Huỳnh Thanh Phương Anh (35 tuổi) yêu thích nhóm nhạc Super Junior từ lớp 10. Cô đã ra nước ngoài xem rất nhiều đêm nhạc của thần tượng trong những năm qua. Nhưng với Phương Anh, 2023 vẫn là một năm vô cùng đặc biệt.
Tháng 3, Super Junior lần đầu tiên đến Việt Nam tổ chức concert. Phương Anh vẫn nhớ rõ khoảnh khắc mình được hòa vào biển xanh sapphire, sự phấn khích khi nghe idol giao lưu với fan bằng tiếng Việt.
Tháng 9 và 10, cô tiếp tục được gặp thần tượng trong các sự kiện, nhạc hội tại TP.HCM. Không quy mô bằng concert của nhóm, những sự kiện này vẫn mang lại cho Phương Anh trải nghiệm tuyệt vời.
Cuối năm, fan girl này quyết định chi hơn 7 triệu đồng để mua tấm vé VVIP của Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2 với hy vọng khép lại một năm đu idol rực rỡ. Nhưng chỉ vài ngày trước đêm diễn, show ca nhạc đột ngột bị hủy bỏ.
“Cảm giác như bị rơi xuống từ 9 tầng mây. Tôi mất tiền vé xem show, tiền vé máy bay, tiền ăn ở vì ban tổ chức kém chuyên nghiệp. Trong gần 10 năm tham gia đủ các sự kiện, concert lớn nhỏ của idol, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác thất vọng đó”, Phương Anh nói với Tri thức - ZNews.
Năm 2023, nhiều nhóm nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam tham gia các sự kiện âm nhạc, tổ chức concert. Đây là tín hiệu đáng mừng với ngành âm nhạc, tổ chức sự kiện và cả người hâm mộ trong nước. Thế nhưng, khi số lượng không đi liền với chất lượng, fan Việt vẫn phải trải qua đủ các "kiếp nạn" khi đu idol trên "sân nhà".
Phương Anh tại concert của nhóm Super Junior ở TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Concert trong nước nhiều cảm xúc hơn
Theo báo cáo năm 2022 của Korea Foundation (tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc), Việt Nam xếp thứ 3 về số lượng fan Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) với 13,3 triệu người hâm mộ, chỉ đứng sau Trung Quốc (84,3 triệu người hâm mộ) và Thái Lan (16,8 triệu fan).
Còn theo khảo sát của trang Statista, Việt Nam đứng thứ 3 (sau Indonesia và Thái Lan) trong danh sách 10 nước nghe và theo dõi Kpop nhiều nhất.
Hai đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình hồi tháng 9 đã thu hút 70.000 khán giả.
Những con số kể trên cho thấy Việt Nam đang là thị trường tiềm năng đối với ngành âm nhạc Kpop. Lee Soo Man, người sáng lập công ty giải trí hàng đầu xứ kim chi SM Entertainment, từng nhận định vào năm 2017: “Việt Nam có dân số tương đối trẻ, với 65% dân số dưới 35 tuổi. Việt Nam cũng có một số điểm tương đồng với Hàn Quốc về văn hóa và lối sống… Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam để tạo ra các cơ hội giúp phát triển hơn nữa nền kinh tế và ngành công nghiệp giải trí”.
Phương Anh là fan cứng của nhóm Super Junior. Ảnh: NVCC. |
Với những người hâm mộ như Phương Anh, sự phát triển dễ thấy nhất là số lượng các sự kiện âm nhạc ở TP.HCM, Hà Nội quy tụ dàn sao Hàn đã gia tăng nhanh chóng trong vài năm qua. Bên cạnh việc ra nước ngoài, fan Việt giờ đây có thêm cơ hội gặp gỡ thần tượng trên “sân nhà”.
Phương Anh nhận xét rằng dù không quy mô hay tổ chức chuyên nghiệp bằng các đêm diễn ở Thái Lan mà cô từng tham dự, concert của Super Junior hồi tháng 3 tại TP.HCM vẫn là trải nghiệm tuyệt vời.
