu nhau liên tục để có phim ra rạp đến cuối năm và chuẩn bị cho năm sau. Nhưng gần như các dự án phim này đều của các hãng tư nhân sản xuất, chưa thấy dự án phim nhà nước nào công bố và lên lịch công chiếu.

Đặc biệt, năm 2016 có 4 dự án phim điện ảnh của Nhà nước đặt hàng là: Xã tắc - đề tài lịch sử, cổ trang; Địa đạo - đề tài chiến tranh cách mạng; Người yêu ơi - đề tài đồng bào dân tộc thiểu số; Không ai bị lãng quên - đề tài các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô. Nhưng cho tới giờ này, vẫn chưa biết đặt hàng ai và không biết có hãng tư nhân nào được “chọn mặt gửi vàng” để có thể tạo nên một kỳ tích tiếp theo như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hay lại “rơi” vào một hãng phim nhà nước để rồi phim lại thành một sản phẩm “lưu kho” như thường lệ từ trước tới giờ?

Năm 2016, một số “đại gia” trong ngành sản xuất và phát hành phim đã có kế hoạch mở thêm nhiều cụm rạp với nhiều phòng chiếu được nâng cấp cả về chất lượng và số ghế, mở rộng thêm hệ thống rạp ở các tỉnh, thành… Như thế cũng kéo theo nhu cầu phim Việt ra rạp tăng lên, đòi hỏi các nhà làm phim cũng phải “tay năm tay mười” không thể chỉ sản xuất 30-40 phim/năm, mà nhiều hơn nữa.

Có thể xem 2016 là năm phim Việt bùng nổ cả số lượng và chất lượng, cũng là năm ngành điện ảnh Việt Nam thực hiện những kế hoạch đã đề ra trong những dự án chiến lược phát triển ngành từ 2015-2020 và tầm nhìn 2030.

http://laodong.com.vn/van-hoa/nam-2016-bung-no-phim-viet-411749.bld

Theo Việt Văn/NLDO

Bạn có thể quan tâm