KOL và KOC là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. |
Trong thời đại của mạng xã hội và influencer marketing (tiếp thị có ảnh hưởng), KOL (Key Opinion Leader) và KOC (Key Opinion Consumer) đã trở thành một phần trong chiến lược tiếp thị trực tuyến của các thương hiệu nhằm nâng cao nhận thức và sự công nhận của khách hàng mục tiêu.
Mặc dù đều xuất hiện với các sản phẩm hoặc dịch vụ, KOL và KOC là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Sử dụng KOL và KOC trong quảng bá thương hiệu đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Phân biệt
KOL là chuyên gia có ý kiến được đánh giá cao trong một lĩnh vực chuyên ngành, được nhiều người lắng nghe.
KOL cũng có thể là những người nổi tiếng có ảnh hưởng, người mẫu, diễn viên điện ảnh, ca sĩ, biểu tượng thời trang, người dẫn chương trình truyền hình...
Nhìn chung, KOL là những cá nhân được tin cậy và tôn trọng bởi danh tiếng và chuyên môn của họ.
Còn KOC là những người tiêu dùng hàng ngày, đánh giá sản phẩm dựa trên trải nghiệm của bản thân. Họ là những người vốn không có danh tiếng trong một lĩnh vực cụ thể nào và có ít người theo dõi hơn.
Tóm lại, KOC được đánh giá dựa trên cảm nhận, trải nghiệm cá nhân đối với các sản phẩm, dịch vụ.
KOL là những chuyên gia có ảnh hưởng hoặc người nổi tiếng trong một lĩnh vực. |
Theo chuyên gia tiếp thị Michaela Zhu và nhà tư vấn chiến lược marketing Michael Glasek, có 3 điểm khác biệt lớn giữa KOL và KOC:
Mức độ chủ động: Các thương hiệu chủ động tiếp cận KOL để hợp tác trong chiến dịch quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Còn KOC thông thường sẽ dùng thử sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ như người tiêu dùng bình thường, sau đó chia sẻ đánh giá của mình lên mạng xã hội.
Theo Forbes, không giống như KOL, KOC thường không được trả tiền. Nhãn hàng sẽ gửi sản phẩm miễn phí cho KOC với hy vọng họ sẽ chia sẻ trải nghiệm dùng thử.
Số lượng người theo dõi: KOL có lượng người theo dõi lớn hơn. KOL cũng được phân loại thành những người có ảnh hưởng bình thường (Micro-influencer) dưới 10.000 follower hay người nổi tiếng (Celebrity) với hàng triệu follower.
KOC có ít người theo dõi hơn KOL và không có sự phân nhóm dựa trên lượng follower cụ thể. Theo Inside Retail Asia, KOC chỉ có từ vài trăm đến vài nghìn người theo dõi. Tuy nhiên, những follower này khá trung thành, có mối quan hệ gần gũi nên nhiều khả năng suy nghĩ, hành động theo KOC.
Tính trung thực: KOC cũng là người dùng cuối (end-user) nhưng điều khiến họ khác biệt với những người dùng cuối bình thường là có blog hoặc vlog riêng để bày tỏ ý kiến và quan điểm của mình đối với sản phẩm. So với các KOL được trả tiền để cộng tác với thương hiệu, KOC có thể được đánh giá cao về tính trung thực.
Ưu và nhược điểm
Quảng bá thương hiệu, sản phẩm dựa trên KOL, KOC vừa có ưu và nhược điểm. Các chuyên gia chỉ ra rằng nhãn hàng nên cân nhắc lựa chọn chiến lược phù hợp, có thể kết hợp các phương thức và tránh "bỏ hết trừng vào một giỏ".
Ưu điểm lớn nhất của các chiến lược tiếp thị dựa trên KOC là chi phí rẻ. Việc sử dụng tốt một số KOC có thể tạo ra ROI (tỷ suất hoàn vốn) cao hơn một KOL.
KOC ít đòi hỏi và dễ dàng tiếp cận hơn vì đa số không phải là người có ảnh hưởng toàn thời gian.
KOC là những người tiêu dùng chủ chốt có sức ảnh hưởng trên thị trường. |
Về nhược điểm, KOC rõ ràng không có quá nhiều người theo dõi nên khả năng hiển thị và phạm vi tiếp cận của nội dung sẽ bị giới hạn.
Ngoài ra, việc đo lượng hiệu quả của hình thức marketing này cũng rất khó. Mặc dù khả năng hiển thị, phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác đều có thể được đo lường và báo cáo dễ dàng, KOC thường chỉ xây dựng nhận thức và tăng doanh số bán hàng một cách gián tiếp.
Ngược lại với KOC, ưu điểm của KOL là khả năng hiển thị và phạm vi tiếp cận cao hơn; kiểm soát nội dung tốt hơn; dễ dàng đo lường hiệu quả.
Nhờ có lượng khán giả lớn, KOL tăng nhận thức và mức độ tương tác với thương hiệu một cách dễ dàng và nhanh hơn. Một thương hiệu thường có thể chọn người nổi tiếng muốn hợp tác và cung cấp cho họ hướng dẫn chính xác về nội dung cần đăng, nghĩa là kết quả gần như có thể được dự đoán trước.
Tỷ suất hoàn vốn trong chiến dịch sử dụng KOL cũng dễ xác định hơn.
Còn nhược điểm của việc sử dụng KOL là độ tin cậy thấp, khó thực hiện và chi phí cao.
Mặc dù loại hình tiếp thị này có khả năng tiếp cận và nâng cao nhận thức tốt, khán giả lại thường không tin tưởng rằng KOL thực sự đã sử dụng sản phẩm để có đánh giá khách quan.
Những người nổi tiếng sẽ yêu cầu mức phí cao hơn nhiều so với KOC. Bên cạnh đó, các ngôi sao và công ty quản lý có các quy tắc riêng khi lựa chọn thương hiệu đại diện để phù hợp với hình tượng đang theo đuổi. Vì vậy, những chiến dịch có KOL tham gia thường mất rất nhiều thời gian để lên kế hoạch và thực hiện.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.