“Xem concert trong nước có nhiều cảm xúc hơn khi ra nước ngoài. Đó là điều khiến tôi thích nhất”, cô nói.
Tương tự, Bảo Trâm (25 tuổi), người đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua vé xem concert của Blackpink ở Hà Nội, cho biết cảm giác vui sướng khi được quẩy cùng idol trên "sân nhà" khó có thể diễn tả thành lời.
Hơn nữa theo Trâm, ra nước ngoài xem concert sẽ tốn chi phí đi lại, ăn ở nhiều hơn trong nước. Cô cũng nhận thấy văn hóa xem ca nhạc của mỗi nơi một khác.
"Tôi thấy ở Việt Nam, fan và thần tượng hát cùng nhau rất hăng hái. Khoảnh khắc V-Blink (fandom của Blackpink ở Việt Nam) cùng hát bản vietsub ca khúc 'Flower' thực sự rất vui và không thể trải nghiệm ở nước khác", Trâm cho hay.
Nhưng cũng lắm "kiếp nạn"
Dù số lượng sự kiện âm nhạc quốc tế gia tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, fan Việt vẫn chưa thực sự hài lòng về chất lượng khâu tổ chức, đặc biệt với những đêm nhạc có giá vé cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.
Concert của Blackpink ở Hà Nội bán vé 1,2-9,8 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé ở Singapore là 168-398 SGP (3-7,3 triệu đồng), Indonesia là 1.35-3.8 triệu rupiah (2-6 triệu đồng) và Philippines là 3.000-19.450 peso (1,3-8,5 triệu đồng).
Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng của ngành giải trí Hàn Quốc. Ảnh: Celeb Confirmed. |
Tuy nhiên, bỏ ra số tiền lớn để mua vé cũng chưa chắc đã có được chỗ ngồi đẹp hay có cơ hội nhìn thấy idol.
Tại concert của Westlife ở TP.HCM hồi tháng 11, nhiều khán giả bất mãn vì bị xếp chỗ ngồi xấu, không thể nhìn sân khấu hay màn hình LED. Sau chương trình, ban tổ chức đã phải xin lỗi khán giả, thừa nhận thiếu sót do lần đầu tổ chức show lớn, ít kinh nghiệm.
Thế nhưng, dù có phải trải qua bao nhiêu "kiếp nạn" khi tham gia các sự kiện âm nhạc trong năm qua, nhiều người vẫn sẽ cảm thấy may mắn nếu không mua vé Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2. Ban đầu show âm nhạc này dự kiến diễn ra trong ngày 23-24/12, nhưng đã bị ban tổ chức hủy ngay phút chót.
Huỳnh Ngân (TP.HCM, 24 tuổi), fan của nhóm Highlight, nhận tin show bị hủy ngay trước giờ lên máy bay ra Hà Nội. Cô và người bạn đi cùng không kịp đổi chuyến, cũng chẳng kịp hủy phòng khách sạn. Lần đu idol biến thành chuyến du lịch bất đắc dĩ.
Ngân mua vé khu BOM 3 với giá 1,9 triệu đồng. Chuyến bay khứ hồi hết 3,5 triệu đồng. Tiền khách sạn tốn thêm 1,7 triệu đồng. Nhưng nhìn cách ban tổ chức hủy show, cô cũng chẳng dám trông chờ sẽ nhận lại được khoản tiền nào.
Vì trước đây chưa có điều kiện kinh tế để ra nước ngoài xem show của thần tượng, Ngân cho biết đại nhạc hội này là trải nghiệm đầu tiên.
“Nhưng ai có ngờ lại dính luôn chương trình bất ổn nhất. Sau lần này, chỉ khi nào công ty chủ quản của thần tượng đứng ra tổ chức concert thì tôi mới đủ mạnh dạn mua vé đi xem", Ngân chia sẻ.
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.