462 tỷ xây dựng chương trình, sách giáo khoa
Sau khi đính chính trước dư luận về con số 34.000 tỷ đồng dùng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa là "sai sót, sơ suất đáng tiếc", sáng 27/9, trong buổi giải trình trước Thường vụ Quốc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết tổng kinh phí dự kiến là 462 tỷ đồng.
Kinh phí này dùng để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa).
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn.
Như vậy, tổng kinh phí để triển khai đề án này phải là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 504,4 tỷ đồng là ngân sách trung ương; 274,4 tỷ đồng từ địa phương. Ông Luận cũng cho biết, có thể còn phát sinh thêm.
Đánh giá về con số này, GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết đề án của chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tách riêng nguồn tài chính chi qua ngân sách trung ương với nguồn tài chính chi qua ngân sách địa phương và nguồn tài chính xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức khác.
Ông góp ý: “Khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương tương đối cụ thể, hợp lý và có tính khả thi. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần khải toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Sẽ có 4 bộ sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có 4 bộ sách giáo khoa, bao gồm của Bộ và của các tổ chức, cá nhân. Việc lựa chọn sử dụng bộ sách nào vào giảng dạy sẽ do các trường tự quyết định. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy và học tập, giáo viên, học sinh vẫn có quyền tham khảo các bộ sách khác.
Về nội dung này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện.
Tuy nhiên, các đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sử dụng bộ sách nào trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường.
Lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa
- Giai đoạn 1 (01/2015-6/2017)
Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới.
Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Hoàn thành việc thành lập trang thông tin điện tử đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng chương trình phát thanh và truyền hình quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông; tổ chức tuyên truyền về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
- Giai đoạn 2 (7/2017-6/2018)
Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn.
- Giai đoạn 3 (7/2018-12/2021)
Từ năm học 2018-2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.