ĐH Công nghiệp TP HCM đã ngừng tuyển sinh bậc TCCN từ năm 2014 - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Những sai phạm này liệu có bị xử lý hay Bộ GD&ĐT lại “giơ cao đánh khẽ”, hay lại tái lập cơ chế xin - cho?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD&ĐT, cho biết:
- Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ban hành cuối năm 2011.
Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định, đối với cơ sở đào tạo nhiều trình độ, ưu tiên xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao nhất, sau đó xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho trình độ đào tạo thấp hơn cho đến hết số chỉ tiêu đã xác định.
Các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ TCCN. Tuy nhiên, một số trường cho rằng, yêu cầu dừng đào tạo ngay hệ TCCN trong các trường ĐH là chưa phù hợp tại thời điểm đó, khiến các trường bị động.
Vì vậy, sau đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 57 điều chỉnh, thay bằng một “dự lệnh” cho phép các trường ĐH không phải ngay lập tức dừng đào tạo hệ TCCN, mà được phép giãn dần tiến độ giảm tuyển sinh với hệ đào tạo này theo công thức: Hàng năm, các trường giảm tối thiểu 20% chỉ tiêu TCCN so với năm 2011 và sẽ dừng tuyển sinh hoàn toàn TCCN trong các trường ĐH trước năm 2017.
Như vậy, chính thức từ năm 2016, các trường ĐH sẽ không được tuyển sinh TCCN nữa.
Nhiệm vụ của trường ĐH là đào tạo ĐH, sau ĐH
- Lãnh đạo một số trường, ví dụ các trường y dược, cho rằng, nhiều ngành đặc thù không thể dừng đào tạo TCCN, nên kể cả sau này, tuyển sinh TCCN trong trường ĐH phải dừng chung trong toàn hệ thống thì các trường vẫn kiến nghị được phép tiếp tục tuyển sinh. Liệu có ngoại lệ như vậy không, thưa ông?
- Phải xác định rõ rằng, các trường ĐH cần tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chính là đào tạo trình độ ĐH, thậm chí nhiều trường còn phải đảm nhận nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Quy định dừng tuyển sinh đào tạo TCCN trong trường ĐH có cơ sở pháp lý chặt chẽ từ Luật giáo dục. Điều 42 của Luật giáo dục quy định “ĐH, trường ĐH, học viện (gọi chung là trường ĐH) đào tạo trình độ CĐ, trình độ ĐH; đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khi được bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép”.
Trước đây, chúng ta đã hiểu không đúng quy định này. Nhiều trường ĐH cho rằng, có thể đào tạo các trình độ mà luật không cấm. Nay phải hiểu lại cho đúng: các trường chỉ được đào tạo những trình độ mà luật cho phép.
Tuy nhiên, với những ngành nghề bậc TCCN đặc thù, cần trang thiết bị và đội ngũ chuyên gia ở các trường ĐH mới đào tạo có chất lượng, những ngành nghề xã hội cần nhưng các trường TCCN chưa đào tạo được, những địa phương chưa có trường TCCN làm nhiệm vụ đào tạo thay thế trường ĐH thì bộ sẽ xem xét cho các trường ĐH được đào tạo TCCN trong giai đoạn quá độ khi thực hiện thông tư 57.
- Một số trường lý giải họ có quyền được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên việc xác định chỉ tiêu ĐH, TCCN bao nhiêu thuộc quyền của nhà trường, không liên quan bộ; vì sau thông tư 57 không còn cơ chế xin - cho, Bộ GD&ĐT không còn xét duyệt chỉ tiêu hằng năm cho các trường nữa. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Đúng là thông tư 57 giao cho các trường được tự chủ xác định số lượng tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc xác định đó. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc các trường muốn xác định chỉ tiêu hay tuyển sinh các hệ đào tạo bao nhiêu cũng được.
Bộ không xét duyệt chỉ tiêu hàng năm như trước, nhưng các trường phải căn cứ tiêu chí và nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tại thông tư 57 để tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của đơn vị mình với Bộ GD-ĐT.
Sau khi nhận được đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo, căn cứ thông tư này, Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cho từng cơ sở đào tạo trước ngày 31-12 hàng năm.
PGS.TS Nguyễn Văn Áng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Sẽ rà soát các trường xác định chỉ tiêu “ngẫu hứng”
- Có trường chỉ tiêu TCCN năm 2015 tăng gấp đôi so với năm 2014. Nhiều trường không chịu giảm tuyển sinh TCCN theo lộ trình giảm tối thiểu 20% chỉ tiêu mỗi năm theo quy định của Bộ GD&ĐT...
- Xin nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã quy định, nếu gian lận trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh như: kê khai giảng viên cao hơn thực tế, kê khai quy mô đào tạo các hệ chính quy thấp hơn thực tế thì tùy theo mức độ có thể bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành hoặc đình chỉ tuyển sinh cả trường trong năm đó, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.
Thực tế, hàng năm, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức các đợt kiểm tra trong việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như tình hình tuyển sinh thực tế của nhà trường. Năm 2014, bốn trường bị mất quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định, phải chấp nhận chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT ấn định, bởi lỗi xác định chỉ tiêu không đúng.
Ngay trong tháng 5 này, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện một đợt kiểm tra về việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở một số trường. Với những trường ĐH cố tình vi phạm, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý đúng quy định, thông tin kết quả xử lý công khai.
Tuyển sinh TCCN trong các trường ĐH đã giảm hơn 5 lần
Năm 2014, sau ba năm thực hiện thông tư 57, quy mô đào tạo TCCN trong các trường ĐH từ 140.000 (năm 2011) xuống còn hơn 34.000, trong đó tuyển mới từ 70.000 (năm 2011) xuống còn 13.000.
Tuy nhiên, việc không cho các trường ĐH đào tạo TCCN không đồng nghĩa với việc giao số lượng đó về các trường TCCN.
Năm 2011, trên phạm vi cả nước có 285 trường TCCN và khoảng 260 trường CĐ.
Ngoài các trường TCCN, các trường CĐ vẫn tiếp tục được đào tạo trình độ TCCN. Như vậy, hệ thống các trường được đào tạo TCCN hiện có khoảng 540 trường.
Trên lý thuyết, số lượng hơn 70.000 học sinh TCCN tuyển mới trước đây do các trường ĐH thực hiện, nay thị trường tự điều chỉnh phân bổ về các trường CĐ và TCCN. Theo đó, quy mô bình quân sẽ tăng khoảng 260 học sinh cho mỗi trường.
Với quy mô bình quân của một trường TCCN hiện nay là gần 1.000 học sinh thì việc tăng thêm hơn 260 học sinh cho thấy quy mô của các trường TCCN vẫn còn khiêm tốn.
PGS.TS NGUYỄN VĂN ÁNG